Mái bếp nghèo của mẹ
Tạm biệt đồng làng, tạm biệt rơm rạ thơm mùi hương lúa mới, tạm biệt con đường với những chú bò, chú trâu thong thả, lững thững bước hàng một, tạm biệt quê nhà thúng mủng rộn ràng… Tôi đi...
Mái tranh nghèo của mẹ vẫn còn khói bếp. Mái bếp qua bao mùa mưa nắng vẫn tần tảo một mầu buồn in hằn năm tháng. Mái bếp của mẹ nơi quê nghèo bao năm rồi vẫn thế.
Những ngày xưa còn bé dại, vẫn thường chui vào ổ rơm vàng mùa gặt mới trong bếp, như chú cún con rồi bện rơm thành những cuộn vô hình thù. Khói rơm vàng làm cay mắt mẹ trong những chiều đốt nắng. Nhìn dáng mẹ lưng còng nhóm lửa, những chiếc đũa bếp gắp củ khoai cuối mùa nhỏ quắt queo giữa đống than cời, tự nhiên thấy tha thiết với hương vị quê nhà sắn khoai nghèo khó. Lâu rồi không được nếm thử miếng khoai lang nướng vùi trong đống tro rơm, đã quên mất vị béo bùi hương đồng nội.
Mái bếp nghèo của quê nhà, nơi có mẹ tôi mỗi chiều cặm cụi. Ngày thơ dại vẫn thường ngồi giụi đầu vào bên mẹ, nhìn ngọn lửa tử than rơm cháy đượm ấm nồng, nghe nồi cơm bằng đất reo sôi lúc búc mà bụng thấy cồn cào. Giờ đây người ta nấu cơm bằng nồi điện, đâu thấy được cái hương vị của nồi cơm bếp lửa nơi mái tranh nghèo quê cũ. Mái bếp nghèo quê nhà trong những chiều đông, cả khuôn mặt đỏ hồng vì lửa rơm, có cả những giọt nước mắt cay vì khói bếp của bà, của mẹ, của dì để đi xa bao năm rồi vẫn nhớ.
Cái bếp củi quen thuộc của mẹ
Bôn ba nhiều, đi qua nhiều đồng đất của quê hương Việt
Mỗi lần chợt bắt gặp mái bếp đang tỏa khói trên đồng quê, vẫn không khỏi bâng khuâng trong nỗi nhớ. Hình như cứ lúc nào gặp lại hình ảnh thân thương ấy, lại như thấy bóng dáng quê nhà, nghèo khó nhưng ấm nồng, chan chứa yêu thương. Lại ước ao được một lần chui vào chái bếp, nghe một chút nóng ấm của lửa rơm, một chút thơm bùi của khoai nướng vội, một chút lấm lem mặt nhọ như những ngày thơ bé đã quá xa xưa.