Mùa xuân đầy cảm hứng cho những định hướng phát triển
Năm 2016 có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Là năm chúng ta đón chào các sự kiện trọng đại của cả nước: Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp; cả nước sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Riêng đối với huyện Tiên Phước, là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện (16/6/1946-16/6/2016); cũng là thời điểm toàn huyện triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Phước khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trong khí thế rộn ràng của những ngày đầu năm mới 2016, đầu xuân Bính Thân, xin nêu một số việc mà toàn Đảng bộ phải quyết tâm thực hiện:
Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ huyện Tiên Phước đã nêu rõ là trong nhiệm kỳ phải xây dựng và triển khai quyết liệt 4 chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển huyện Tiên Phước thành vùng trọng điểm Kinh tế vườn – Kinh tế trang trại (KTV - KTTT) của tỉnh; chương trình huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; chương trình phát triển vùng quê Tiên Phước trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng gắn với du lịch sinh thái, làng quê; chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tiên Phước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Những nhiệm vụ thường xuyên trên các lĩnh vực phải luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhưng 4 chương trình trên đây được Đại hội xác định là trọng điểm, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ đưa Tiên Phước phát triển nhanh và bền vững.
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành đã giao các cơ quan, ban ngành có liên quan triển khai xây dựng các chương trình hành động để trình trong các hội nghị của Ban Chấp hành. Công tác triển khai đang được chỉ đạo quyết liệt.
Đối với chương trình phát triển huyện Tiên Phước thành vùng trọng điểm KTV - KTTT và chương trình phát triển vùng quê Tiên Phước trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng, trong tháng 10/2015, UBND huyện đã đăng ký làm việc với UBND tỉnh. Qua các ý kiến đóng góp của các đồng chí Thường trực UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đồng ý cho phép Tiên Phước xây dựng Đề án phát triển vùng KTV – KTTT, phát triển vùng quê Tiên Phước trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng gắn với du lịch sinh thái, làng quê. Như vậy là 2 chương trình của Nghị quyết Đại hội 16 gắn thành một. Đây là kết quả rất lớn của Đảng bộ trong việc đề ra một định hướng đúng và tham mưu để tỉnh thống nhất chủ trương.
Khi nghe có chủ trương này của tỉnh Quảng Nam, nhiều huyện bạn cũng thắc mắc là tại sao Tiên Phước lại là vùng trọng điểm KTV – KTTT; tại sao Tiên Phước lại “dám” trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng, tức là sao lại “dám đại diện” cả hai lĩnh vực, tỉnh có ưu tiên, thiên vị điều gì không? Xin khẳng định rằng, chắc chắn là không. Chỉ là do chúng ta tham mưu tốt trên cơ sở những giá trị đặc sắc, những lợi thế phát triển về kinh tế và văn hóa của Tiên Phước mà thôi. KTV – KTTT thì chúng ta có truyền thống bao đời nay rồi. Không nơi nào trong tỉnh Quảng Nam có được những khu vườn cây ăn quả, cây đặc sản đặc sắc như Tiên Phước, luôn được cả nước biết đến như lòn bon, thanh trà, tiêu, quế,… Về văn hóa, Tiên Phước có truyền thống gần trăm năm với những giá trị văn hóa vật thể như nhà cổ, ngõ đá, văn hóa vườn,… và phi vật thể như các làn điệu dân ca, hát đối, lễ hội độc đáo như vây cọp,…
Như vậy, đã quá đủ điều kiện để “đại diện” rồi. Nhưng tự tham mưu, tự nhận định là đại diện, chúng ta sẽ chịu một áp lực rất lớn là làm sao cho xứng. Anh nhận là đại diện mà anh ọp ẹp, què quặt chẳng đến đâu thì thiên hạ chê cười. Vậy nên cái Đề án này phải làm sao cho thật tốt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Chín có nói vui với mấy anh em Thường trực Huyện ủy rằng: “Tiên Phước chỉ cần một cái Đề án này là quá đủ”. Đúng, nếu thực hiện tốt đề án này thì Tiên Phước sẽ được đầu tư và phát triển toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vấn đề còn lại là Đảng bộ phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, không nói suông, không đánh trống bỏ dùi. Ngọn lửa nhiệt tình, ngọn lửa đam mê về một Tiên Phước phát triển nhanh, bền vững phải được thắp và thổi bùng lên trong toàn Đảng bộ và từng người dân Tiên Phước.
Chúng ta phấn đấu vì một Tiên Phước giàu đẹp bằng sự tri ân, ngưỡng mộ những tấm gương kiên trung bất khuất của các thế hệ đảng viên; bằng việc tự hào, noi gương những chí sĩ yêu nước tiền bối; bằng niềm tự hào truyền thống 100 năm Tiên Phước mà chưa có vùng trung du nào của xứ Quảng có được như thế. Thế nên, việc thực hiện Đề án xây dựng Tiên Phước thành vùng trọng điểm KTV – KTTT của tỉnh, xây dựng vùng quê Tiên Phước trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng phải là quyết tâm chính trị số một của toàn Đảng bộ.
Vấn đề thứ hai là xây dựng 14 xã của huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, xây dựng thị trấn Tiên Kỳ thành đô thị văn minh, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện. Về xây dựng Nông thôn mới, trong nhiệm kỳ qua, nhất là những năm cuối nhiệm kỳ, chúng ta đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và cuối năm 2015 đã có ba xã: Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh đạt chuẩn về Nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội là đến năm 2025 huyện sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa Nghị quyết, Ban Chấp hành khóa XVI nhận thấy Tiên phước đảm bảo đủ điều kiện, và quyết tâm đến năm 2022 huyện sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới, trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội. Để làm được việc này phải quyết tâm cao và phải làm cho bằng được. Bởi xét cho cùng, sự ưu việt và tính hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các chế độ xã hội khác là có được một nông thôn phát triển, tiến bộ, văn minh.
Về xây dựng thị trấn Tiên Kỳ, vấn đề này Nghị quyết Đại hội XVI có nêu, nhưng không nói trong 4 chương trình. Sau khi thảo luận việc cụ thể hóa Nghị quyết, các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều thống nhất cần có một đề án hoặc một chương trình để thông qua. Ban Thường vụ đã giao cho thị trấn Tiên Kỳ và phân công đồng chí Lê Trí Hiệu - UVTV, PCT Thường trực UBND huyện trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án. Bao năm chúng ta tập trung quyết liệt cho việc đầu tư xây dựng và phát triển, nhưng thị trấn Tiên Kỳ vẫn được tỉnh xếp chọn là đô thị loại 5 - loại cuối cùng trong tốp đô thị như Tăk-Pỏ của Nam Trà My và Hương An của Quế Sơn,…
Lý do là Tiên Kỳ quá chật hẹp về mọi thứ. Để phát triển, Tiên Kỳ phải thoát khỏi cái áo chật, tức là phải được mở rộng và tập trung phát triển toàn diện. Đề án phải làm rõ khu vực nào là đô thị, khu vực nào là nông thôn, trên cơ sở đó phân cấp quản lý, phân cấp đầu tư cho từng năm để phát triển hợp lý. Về quy hoạch chúng ta đã xây dựng và trình tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể thị trấn Tiên Kỳ, trong đó khu đô thị mới Phước An 7 ha, khu đô thị mới Nam Tiên Kỳ trên 40 ha, là những ý tưởng tuyệt vời phải thực hiện cho bằng được. Tất nhiên, trong qui hoạch giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, phải tôn trọng một vấn đề hết sức nguyên tắc, hết sức nhân văn là đền bù thỏa đáng, không để người có đất, có tài sản chịu thiệt thòi vì việc chung, nơi ở mới phải hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ. Thực hiện được hai dự án Phước An và Nam Tiên Kỳ, thị trấn sẽ thoát được “chiếc áo chật”, vươn lên “bằng anh, bằng em” với các huyện cùng điều kiện so sánh, và hơn thế nữa có thể vượt xa bạn để xứng tầm là đại diện cho vùng trung du xứ Quảng.
Vấn đề thứ ba là chương trình huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chương trình này đã có trong nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 chủ yếu là kế thừa và phát triển. Trong những năm qua, thực hiện thu hút đầu tư, chúng ta đã đưa Tiên Phước phát triển khá ngoạn mục, đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình có ý nghĩa chính trị, kinh tế- xã hội và dân sinh được xây dựng mới. Kỷ niệm 40 năm giải phóng Tiên Phước, các đồng chí cách mạng tiền bối, nhân dân Tiên Phước ở các nơi xa, kể cả Việt kiều về thăm quê đều ngỡ ngàng với một Tiên Phước khang trang và đẹp đẽ và khởi sắc. Tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2015 gần 210 tỷ đồng, bằng mức đầu tư của 2 nhiệm kỳ trước đó cộng lại.
Năm 2016 và những năm tới, chúng ta sẽ có những giải pháp tốt hơn trong thu hút đầu tư, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ để chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Cùng với thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ phải được xem là giải pháp trọng tâm nhất trong phát triển kinh tế, bởi thực tế cho thấy, thương mại, dịch vụ bao giờ cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn nhưng lâu nay chúng ta chưa có giải pháp tốt trên lĩnh vực này.
Vấn đề thứ 4 là chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tiên Phước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong suốt 2 nhiệm kỳ qua, xác định công tác cán bộ là khâu yếu nhất, bởi vậy Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ở tất cả các khâu, các bước; từ quy hoạch, đào tạo đến bổ nhiệm, sắp xếp, điều động, luân chuyển. Đến nay, công tác cán bộ của chúng ta đã đạt nhiều kết quả tốt, phần lớn đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp đều đạt ở mức cao. Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã đều phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, có một thực tế là trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ kể cả huyện, xã, thôn còn yếu. Hạn chế đó dẫn đến nhiều sai sót trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện. Nhiều nơi, công chức ngại tiếp xúc, không dám đối thoại với nhân dân để giải quyết những công việc trên các lĩnh vực nóng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẫn còn đơn thư vượt cấp, một số vụ việc để dây dưa kéo dài chậm được xử lý. Do vậy, khắc phục tình trạng nêu trên, việc đạo tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ là hết sức cần thiết. Với chương trình đạo tạo, bồi dưỡng thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, chắc chắn chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ có năng lực, có trình độ đáp yêu cầu công việc giao.
Các đề án, chương trình trên đây là những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để tạo sự đột phá trên một số lĩnh vực, tạo động lực đưa Tiên Phước phát triển nhanh. Muốn thế, vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh phải luôn là nhiệm vụ thường xuyên. Tổ chức Đảng phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo, chính quyền phải vững mạnh, các tổ chức của Mặt trận và đoàn thể phải luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đủ năng lực phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, cổ vũ động viên nhân dân đồng thuận thực hiện các quyết sách của Đảng, chính quyền các cấp.