www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nếp sống mới xứ Tiên

Nền tảng và đích hướng đến trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Tiên Phước chính là cho cuộc sống người dân phát triển hơn. Một nếp sống mới đã được hiện thực hóa trên vùng đất này.

 

Cuộc sống yên bình ở làng quê xứ Tiên. Ảnh: D.L
Cuộc sống yên bình ở làng quê xứ Tiên. Ảnh: D.L 

Đổi thay những làng quê

Khu vườn rộng hơn 13 sào đất của ông Nguyễn Đình Trứ (thôn Hội An, xã Tiên Châu) được cải tạo, chỉnh trang và ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả cao. Ông Trứ đã cắt bỏ bớt cây tạp, trồng thêm măng cụt, lòn bon có ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh. Ngoài 35 cây măng cụt, hơn 200 cây lòn bon đã cho thu hoạch, vợ chồng ông Trứ nuôi 400 con vịt đẻ lấy trứng, cho tổng thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

“Trước đây tôi chỉ làm theo kiểu chờ đến vụ nào thu hoạch vụ đó, tất cả nhờ trời. Nhưng khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bón phân, tưới nước... thì chất lượng cho trái của cây tốt hơn. Thôn Hội An được chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu nên cùng với mọi người, tôi tích cực phát triển kinh tế gia đình, chỉnh trang vườn, ngõ sạch đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa mới” - ông Trứ chia sẻ.

Từ khi thôn Mỹ Thượng Tây (xã Tiên Mỹ) được chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, người dân ở đây luôn hết lòng ủng hộ. Đường làng được mở rộng, bê tông hóa, hai bên trồng cau, sưa, hoa bằng sự đóng góp kinh phí, công sức của nhân dân trong thôn. Như ông Nguyễn Lương chẳng chút chần chừ hiến ngay hơn 200mđất và vận động các thành viên trong gia đình đóng góp 20 ngày công làm đường. Người dân đồng lòng, tuyến đường bê tông liên thôn chạy qua Mỹ Thượng Tây nhanh chóng hoàn thiện, thay thế cho con đường đất gập ghềnh. 

Ông Trương Minh Nghĩa - Bí thư kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Mỹ Thượng Tây cho hay, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, Chi bộ thôn đã có nghị quyết chuyên đề bám sát thực hiện 10 tiêu chí. Nội dung nghị quyết được quán triệt từ cán bộ đến nhân dân thôn cùng vào cuộc thực hiện. Cấp ủy chi bộ, Ban nhân dân thôn còn đi từng nhà vận động, thuyết phục bà con hiểu xây dựng NTM vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Tháng 5.2020, Mỹ Thượng Tây đã xây dựng thành công, trở thành một trong những khu dân cư điểm ở huyện Tiên Phước.

Cuộc sống mới cho nhân dân

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao mọi mặt... là thành quả của quá trình xây dựng NTM ở Tiên Phước. Huyện đã có 6/14 xã đạt chuẩn NTM; không có xã dưới 10 tiêu chí. Tiên Phước phấn đấu đến năm 2020 có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM. Với mục tiêu này, tổng nhu cầu vốn thực hiện là 817 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện Tiên Phước sẽ điều phối, huy động lồng ghép các nguồn lực và kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, phấn đấu đưa huyện Tiên Phước đạt chuẩn NTM vào năm 2022; có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 13 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. 

Đời sống của người dân Tiên Phước đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng (tăng 26 triệu đồng so với năm 2015). Nhiều sản phẩm từ vườn, rừng đã là sản phẩm OCOP, đưa giá trị nông sản lên cao như tiêu, lòn bon, trầm hương, thanh trà. Diện tích vườn đã tăng lên 5.680ha (tăng 1.713ha), vườn được người dân cải tạo đạt hơn 70%.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói, Tiên Phước xác định xây dựng NTM theo hướng thực chất, bền vững, lấy nhân dân làm gốc và vì sự phát triển của nhân dân. Trong đó, thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng là nền tảng; hỗ trợ người dân mọi mặt trong chỉnh trang vườn, giữ lại và trồng mới những loại cây đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. 

“Huyện khuyến khích và hỗ trợ người dân giữ bờ đá, trồng chè tàu trên ngõ đá để giữ văn hóa làng truyền thống. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tự bỏ kinh phí chỉnh trang vườn, đồi, trang trại, trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, cam giấy... Phát triển kinh tế vườn, rừng gắn với giữ gìn nét văn hóa đặc trưng đã trở thành phong trào, thành nếp sống mới của người dân vùng quê Tiên Phước” - ông Minh chia sẻ.

Lê Diễm - Đoàn Đạo, Báo Quảng Nam