www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Măng cụt: cây trồng cũ, hướng đi mới

Từ khi huyện Tiên Phước triển khai Đề án 548 (nay là Đề án 03) về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, nhiều hộ dân mạnh dạn xây dựng mô hình trồng măng cụt thâm canh, quy mô lớn theo định hướng của UBND tỉnh.

 

Những vườn măng cụt quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Tiên Phước.
Những vườn măng cụt quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Tiên Phước. 

Gia đình anh Phạm Văn Lục, ở thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ sở hữu cây măng cụt trên 100 năm tuổi, là một trong những cây măng cụt lớn nhất của huyện. Anh Lục cho biết, cây măng cụt này do ông nội anh trồng. 

Trải qua 3 thế hệ nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt và cho năng suất ngày một tăng. Năm 2019 là năm măng cụt được giá, được mùa, cây măng cụt cho gia đình anh hơn 4 tạ quả, thu hơn 50 triệu đồng. 

Anh Lục chia sẻ: “Cây măng cụt kháng sâu bệnh cao, chống chịu với thiên tai tốt. Đặc biệt là loại trái cây sạch, bổ dưỡng được nhiều người ưu chuộng nên giá bán cao, đầu ra khá ổn định”.

Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện, năm 2020 sản lượng măng cụt toàn huyện ước đạt 200 tấn quả, doanh thu gần 30 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, người dân đã trồng mới hơn 210ha, nâng tổng diện tích cây măng cụt trên địa bàn huyện lên hơn 458ha. 

Những năm gần đây, khi chính quyền tỉnh, huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, nhiều nông dân trên mạnh dạn đầu tư phát triển loại cây trồng này với quy mô lớn.

Những vườn măng cụt quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Tiên Phước.
Những vườn măng cụt quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Tiên Phước. 

Ông Phạm Hồng Sơn ở thôn Tiên Tráng (xã Tiên Hà) là một điển hình trồng cây măng cụt. Với lợi thế có con trai là kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ, cộng với niềm đam mê làm vườn, ông Sơn đã mua thêm 1,5ha đất trồng keo của một hộ dân trong xã, cải tạo trồng hơn 200 cây măng cụt, đồng thời trồng xen các loại cau, chuối cấy mô, mít thái. 

Hệ thống nước tưới được xây dựng bài bản, tự động kết hợp bón phân qua nước đảm bảo được lượng nước tưới và nhu cầu dinh dưỡng cho cây trong quá trình phát triển. 

Ông Sơn chia sẻ: “Hệ thống tưới nước này giúp ích rất nhiều cho gia đình tôi. Ở bất kỳ vị trí nào trong vườn đều có thể tắt mở, rất tiện lợi. Đặc biệt là hệ thống bón phân qua nước giảm được chi phí nhân công, lại giảm được sự lãng phí phân bón”.

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, để duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình măng cụt trên toàn huyện, tạo vùng sản xuất tập trung tại địa phương, Huyện ủy Tiên Phước đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021 - 2025. 

Trên cơ sở đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích trồng cây măng cụt trên địa bàn huyện lên 1.000ha. Trước mắt, hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, huyện sẽ tổ chức lễ hội măng cụt nhằm đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này.

Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam