www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mùa đất lở

Mùa mưa dầm đến cũng là lúc người dân khu vực miền núi Tiên Phước - Quảng Nam sống trong nơm nớp lo âu. Dưới làn mưa lạnh của những ngày cuối năm, những ngôi nhà co ro trong giá rét. Với họ, nỗi ám ảnh về những trận sạt lở kinh hoàng vẫn hiện rõ mồn một.

       Nỗi đau còn lại 

    Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng trong tâm trí người dân thôn 7A xã Tiên Cảnh (H. Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn không quên được buổi chiều định mệnh ngày 16-10-2013. Chiếc xe tang chở thi thể hai cha con ông Nguyễn Đình Xuân và Nguyễn Văn Thu về trong vòng vây và nước mắt xót thương của gia đình và hàng xóm. Ngôi nhà vừa mới xây chỉ hơn một năm nhưng vắng bóng người cũng đìu hiu, quạnh quẽ. Anh Võ Xuân Thiệt, người may mắn sống sót trong trận sạt lở nhớ lại: “Chuyện qua lâu rồi nhưng tôi vẫn thấy như mới đây. Hôm đó sau bão nên mưa lớn cứ kéo dài không dứt. Vì đã hứa với người ta rồi nên chúng tôi vẫn quyết định lên xã Phước Trà (H. Hiệp Đức) làm rẫy thuê. Chẳng ngờ khi đang nấu cơm chiều thì đất đá bắt đầu sụp xuống vùi tất cả chúng tôi. Tôi và anh Đoàn Văn Danh bị lấp chỉ còn phần đầu, sau khi cố bò ra chúng tôi đào đất tìm 3 cha con anh Xuân mà không thấy”. Vụ tai nạn làm cha con ông Xuân chết tại chỗ còn anh Nguyễn Văn Sang (con trai thứ 2 của ông Xuân) bị thương nặng.

“Từ ngày xảy ra vụ sạt lở cứ thấy trời mưa là lòng tôi lại bất an, chỉ trong một tích tắc mà sinh mạng của hai con người đã mất đi. Từ dạo ấy tôi cũng không dám làm rẫy trên núi nữa”, anh Thiệt trải lòng.

Ông Xuân mất đi khi còn chưa kịp ở trong ngôi nhà mới xây sau bao năm dành dụm còn người vợ sắp cưới của anh Nguyễn Văn Thu phải mất chồng khi chưa được hưởng một ngày hạnh phúc. Vụ sạt lở còn khiến anh Sang mang thương tật suốt đời vì bị đá đè nát một bàn tay.

 



Đất đai bị cuốn theo những đợt mưa lũ và một ngôi nhà nằm bên bờ sạt lở

Còn lắm nỗi lo

Là địa phương có đến 9 huyện miền núi lại tập trung nhiều hồ thủy điện, thủy lợi,  vì vậy khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc tỉnh Quảng Nam tập trung cao độ cho những phương án di chuyển dân cư vùng sạt lở. Ngoài việc tu sửa, bảo dưỡng các hệ thống thoát nước, lắp đặt biển cảnh báo, Quảng Nam đã cho bố trí lắp đặt phương tiện vật tư thường trực trên những tuyến đường thường xảy ra sạt lở. Đến thời điểm này, tại Quảng Nam công tác tái định cư cho những khu vực sạt lở cơ bản hoàn thành. Có mặt tại khu vực núi Đầu Voi xã Tiên An (H. Tiên Phước) một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do sạt lở đất gây ra mới thấy được những khó khăn của bà con vùng sạt lở. Trận sạt lở đất năm 2013 đã khiến 2,3 ha ruộng lúa, 9 sào hoa màu và 1 ha keo cuốn theo đất đá. Khi có mưa lớn, lực lượng vũ trang phải đến từng nhà sơ tán dân, những người già cả phải dùng võng khiêng đi. Rất may không có thiệt hại về người, tuy nhiên 33 điểm sạt lở trong vùng vẫn là nỗi bất an thường trực của người dân. Hiện nay 170 hộ dân xã Tiên An (H. Tiên Phước) đã được chuyển đến khu TĐC mới, những ngôi nhà cuối cùng đang trong giai đoạn hoàn thành.

Chị Trần Thị Hạnh (56 tuổi, thôn 1, xã Tiên An, H. Tiên Phước) hồ hởi: “Được sự quan tâm của chính quyền giúp đỡ xây dựng khu TĐC để cho các hộ dân chúng tôi đến ở an toàn, mọi người đều háo hức vui mừng nên gia đình tôi đang gấp rút hoàn thiện nhà để có thể an tâm sản xuất”.

 Dự án di dời dân sống trong khu vực sạt lở núi Đầu Voi được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 13-5-2011 với tổng kinh phí 32 tỷ đồng. Cùng với khu TĐC xã Tiên An, những khu TĐC khác trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành, đón người dân đến an cư trước dịp Tết nguyên đán.

                                                                H.D - Báo CA Đà Nẵng