www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Một góc đời riêng của cụ Huỳnh

Là nhà Nho rất nghiêm túc trong chuyện đời thường lại là người ít nói nên Huỳnh Thúc Kháng rất ít đề cập đời tư của mình, nhất là chuyện vợ con.

 

Mộ bà Nguyễn Thị Sắt (phải) và mộ cụ bà thân sinh ở Tiên Cảnh.
Mộ bà Nguyễn Thị Sắt (phải) và mộ cụ bà thân sinh ở Tiên Cảnh. 

Một góc đời riêng

Suốt quyển Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Nxb Anh Minh Huế, 1963, sau này được tái bản với tên Huỳnh Thúc Kháng niên phổ) ông chỉ dành đúng 272 từ để “nhắc” đến chuyện vợ và con.

Ta tìm thấy trong tập sách đó năm thông tin về “chuyện vợ con” của ông như sau:

Về vợ:

“Mười lăm tuổi, Thành Thái năm thứ hai (Canh Dần - 1890)… Nửa năm sau quý cựu (Nguyễn Hướng, em cậu Tế) rước ông Tú Trần Tiểu Minh ở Phước Giang (húy Dĩnh, người làng Phước Kiều, ngày sau sắp đặt cho tôi ăn học tại tỉnh), ngồi dạy ở nhà, tôi theo học. Trong khi tôi theo học ở Trường Xuân, gia nghiêm mộng thấy một câu: Phụ cấp đông tùng tây lộ khứ/ Tương phùng giai ngẫu hậu phùng quân (Phụ thân cho đi học bên Đông nhưng về lại bên Tây/ Trước gặp vợ sau gặp vua). Vì thế tôi về học tại làng Đại Đồng. Quả nhiên sau tôi cưới vợ ở làng Đại Đồng, con gái út ông bá hộ họ Nguyễn. Mộng cũng nghiệm thay!” (trang 23).

“Hai mươi tuổi Thành Thái năm thứ 7 (Ất Mùi - 1895). Tháng Chạp năm này thành hôn” (trang 28). “Bốn chín tuổi Khải Định năm thứ 9 (Giáp Tý - 1924). Năm nay nội tử cưới thứ thất cho tôi Hồ Thị Chưởng, người trong làng” (trang 59). “Năm mươi tám tuổi, Bảo Đại năm thứ 8 (Quý Dậu - 1930). Năm này thiếp Hồ Thị Chưởng tạ thế” (trang 67)

Về con:

“Hai mươi tám tuổi, Thành Thái năm thứ 15 (Quý Mão - 1903). Năm này sinh con Yển tức Xuân Lan” (trang 32). “Năm mươi lăm tuổi - Bảo Đại năm thứ 5 (Canh Ngọ - 1930). Tháng 12 năm này con gái Xuân Lan tạ thế” (trang 66).

“Ba mươi ba tuổi, Duy Tân năm thứ 2 (Mậu Thân - 1908. Năm này sinh con Kình tức Thu Cúc” (trang 43). Năm mươi hai tuổi, Bảo Đại năm thứ hai (Đinh Mão - 1927). Ngày tháng 8 năm này con Kinh tạ thế” (trang 64).

Về bà vợ lớn, tên Nguyễn Thị Sắt, sinh năm 1881 (nhỏ hơn ông 5 tuổi), là con út trong một gia đình giàu có ở làng Đại Đồng, nay là thôn 3 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Vợ ông là em bà Phan Văn Cừ, chị dâu Phan Châu Trinh. Ông cưới bà Sắt khi bà mới 14 tuổi, vào năm 1895.

Bà Nguyễn Thị Sắt và Huỳnh Thúc Kháng có hai người con gái, người thứ nhất là Huỳnh Thị Xuân Lan, tục gọi là cô Yển sinh năm 1903; người thứ hai là Huỳnh Thị Thu Cúc, tục gọi là cô Kinh, sinh năm 1908, khi Huỳnh Thúc Kháng đang bị đày ngoài Côn Đảo.

Vì không có con trai nên năm 1924, 3 năm sau khi từ Côn Đảo về, bà  chánh thất Nguyễn Thị Sắt cưới cho Huỳnh Thúc Kháng một người vợ bé tên Hồ Thị Chưởng, người cùng làng (Thạnh Bình). Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng ra Huế làm báo Tiếng Dân, bà Sắt và bà Chưởng vẫn ở lại Tiên Phước, thỉnh thoảng mới ra Huế thăm ông.

Bà Hồ Thị Chưởng không sinh được cho ông người con nào. Năm 1933, bà Hồ Thị Chưởng ra Huế thăm chồng, nhằm lúc Huỳnh Thúc Kháng vào Đà Nẵng công tác, bà bị bịnh dịch tả và mất ở Huế vào khoảng tháng 10 cùng năm, chôn trên núi Ngự Bình, sau này mộ phần bị mất dấu.

Bà Nguyễn Thị Sắt sống suốt đời ở Tiên Phước dù chồng làm việc ở Huế rồi Hà Nội. Năm 1947, ông qua đời ở Quảng Ngãi, không biết bà có vào được để đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trên núi Thiên Ấn hay không, không thấy tài liệu nào nhắc đến. Trong kháng chiến chống Pháp, vào năm 1947, bà được cử làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ tỉnh Quảng Nam. Bà qua đời ngày 7.6.1953, thọ 72 tuổi, được an táng gần mộ của thân mẫu Huỳnh Thúc Kháng.

Về hai người con, cô con gái lớn Xuân Lan lấy ông Lê Bá Khải, người cùng huyện, sinh được một con trai tên là Lê Thứu. Năm 1930 bà qua đời. Năm 1954 ông Lê Thứu tập kết ra Bắc làm cán bộ ngành ngoại thương và sinh sống tại Hải Phòng.

Bà Thu Cúc lấy ông Lê Nhíp, người làng Võ Xá huyện Quế Sơn. Bà qua đời năm 1927. Sau đó ông Lê Nhíp đi bước nữa, trở thành rể của cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (người bạn học người đồng khoa cử nhân năm 1900 với Huỳnh Thúc Kháng, quê làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn). Ông Lê Nhíp sau này là nhân viên của Tòa soạn báo Tiếng Dân rồi thư ký riêng của Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng.

Nỗi niềm riêng

Năm 1933 bà Hồ Thị Chưởng mất. Huỳnh Thúc Kháng đã để tang cho bà. Về quy tắc xưa, khi vợ chánh còn sống, vợ bé, tỳ thiếp chết người ta thường không để tang mà nếu để tang thì chỉ loại “ty ma phục”, nghĩa là chỉ có 3 tháng. Khi bà Nguyễn Thị Sắt ra Huế thăm thấy gần 1 năm mà ông vẫn còn để tang cho bà Hồ Thị Chưởng. Bà đã chạnh lòng mà “chỉnh” ông. Ông đã xin lỗi bà Sắt và xin bà cho ông được để tang cho bà Chưởng một năm để cho “trọn tình, trọn nghĩa”. Điều này cho thấy Huỳnh Thúc Kháng là người rất trọng nghĩa và đặc biệt là nhà Nho mà lại không… câu nệ.

Đối với bà vợ chánh Nguyễn Thị Sắt và hai người con, trong Thi tù tùng thoại (Nxb Nam Cường năm 1951) Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Khoảng đầu năm 1909,  ở Côn Đảo Huỳnh Thúc Kháng có gửi thư về nhà, trong đó có 4 bài thơ, 2 bài đầu thăm vợ và thăm hai con. Nội dung hai bài thơ được ông dịch ra Quốc ngữ:

Bài cho bà Nguyễn Thị Sắt:

Rủi ro khéo gặp chồng khùng
Nhọc nhằn nhiều nỗi, cam lòng đắng cay
Trong nhà khách khứa liền ngày
Bao nhiêu tiền bạc một tay tiêu xài
Phong hầu ra việc nói chơi
Đã trông chồng nọ, một đời đã cam
Sầu riêng thử hỏi trăng rằm
Mây mưa ghen ghét mấy năm lại tròn.

Bài thăm hai con:

Vội vàng rẽ bước ra đi
Đứa vừa sáu tuổi, đứa thì mới sanh
Nhớ cha trông ngất trời xanh
Dạy nuôi nhờ có mẹ lành gắng công
Bằng này Quốc ngữ học thông
Tiếng nhà may nối Tiêu Đồng khúc xưa
Chưa trai thì gái cũng vừa
Chị em Trưng nữ tiếng giờ còn thơm!

Năm 1939, khi dịch cuốn Thi tù tùng thoại ra Quốc ngữ đăng báo Tiếng Dân, nhìn cảnh nhà hiu quạnh, tuổi già cô độc, khi đọc lại hai bài này Huỳnh Thúc Kháng đã khóc: “Đứa con gái đầu mới sáu tuổi, đứa sau tôi bị bắt tháng hai, mà nó tháng 7 mới sinh (1908), kế tháng 8 thì tôi bị đày ra Côn Lôn. Nay đọc bài thơ này không còn ngăn được dòng nước mắt, vì hai trẻ đều bỏ già sang thế giới khác cả…” (Nxb Nam Cường, 1951, trang 72).

Huỳnh Thúc Kháng là một người lận đận, suốt đời không gặp may, nhất là chuyện vợ con. Những người thân thiết từ bạn bè , đồng chí cho đến vợ con luôn bỏ ông mà đi trước. Ông luôn là người… cô đơn!

Lê Thí - Báo Quảng Nam