Máy in 3D của chàng sinh viên xứ Quảng
Ở những cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Quảng Nam tổ chức hằng năm, Đoàn Lê Công Khang là thí sinh thường “ẵm” nhiều giải thưởng cao từ những sáng chế của mình, và giờ đây khi đã là sinh viên đại học, Khang có thể kiếm ra tiền từ những sáng chế đó.
Tôi gặp Đoàn Lê Công Khang tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và được em dẫn về phòng trọ để “cho biết đời sinh viên”. Điều đầu tiên mà chàng sinh viên năm nhất ngành cơ điện tử, cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước) khoe với chúng tôi là chiếc máy in 3D mini do Khang tự nghiên cứu chế tạo khá đơn giản nhưng ấn tượng và độc đáo. Đây là ý tưởng được nhen nhóm khi chuẩn bị thi đại học sau khi tìm hiểu công nghệ của nước ngoài trên mạng internet.
“Vào học trong TP.Hồ Chí Minh này em có thuận tiện trong việc tìm kiếm vật liệu chế tạo. Linh kiện máy như bộ nhôm này từ máy rã của Nhật Bản họ không dùng nữa em dùng lại bộ khung để làm máy in 3D, còn chi tiết nhựa lấy từ cơ cấu máy cơ khí sơ sài, nguyên liệu nhựa em nhập từ nước ngoài một cuộn 250 nghìn đồng, in được vô số sản phẩm như trên tay của em cái sản phẩm này khối lượng của nó 260gram. Lúc tính toán trên phần mềm thì nó tính toán cho mình luôn” - Khang chia sẻ.
Đoàn Lê Công Khang với máy in 3D tự chế tạo. |
Thời gian qua Khang bán được 3 máy in 3D mini hoàn chỉnh với giá 4,5 triệu đồng/máy. Riêng máy in 3D khổ lớn hơn bán ra thị trường khoảng 8 triệu đồng. Trừ chi phí Khang lời 1,5 triệu/máy, phần nào trang trải cho cuộc sống khó khăn của sinh viên xa nhà. Khang chia sẻ thêm: “Với sản phẩm tượng Phật Di Lặc, hay vật trang trí khác trong gia đình, chỉ cần bản vẽ 3D được lập trình sẵn là máy có thể tự động thực hiện thôi. Đối tượng bán chủ yếu là các bạn sinh viên nếu là máy mini, các doanh nghiệp, xưởng thủ công có thể áp dụng máy khổ to trong sản xuất”. Theo Khang, hiện tại ở Việt Nam máy in 3D chưa phát triển trên thị trường, chủ yếu là các trường đại học phát triển công nghệ máy in 3D giảng dạy cho sinh viên, giúp sinh viên có nền tảng kiến thức để chế tạo ra những máy móc hiện đại. “Khảo sát chung giá một máy in 3D nhập nguyên chiếc trung bình tầm 20 triệu đồng. Nếu nhập linh kiện về Việt Nam ráp thì giá thành hạ rất nhiều, giảm khoảng 40% so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường” - Khang nói thêm.
Đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với Khang được hình thành từ khi còn là thiếu niên. Liên tục từ năm lớp 8 đến lớp 12, em lần lượt đạt giải cao ở cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh như các đề tài “Robot vận chuyển hàng hóa kết hợp cứu hỏa” (giải đặc biệt - lớp 8); “Robot phá boom điện tử” và “Khóa cửa bằng mật mã thông minh” (giải nhất, nhì - lớp 9); “Robot quân sự” (giải nhì - lớp 10); “Xe điện thông minh” (giải nhì - lớp 11) và giải nhất năm học lớp 12 với đề tài “Máy khắc laser” tích hợp chức năng vẽ bằng công nghệ CNC. Ngoài ra, sản phẩm của em còn được chọn tham gia triển lãm tại Malaysia. Với những thành tích trên Khang được tuyển thẳng vào trường đại học. Tin rằng tương lai không xa em sẽ còn có nhiều sản phẩm thiết thực cho cuộc sống mang thương hiệu “Made in Viet Nam” mà máy in 3D là sản phẩm đầu tay dần được đón nhận.
Lữ Đinh Hà My - Báo Quảng Nam