Mừng xuân Nhâm Dần 2022 lại nhớ về hình tượng con hổ
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất, là mùa mà cái rét đông ra ngõ đón một ngày mới ngập đầy nắng, một năm mới với bao khát vọng, là mùa của cây lá đâm chồi nẩy lộc, trẻ con được ăn ngon mặc đẹp, tuổi trẻ được yêu thương hò hẹn, và người già được ôn cố tri tân chúc thọ mừng tuổi.
Nói đến ôn cố tri tân, lại nhớ đến hình tượng con Hổ in đậm trong văn học dân gian và lễ hội vây cọp xưa của người dân Tiên Phước, Quảng Nam để suy ngẩm về những chuyện đời chuyện người tạo niềm tin hy vọng cho một năm mới.
" Lắm tên mà chỉ một Ông
Xưa nay chừng ấy Tây Đông mọi miền.
Nghe tên thiên hạ đều kiêng
Gọi Thầy gọi Cậu còn thêm gọi Ngài"
Ở Tiên Phước cách đây gần thế kỷ đất rộng người thưa, từ trên núi cao đến các làng bãi cây cối lau lách mọc um tùm, là điều kiện tốt để thú rừng sinh sống...Vì thế con người phải thường xuyên chống đỡ, đối mặt với thú dữ đặc biệt là Hỗ. Hình ảnh con Hổ thành nỗi lo sợ thường nhật của bà con nhân dân, thành hình tượng trong văn học dân gian và trong đời sống văn hóa lễ hội vây Cọp của người dân Tiên Phước Quảng Nam thể hiện qua mấy nội dung sau:
Thứ nhất là hình tượng con Hổ in đậm trong văn học dân gian Tiên Phước Quảng Nam:
Trong đời sống cộng đồng xưa của Tiên Phước, Hổ là loài động vật ăn thịt, rất hung tợn mạnh mẽ, dẻo dai nhanh nhớ chóng quên nên nhân dân ta ăn cũng sợ, ngủ cũng sợ, thức cũng sợ, ngày cũng sợ, đêm càng lo sợ hơn!. Hình ảnh con Hổ đã ám thị thường trực trong tư duy con người. Có thể nói hình tượng của Hổ đã đi vào không gian tâm tưởng, giàu ý biểu tượng tạo ra nguồn cảm hứng đa chiều sâu sắc được bà con nhân dân lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ ca dao thâm thuý, tạo ra sức đề kháng cho con người có đủ nghị lực sức mạnh bản lĩnh đấu tranh với thú dữ bảo tồn sự sống, đồng thời giáo dục con người sống phải có nghĩa, có tình, không kiêu căng ngạo mạn, sống cho tốt như ông cha ta ngày xưa sống dù có tạm khó khăn nhà tranh vách đất, thiếu cơm lạt mắm, chân đất..thân trần nhưng lòng dạ lúc nào cũng trong veo giàu lòng đức độ.
Vì thế mà nhân gian xưa khuyên con người nhiều lẽ chẳng hạn như sống là phải biết đề cao cảnh giác với hiểm nguy:
" Tau về ngõ ni có bụi chà là.
Mi về ngõ ấy hùm tha, coi chừng!"
Khi nói về lẽ sống, tính cách thiện ác của con người "cha nào con ấy" thì dân gian có câu “ Hổ phụ sinh Hổ tử”. Khi bàn về người anh hùng dũng mãnh nhân gian gọi vị đó là Hổ tướng. Khi làm phù điêu cho lệnh của tướng soái, người ta gọi là "Hổ phù". Những nơi nguy hiểm chết người thì được gọi đó là “miệng Sói hang Hùm”. Khi chống đối những lãnh đạo có quyền uy sinh sát mà không sợ thì đó là "vuốt râu miệng Hùm’’. Khi đụng chạm vào nơi mà không ai dám làm gọi người đó đã ăn “gan Hùm”…Ngược lại những người có dũng khí nhưng do chèn ép thất thế bị khuất phục, dân gian có câu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Ai dựa vào uy thế của người có quyền lực để lên mặt với người khác được gọi là "Cáo mượn oai Hùm" (Cáo đội lốt Cọp). Người làm việc dại dột và nguy hiểm được ví như "Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi Hổ đằng đầu". Khi xử thế ép con người vào đường cùng sẽ bị "Chim cùng thì mổ, Hổ cùng thì vồ". Khi vui chơi chớ có đùa dai vì:
" Chớ thấy Hùm ngủ vuốt râu.
Hùm mà thức dậy đầu lâu không còn"
Về quyền lực, nói đến người chỉ huy giỏi có uy quyền được gọi là " Hổ tướng". Cổng ra vào dinh "Hổ tướng" là " Hổ môn". Phù hiệu của Hổ tướng in hình đầu Cọp là Hổ phù. Ra trận quân mất tướng như " Hổ vô đầu".
Hổ là loại thú dữ tợn nên người đời thường nói " dữ như Cọp" nhất là " Cọp xỗ rọ, Cọp đói, Cọp thọt, Cọp mù, Cọp độc nhãn". Đã dữ như thế "Cọp mà có cánh Cọp bay lên trời". Con người cũng vậy. Người có quyền lực mà nham hiểm độc ác có vây có cánh liên kết lại thì nguy hiểm cho cả bá tánh.
Người có dũng khí không sợ khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh "dám vuốt râu Hùm". Ngược lại cũng có người " miệng Hùm gan Sứa" nhát gan như Thỏ nhưng tỏ ra hùng hổ dọa dẩm thiên hạ. Nhưng trong xã hội điều đáng sợ nhất là sợ " Hà chính mãnh ư hổ" là sợ chính sách hà khắc hại dân của những người cai trị xã hội. Điều ấy còn đáng sợ hơn cả Cọp Beo. Trong một đất nước xưa nay đều sợ cái việc " Tiền môn cự Hổ, hậu môn tiến Lang" làm nguy hại đến muôn dân.
" Trước cửa thì tống Hổ đi.
Sau cửa thì rước Lang di Sói vào".
Cũng có người " Bất uy mãnh Hổ", không sợ Cạp dữ mà lại sợ " nhi úy sâm ngôn" là sợ những lời dèm pha " hàm huyết phún nhơn " "ngậm máu phun người", đó là những hành vi gian manh ác độc hơn Hổ dữ, cần được lên án.
Hổ dữ như thế nhưng cũng giống con người, có lúc bị mắc bẩy, thất thế cần được sẻ chia thấu cảm:
"Cọp rừng lạc xuống ruộng sâu
Gặp bầy chó Sói thi nhau sủa ầm".
" Người khôn thất thế cũng khờ
Ba mươi đời Cọp sa cơ cũng hèn".
Về hôn nhân gia đình, hình tượng con Hổ cũng thường xuyên xuất hiện như:
"Cha mẹ em vội tham vàng
Hang Hùm lại ngỡ hang vàng gả con"
Do gả ép trong hôn nhân đã tạo ra sự chênh lệch về tuổi tác trình độ ở những cặp vợ chồng được dân gian so sánh với hình tượng con Hổ một cách trực diện mà tinh tế vô cùng:
" Con gái lấy phải chồng già
Cũng như con Lợn Cọp tha vào rừng"
Hoặc:
Con gái mà lấy chồng ngu
Nhược bằng để Hổ mang vù lên non"
Hay:
" Ngó lên đám mía xanh um
Mụ gia như Hùm ai dám làm dâu"
Hoặc những sai lầm trong tình yêu:
"Họa Hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm
May mô chút nữa em nhầm
Củ khoai lang mà em ngỡ cao ly sâm bên tàu"
Về răn dạy con cái, cha mẹ có câu " cá không ăn muối cá ươn/ con cải cha mẹ trăm đường con hư". Với lý lẽ này hình tượng con Hổ đã xuất hiện trong lời cha mẹ dạy một cách tinh tế nhẹ nhàng mà sâu sắc như:
" Dạy con con chẳng nghe lời.
Con nghe Ông Kễnh đi đời nhà con"
Những nghịch cảnh trong thời phong kiến đã xô đẩy số phận người phụ nữ chịu bao điều nghiệt ngã theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, ép gả con gái lấy chồng già, chồng ngu, cảnh mẹ chồng nàng dâu, lỗi lầm trong tình yêu… đã tạo ra những bi hài kịch buồn thương cười ra nước mắt, làm chia lìa không biết bao nhiêu lứa đôi, làm tan vỡ hôn nhân gia đình mà hình ảnh con Hổ trở thành nhẩn chứng sống theo suốt cuộc đời của nhiều số phận.
Chế độ phong kiến đã xa rồi, loài Hổ có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhưng" Cọp chết để da/ người ta chết để tiếng". Nay trong đời sống hiện đại chúng ta chẳng cần da Hổ mà cần đến những đàn Hổ được sống và được bảo vệ gìn giữ để hình tượng của nó mãi mãi sống còn trong văn học dân gian ở một vùng quê xứ Tiên bị khuất lấp.
Thứ hai là hình tượng con Hổ in đậm nét trong đời sống lễ hội vây Cọp xưa của người dân Tiên Phước Quảng Nam.
Cũng như cả nước xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng đầy sắc màu văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật. Nhưng ở đây, lễ hội vây Cọp của Tiên Phước có khác rất nhiều, vì nó được thể hiện vô cùng độc đáo, gây ấn tượng sâu sắc, bởi được tổ chức trong cộng đồng với quy mô lớn, thời gian dài ngày, không gian rộng, hiệu quả cao, đảm bảo các yếu tố tự lực, kịp thời, kỷ luật, đoàn kết, thông minh, dũng cảm hiệu quả.
Với tinh thần đó, theo lời kể của cụ Nguyễn Khắc Niệm sinh năm 1925, hiện đang ở tại thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm nay cụ 98 tuổi, với sự minh mẫn, sáng suốt và tinh tường, cụ kể lại rằng từ ngày 10 đến 25 tháng Giêng của mùa Xuân Ất Hợi năm 1935 thế kỷ trước, lúc đó cụ mới lến 10 tuổi, nghe trát của Tri huyện đưa về huy động những tráng đinh trong làng đi tham gia Hội vây Cọp ở Hố Cái chân núi Đá Nghỉ làng Thạnh Bình nay thuộc thôn 7 xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước. Lúc ấy, cụ còn nhỏ nên phải lén gia đình chạy theo trai làng đến địa điểm chứng kiến tận mắt lễ hội vây cọp này.
Theo cụ lúc bấy giờ khi làng phát hiện có Cọp về ở trong những lùm cây lau lách chờ cho đêm đến lẻn vào nhà dân bắt trâu bò heo mang đi ăn thịt thì lập tức chủ nhà phải báo cho ông Trùm biết. Ông Trùm chạy báo cho Lý Trưởng, Lý trưởng nhanh chóng trình cho Chánh Tổng. Chánh tổng tức tốc bẩm báo lên Tri huyện. Tri huyện sai người thắp đuốc chạy hỏa tốc đưa trác đến các địa phương lân cận như Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hiệp, Tiên An, Tiên Lộc, Tiên Mỹ .v.v thông báo mỗi địa phương phải huy động cho được hàng trăm tráng đinh từ 20 đến 40 tuổi khẩn trương mang giáo, mác, cuốc, thuổng, rựa, rìu và lương thực đến khu vực Hố Cái chân núi Đá Nghỉ Thạnh Bình nay là xã Tiên Cảnh ₫ể tham gia Lễ hội vây cọp.
Ngay sau đó, Tri huyện lập Tổ tiền phương đến hiện trường xem xét xác định nơi cọp ở, phân công vị trí cho tráng đinh các địa phương đến đóng trại lập hàng rào mở Hội vây Cọp trong một không gian rộng cả một quả đồi và nhiều xóm vắng có diện tích gần 40 ha, với chu vi hàng rào bao vây dài từ 5 km đến 7 km. Mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm làm hàng rào bao quanh từ 500 m đến 1000 m.
Các địa phương phân công những thanh niên khỏe mạnh gan dạ đi đầu phát quang chu vi chung quanh khu vực cọp ở. Số còn lại dùng rìu rựa chặt cây rừng đốn từng đoạn cao từ 3m đến 3m50. Cây được vót nhọn một đầu, cột chéo các cây như mặt võng, làm thành tấm Thại dài 1m5, , đầu nhọn hướng lên trời, đầu bằng chôn xuống đất. Nhiều tấm Thại được ghép tiếp nối nhau thành hàng rào bao quanh dựa vào những thân cây lớn mọc sẵn làm trụ đỡ cho chắc chắn. Cứ 4 đến 5 mét hàng rào, tráng đinh dùng dây rừng buộc trên đầu tấm Thản hàng rào neo vào bên trong và chằng dây bên ngoài, đồng thời làm các dây thòng lọng bằng dây cật tre cột vào các đầu sào đưa vào trong dọc theo hàng rào để Cọp có đi ra bị mắt chân vào, cũng để đề phòng Cọp có thể nhảy xô đổ hàng rào thoát ra ngoài rất nguy hiểm.
Khi làm xong hàng rào dân làng mời Tri huyện cùng nha môn về dự hội. Tri huyện trực tiếp đánh 3 hồi 9 tiếng trống phát lệnh "Mở hội vậy Cọp!". Vậy là hàng trăm tiếng trống kẽng, phèn la, mỏ tre, hàng ngàn tiếng hô " hố hụi" của tráng đinh nổi lên làm kinh thiên động địa, hồn xiêu phách lạc, làm cho Hổ mất hết tinh thần và sinh lực chạy vào giữa vòng vây”.
Ở ngoài bên bếp lửa hồng lửa củi nỗi lên, trai làng mở hội giao lưu hát hò, nấu cơm canh trên những cái nồi đồng nồi đất, bới cơm ra ăn với canh cải tàu bay rau má, cá lóc cá rô nướng chấm muối vừng nghe thơm phức béo ngậy. Ban đêm đốt đèn gió cắm dọc theo hàng rào thành một đường lửa bao quanh làm cho Hổ sợ lửa đến kinh hồn bạt vía.
Lễ hội cứ thế được diễn ra liên tục, hai ngày một lượt lớp tráng đinh này nghỉ, lớp tráng đinh khác đến thay. Đến năm, bảy ngày sau Hổ ở trong vòng vây bị đói khát, mất nước, tiêu hao tinh thần sức lực chỉ biết nằm tại chỗ gầm rú kinh động cả một khoản trời.
Cứ như thế mỗi ngày hàng rào được di chuyển vào bên trong làm cho chu vi hàng rào bao vây được thu hẹp lại. Đến ngày cuối cùng thứ 15 thì diện tích Cọp ở chỉ còn khoản 1 sào Trung bộ 500 m2. Lúc này, Tổ tiền phương bẩm báo với Tri huyện quyết định giao nhiệm vụ giết Cọp cho những tráng đinh dũng cảm và kinh nghiệm săn bắt ở Trà Khân Tứ Chánh nay thuộc xã Tiên Hiệp thực hiện. Họ dùng giáo mác xung phong vào sào huyệt cuối cùng để quyết đấu với Cọp. Cuộc quyết đẩu xảy ra gây cấn vô cùng. Những dây thòng lọng được buộc ở đầu sào đưa vào cho chân Cọp mắc phải. Cọp lao ra dây thòng lọng thắt lại, Cọp ngã xuống. Những tay tráng đinh dũng mãnh thiện xạ liên tục phóng giáo mác vào đùi vào mông vào đầu vào mắt làm cho cọp kiệt sức đuối dần, đuối dần đến khi tắt thở.
Khi cọp bị hạ, tráng đinh dùng mo cau bó bốn bàn chân lại để phòng tránh tình trạng người ta lấy móng, rồi nhen lửa đốt râu mép, bộ da và xương được biếu cho Tri huyện. Còn phần thưởng của hội vây được phủ huyện trao cho địa phương sở tại chia cho các tráng đinh trực tiếp giết Cọp.
Lịch sử đã sang trang, nhưng mùa xuân thì vẫn còn trẻ mãi. Hình tượng xưa của con Hổ đã đi vào tiềm thức khó phai mờ trong lòng mỗi người, giờ trở thành một miền ký ức trong văn học dân gian và đời sống lễ hội vây Cọp Xưa ở Tiên Phước. Đây là một cuộc chơi với quy mô lớn, tổ chức trong thời gian dài, rất nguy hiểm nhưng bằng tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết kỷ luật, hào hứng sôi nổi, tất cả đã tạo ra nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đa chiều, độc đáo trong cộng đồng người dân Tiên Phước mà ở các nơi khác không thể nào có được. Nó giúp cho ta hiểu thêm về quá khứ, khẳng định thêm những giá trị tinh thần: để có được mảnh đất này, ngày xưa ông cha ta đã đấu tranh với thiên tai thú dữ địch họa, phải hy sinh cả mồ hôi nước mắt và máu xương để bảo vệ vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Giờ quê hương bước vào thời kỳ mới, Xuân về chợt xúc động nhớ đến mấy câu thơ trong Trường ca "Người của Đất" của tác giả Mỹ An mới thắm thía hơn sự gian lao vất vả trên những con đường đã qua:
"Ta đã đi qua những tháng năm dài
Mà chưa hiểu hết về quê hương thăng trầm trong từng thớ đất
Nơi có mẹ cha nằm gai nếm mật
Có bước chân trần đất nước chẳng bình yên"
Để rồi tâm trí vững vàng với bản lĩnh niềm tin cùng nắm chặt tay nhau đoàn kết một lòng tiến về phía trước như:
"Ta đi giữa đất trời mùa xuân gió lộng trên sông
Phía trước quê nhà
sáng những vừng đông!
Phía trước chân trời
tổ quốc mênh mông”!
Xứ Tiên, Xuân Nhâm Dần 2022 - Mỹ An