Một thời chưa xa
Năm 1973. Tháng Chạp, thời tiết chuyển sang mưa phùn gió bấc, dấu hiệu mùa đông sắp sửa đi qua và mùa xuân cũng đang đến gần. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở xóm nhỏ ven đồi Mù U lại phát cây dọn cỏ Gò Chùa, vun đất thành luống để trồng khoai lang, khoai sắn…
Gò Chùa là khu vực đệm nối xóm nhỏ với nổng Chà Rang liền kề chân núi Đá Dựng. Rải rác khắp Gò Chùa là những ngôi mộ nhỏ to với nhiều kiểu dáng khác nhau. Có những ngôi mộ đắp đất sơ sài trông y hệt những mai rùa khổng lồ. Có những ngôi mộ xây bằng gạch vồ với chất kết dính là vôi trộn mật mía và vỏ bời lời. Và cũng có những ngôi mộ xây tường thành, xây nhà bia, xây hồ bán nguyệt phía trước, trồng hoa súng, hoa sen... Thực ra, Gò Chùa là nghĩa trang gia tộc họ Thái, bởi hầu hết người chết đều mang họ Thái, chỉ một số ít mang họ khác. Tôi đoan chắc, số ít ấy là những hiền thê của dòng họ Thái. Gò Chùa vẫn còn nhiều vạt đất trống cỡ một vài sào trở lên. Người dân ở xóm nhỏ ven đồi Mù U tận dụng những vạt đất trống ấy trồng khoai, tỉa đậu, gieo mè… tùy theo mùa vụ.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Cứ gần đến tết, như đoán biết được sắn khoai trồng ở Gò Chùa tuy chưa đến mùa thu hoạch nhưng củ cũng đã lớn, heo rừng từ đâu đó trên núi Đá Dựng lại “hạ sơn”, vượt nỗng Chà Rang, phá hại. Chúng dùng mõm cày ủi tanh bành. Ông Hai Bình, ông Ba Thi đem kẹp heo gài ở những lối mòn trên nỗng Chà Rang, ngụy trang kỹ lưỡng nhưng chúng vẫn đánh hơi thấy “mùi sắt”, mở lối đi khác, tránh trớ. Hồi đó, gò đồi rậm rạp, heo rừng nhiều lắm. Đi chăn thả trâu bò ở Hố Quờn, khi chiều buông, tôi thấy heo rừng từ đồi Mù U tuôn ra cánh đồng hoang ủi xới cỏ ống để ăn. Con heo mẹ to lớn kềnh càng, mõm có hai chiếc răng nanh dài nhọn hoắc, còn đàn heo con trên lưng có những sọc vàng hung, chạy nhảy loi choi khắp nơi. Chúng cần mẫn sục sạo cánh đồng hoang, lựa những vạt cỏ ống xanh tốt nhất ủi bật gốc từng mảng. Tôi và đám bạn bè cùng trang lứa chỉ biết sè sẹ lùa trâu bò về chuồng, nhường “lãnh địa” cho chúng.
Một góc Hố Quờn. Ảnh: Dương Minh Bình
Những đám khoai lang sát nỗng Chà Rang bị heo rừng cày ủi tan hoang. Mẹ tôi lo lắng: “Ăn hết khoai ở đám Cây Dung, chúng sẽ lần mò tới đám Sủng nhà mình. Biết mần răng mà giữ được đây?”. Ông Hai Bình, ông Ba Thi vẫn không nản chí, mượn thêm kẹp heo về gài. Anh em tôi làm bù nhìn cắm khắp đám Sủng. Thoạt đầu, chúng sợ những cái bóng đen dang tay dang chân đứng bất động ấy. Nhưng rồi sau đấy, chúng không ngần ngại dấn tới. Anh Ba tôi bảo: “Kiểu này, phải làm trại ở mả ông Sung canh giữ suốt đêm mới mong đến mùa thu hoạch…”. Mả ông Sung tọa lạc giữa đám Sủng, chung quanh xây tường thành cao cả mét, chỉ cần lấy mấy cây gỗ gác ngang qua, phủ bạt lên, là xong. Bên trong, lót rơm là thành cái trại canh giữ heo rừng. Khi màn đêm buông xuống, anh em tôi ôm chăn gối ra đấy canh giữ dòng họ trư từ trên núi Đá Dựng mò tới. Ngồi trong trại, cứ năm, mười phút, anh em tôi lại thay phiên nhau giật dây đánh kẻng là cái vỏ sắt đựng đạn pháo 105 ly treo trên nhánh cây dung chìa ngang. Tiếng kẻng bất ngờ ngân vang trong đêm khuya vắng khiến con cháu họ trư sợ chết khiếp, không dám tiếp cận đám Sủng. Nhưng một thời gian sau, chúng quen tai, đâm nhờn.
Một hôm, chúng kéo cả đàn xuống cày ủi mấy vồng khoai lang ở cuối đám Sủng lúc nào không rõ. Hai đám khoai lang của ông Hai Bình và ông Ba Thi ở liền kề với đám Sủng nhà tôi cũng bị heo rừng sục mõm lựa củ lớn đào ăn. Trại canh giữ “con cháu lão trư hoang dã” được tăng cường thêm người và chia ca kíp ra trực. Anh Bốn tôi với ông Hai Bình ghép thành một đôi, còn tôi với ông Ba Thi gộp lại một cặp. Hai người canh giữ một đêm. Tôi rủ thêm thằng cu Đen - em kế tôi, ra mả ông Sung ngủ ổ rơm. Hắn khoái chí. Đi canh giữ heo rừng, hắn khỏi phải mắt nhắm mắt mở ê a học bài. Vả lại, đêm ở trại canh giữ heo rừng, nhóm lửa nướng khoai nướng bắp ăn thoải mái, lại được nghe ông Ba Thi rỉ rả kể chuyện đời xưa ở làng Vạn Xứ hấp dẫn vô cùng. Tối hôm đó, trời có trăng, hắn và tôi ra trại trước, không đợi ông Ba Thi đi ngang qua nhà ới gọi. Đem cả mớ lon gài dọc bờ bậc xuống đám Sủng, đám Cát, đám Cây Trâm, hắn và tôi quay về trại. Ông Ba Thi vẫn chưa tới. Thằng cu Đen chui ra khỏi trại, giật kẻng liên hồi rồi bảo về nhà lấy sách vở, ra ngay, ai hay hắn chuồn thẳng. Ráng chờ đợi ông Ba Thi, tôi không biết làm gì cho hết thời gian nên đem khẩu súng AR15 ra săm soi.
Lúc bấy giờ tôi mới mười bốn, mười lăm tuổi nhưng đã biết sử dụng thành thạo khẩu súng Mỹ cao gần bằng tôi. Hồi đó, lính nghĩa quân trên đồn Gò Mè thường hay ghé nhà tôi gửi súng để về nhà cho khỏe. Xế chiều, họ mới lọ mọ tới lấy súng lên đồn canh gác. Khi họ khuất dạng, tôi lấy súng ra nhờ anh Sáu Bản nhà ở kế bên bày cách sử dụng. Cũng chẳng khó khăn gì, chỉ cần nắm vững “lý thuyết” rồi “thực hành” ngay vài lần là quen tay, thành thạo. Dạo “mùa thu đỏ lửa 1972”, Quân Giải phóng tiến công quận lỵ Tiên Phước, lính ngụy vứt súng ống, mở đường máu ngõ Núi Sấu tháo chạy xuống Tam Kỳ. Tôi đi chăn thả trâu bò ở Hố Quờn, tình cờ nhặt được khẩu AR15 đem về cất giấu, thỉnh thoảng mang ra bắn chim. Vừa sợ vừa mệt, tôi ngủ quên lúc nào không hay. Rồi tôi giật mình tỉnh dậy khi nghe thấy những chiếc lon gài sát bờ bậc ở cuối đám Sủng kêu vang. Quơ khẩu súng AR15, tôi nhắm về hướng đó, bóp cò.
Tiếng súng nổ chát chúa vang rền.
Tiếng heo rừng kêu lên eng éc.
Quét hết băng đạn, tôi vội giật dây đánh kẻng liên hồi. Trời tang tảng sáng. Tôi không dám ra khỏi trại xem có con heo rừng nào bị thương hay không. “Con cháu lão trư hoang dã” bị dính kẹp hay bị dính đạn, chúng trở nên hung hãn và tàn bạo, lao vào kẻ đi săn tấn công không thương tiếc. Tiếng súng và tiếng kẻng vang lên lúc tờ mờ sáng làm mọi người ở cái xóm nhỏ ven đồi Mù U bừng tỉnh giấc nồng. Ông Hai Bình, ông Ba Thi, anh Sáu Bản, anh Bốn tôi và thằng cu Đen nối gót nhau chạy tới. Mọi người lại cuối đám Sủng kiểm tra. Tôi bắn hú họa mà vẫn có hai con heo rừng dính đạn, bằng chứng là dấu máu quệt vào cây lá ở hai luồng dẫn lên nổng Chà Rang. “Thằng Cúc đẹt ngó rứa mà giỏi! Xả một băng đạn trúng hai con heo rừng”. Ông Hai Bình khen ngợi. “Thôi, về cơm nước rồi vác lao, xách súng truy tìm heo rừng. Chúng đổ máu nhiều thế kia, chắc không đi xa được đâu” - ông Ba Thi nói.
Mặt trời đã lên cao. Anh Ba tôi làm lính kiểng ở Chi khu Quân sự Tiên Phước cũng đã về nhà. Ông Hai Bình, ông Ba Thi, anh Sáu Bản, anh Ba, anh Bốn tôi cầm súng ống, giáo mác lên nổng Chà Rang. Tôi và thằng cu Đen cùng với mọi người lũ lượt đi theo. Dính đạn, bầy heo rừng hoảng loạn tuôn chạy và giẫm đạp hai cái kẹp heo. “Tết này, xóm mình có thịt heo rừng xào nấu rồi” - ông Hai Bình cười nói. “Hai con heo, cả xóm tha hồ chế biến các món ăn…” - ông Ba Thi cười bảo. Những người thành thạo với công việc săn bắn lần theo dấu máu quệt trên cây lá xuống hố Mít Nài, còn lại đứng tụm ba tụm bảy trên nỗng Chà Rang bàn tán xôn xao. Chợt ông Hai Bình hét toáng lên: “Con heo đầu đàn dễ gần hai tạ nằm phục bên bụi lau kia kìa”. Anh Ba tôi vừa hỏi vừa chạy tới. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba phát súng vang lên. Con heo rừng “hự” một tiếng, nhào ra khỏi bụi lau, nằm thẳng cẳng. “Vẫn còn một con nữa!” - ông Ba Thi nói. “Tỏa ra khắp nơi tìm kiếm đi!” - anh Sáu Bản bảo. Nổng Chà Rang toàn sim mua còi cọc, vì thế, con heo rừng thứ hai nằm bên gốc chà là nhanh chóng bị phát hiện. Tiếng súng AR15 lại vang lên chát chúa. Con lớn gần hai tạ, con nhỏ độ tám chục cân. Tôi bắn hú họa chỉ trúng phần mềm ở mông, nếu không dính kẹp, nó vẫn có thể thoát chết.
Tết Quý Sửu - 1973. Cả xóm nhỏ ven đồi Mù U vui hơn hẳn mọi năm. Hiệp định Paris được ký kết. Tiếng súng thôi rộ lên đì đùng trong đêm khuya vắng. Ánh hỏa châu cũng không còn đường đột vọt lên trời soi rọi khắp nơi. Hòa bình đang đến gần. Ai cũng bảo thế. Và ai cũng lo sắm sửa cho một cái tết quê yên ả. Nhà nào cũng tất bật với việc xay giã nếp mường, gói bánh tét, bánh chưng, bánh ú, bánh tàu, làm bánh khô, bánh in, gói nem chua lá liễu… Có thêm thịt heo rừng, “lộc của trời cho”, các bà, các mẹ, các cô, các chị… ở xóm nhỏ ven đồi Mù U trổ tài nội trợ, chế biến những món ăn cầu kỳ, khoái khẩu. Anh em tôi rất thích món thịt heo rừng tẩm ướp gia vị sấy khô. Những sợi thịt heo dài cắt theo thớ thịt đem nướng trên lửa than hoa rồi lấy cán rựa đập dập, xé ra nhấm nháp ngon tuyệt. Nó vừa dai, vừa ngọt, vừa cay, vừa thơm… Mẹ tôi làm món đó để dành đãi khách khứa là đàn ông tới chơi nhà trong ba ngày xuân ngày tết làm mồi uống rượu nếp quê. Mẹ gói thịt heo rừng tẩm ướp gia vị sấy khô trong cái mo cau để trên bếp. Thằng cu Đen cứ xúi tôi lấy nướng ăn và hít hà vì cay…
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam