www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mục sở thị “báu vật” chữa rắn và chó dại cắn

 Hơn 20 năm qua, với một phần của chiếc “sừng lạ”, cha con ông Trần Hạ (trú núi Gò Rùa, tổ 5, thôn 2, Tiên Thọ, H. Tiên Phước, Quảng Nam) đã chữa chạy khỏi bệnh cho hàng trăm người bị rắn độc, chó dại... cắn. Câu chuyện cứu người kỳ diệu đã được nhiều người dân truyền tai nhau...

       “Bảo vật” thời chinh chiến

        Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Tuất (42 tuổi), con gái ông Hạ. Đến đầu thôn, hỏi nhà “thần rắn” ai cũng tận tình chỉ đường: “Nhà bả ở trên đỉnh núi Gò Rùa đó. Cháu dựng xe ở đây rồi đi bộ băng qua cánh đồng, men theo dọc bờ suối đến cuối đường sẽ tới nhà bả” - một phụ nữ đầu thôn tận tình hướng dẫn. Theo chỉ dẫn, chúng tôi cũng tìm thấy nhà bà Tuất sau 10 phút đi bộ. Tại nhà bà đã thấy nhiều người tập trung theo dõi việc bà Tuất chữa bệnh.

       Lúc này, trong ngôi nhà gỗ 2 gian nhỏ bé, bà Tuất đang chữa cho cháu Lê Văn Vỹ (lớp 5, Trường TH Trần Quốc Toản, xã Tiên Ngọc, H. Tiên Phước) bị chó hàng xóm cắn. Chị Dương Thị Hoa (36 tuổi), mẹ cháu Vỹ cho biết: Cách đây một tuần cháu bị chó cắn. Thấy chó có dấu hiệu không bình thường nên tôi đã đưa cháu Vỹ đi chích 2 lần thuốc chống dại rồi nhưng vẫn không yên tâm. Nghe người quen nói dưới Tiên Thọ có ông thầy chuyên chữa chó dại cắn nên tôi lân la dò hỏi địa chỉ và đưa cháu Vỹ xuống nhờ “thầy” chữa giúp.

       Theo quan sát của P.V, “bảo bối” mà bà Tuất đang dùng chữa bệnh là một đoạn vật màu nâu nhỏ, đường kính khoảng 3cm. Vừa hút chất độc ở chân cháu Vỹ, bà Tuất vừa kể chuyện: Sau nhiều năm gắn bó với chiến trường K, cha tôi trở về quê mang theo “bảo vật” và ông nói đó là đoạn sừng tê giác, bên ngoài được bọc lá bùa do một cao niên người bản địa tặng. Lúc đó cha tôi cũng không biết lắm về công dụng của tặng vật, chỉ nghe nói chữa rắn, chó cắn nên cất giữ xem như kỷ niệm thời chinh chiến.

 

Bà Trần Thị Tuất đang chữa cho cháu Vỹ.

 

       Mãi đến năm 1990, ở địa phương có ông B. đi núi bị rắn độc cắn lâm cảnh “thập tử nhất sinh”. Biết chuyện và nhà ở gần nhau, cha tôi lấy kỷ vật đem qua nhà ông B. để dùng thử. Khi cha tôi để đoạn sừng tê giác trên vào nơi ông B. bị rắn cắn thì bất ngờ đoạn sừng trên bám chặt vào vết cắn giống như nam châm hút phải kim loại.

        Nghĩ công dụng của “bảo vật” trên phát huy nên cha tôi cứ để cho nó hút nọc độc từ cơ thể ông B. ra. Khoảng 1 tiếng sau, đoạn sừng trên tự động rơi ra khỏi vết thương, cha tôi nhặt và bỏ vào chén nước để rửa thì xuất hiện màu vẩn đục và sủi bọt màu trắng. Theo nhiều người nhận định thì đó là chất độc của rắn được hút ra. Sau khi chiếc sừng hút được nọc độc ra, sức khỏe ông B. dần hồi phục và trở lại bình thường.

         “Cũng từ ngày ấy, tiếng lành đồn xa, nhiều người dân kháo nhau về việc cha tôi có bảo vật chữa được bách bệnh. Tuy nhiên, qua một thời gian dài kiểm chứng, bảo vật trên chỉ có công dụng với những người bị rắn, côn trùng, chó dại cắn” - bà Tuất cho biết thêm.

 



Cận cảnh đoạn sừng tê giác trị độc.

 

        Tiền tỷ cũng không bán

       Năm 2004, ông Hạ qua đời vì tuổi cao sức yếu, bà Trần Thị Tuất là con một nên nối nghiệp cha, tiếp quản “báu vật” chữa trị cho những bệnh nhân không may bị rắn, chó dại cắn. Và từ đó đến nay bà Tuất được mệnh danh là “thần rắn”. “Thần rắn gì chứ, cũng như cha tôi trước đây, tôi chữa khỏi bệnh cho người ta chỉ nhờ vào đoạn sừng nhỏ này. Mà nó chỉ chữa được những người bị rắn, chó, ong cắn thôi, còn những bệnh khác không chữa được. Do đa số bệnh nhân đến đây đều bị rắn cắn, tôi chữa khỏi nên họ mới phóng đại bảo tôi là thần rắn đó” - bà Tuất giải thích cho “biệt danh” của mình.

       Cũng theo bà Tuất: “Không biết “nó” có công năng như thế nào mà ai bị chất độc trong người thì nó mới hút chặt vào như nam châm, còn người bị chó cắn nhưng không phải chó dại thì nó không hút. Đến giờ tôi cũng không biết chiếc sừng trên của con gì. Trước đây nhiều người bảo là sừng tê giác. Gần đây mấy đứa cháu tôi lên mạng xem và cho rằng đó là sừng của con dinh, vì trên nhiều bài báo cho rằng chỉ có sừng dinh mới khắc chế được nọc rắn. Rồi nó đưa ảnh trên mạng cho tôi xem nhưng tôi thấy sừng đó không giống với đoạn sừng tôi đang có”. Vừa nói bà vừa bảo cháu Vỹ đứng thẳng chân lên để cho đoạn sừng trên nằm thẳng đứng so với mặt đất, nhưng kỳ lạ nó vẫn bám chặt vào chân cậu bé mà không rơi xuống.

       Sau 3 lần hút, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút bà Tuất lại dùng đôi đũa gõ vào chiếc sừng và lấy nó ra để bỏ vào chén nước cho chất độc thoát ra rồi mới tiếp tục hút. Và khi “bảo bối” trên không còn bám vào miệng vết thương nữa thì lúc này bệnh nhân coi như đã khỏi bệnh. Cảm tạ trước việc chữa trị cho con, chị Hoa móc túi đưa cho bà Tuất một phong bì nhỏ nhưng chủ nhân nhất quyết không lấy. “Cháu nó còn nhỏ vậy mà đã bị chích 2 liều kháng sinh. Rồi đây chắc cơ thể cháu sẽ suy nhược nên cô cứ đem tiền đó về bồi bổ cho cháu đi” - bà Tuất ân cần.

       Sau cháu Vỹ, chị Nguyễn Thị T. (trú xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước) bị chó cắn nên được chồng đưa xuống nhờ bà Tuất chữa trị. Cũng như cháu Vỹ, theo quan sát của chúng tôi, khi đoạn sừng trên được đưa vào vết răng chó cắn thì nó hút chặt. Bà Tuất cho biết điều đó thể hiện chó cắn là chó dại nên có độc trong người.

        Với “bảo bối” là tặng vật thời chinh chiến của ông Hạ, hơn 20 năm cha truyền con nối, cha con ông đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người họ cũng không nhớ rõ. “Nhiều trường hợp bị rắn cắn sưng phù, xuống bệnh viện bác sĩ bó tay nhưng khi tôi dùng đoạn sừng trên hút chất độc ra thì bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Do chất độc thấm vào người nên những trường hợp trên phải chữa trị 1 tuần mới khỏi. Năm 2010, có một thanh niên ở Trà My cũng bị rắn độc cắn, cả người sưng phù không đi được, khi vào đây mọi người phải cõng. Vậy mà thật kỳ lạ, với đoạn sừng này tôi đã cứu được thanh niên đó” - bà Tuất tự hào cho biết.

         Với công năng đặc biệt trên của đoạn sừng, nhiều người lăm le trộm cắp nhưng gia đình bà Tuất coi đó như bảo vật nên cất giữ cẩn thận. “Năm 2004 cha tôi qua đời, lợi dụng tang gia bối rối nên lúc đó có kẻ gian cạy tủ lục tìm đoạn sừng trên. Nhưng do cảnh giác tôi đã đem chiếc sừng trên gửi cho người dì gần đó nên không bị mất”. Khi hỏi về việc mua bán chiếc sừng, bà Tuất dứt khoát: “Tiền có thể làm ra được nhưng vật cứu người thì không thể. Dù có người trả tiền tỷ tôi cũng không bán nó”...

                                                                               Bão Bình - Báo CA Đà Nẵng