www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Một chuyến về xứ Tiên

Từ ấu thơ tôi đã là một đứa trẻ thường hay chạy ra cánh đồng sau nhà, say mê ngắm vẻ đẹp của bầu trời, mặt đất những lúc hoàng hôn buông xuống. Lớn hơn một chút, tầm 16, 17 tuổi, nhiều hôm chẳng hiểu vì lý do gì nhưng như có một sức mạnh hối thúc từ sâu thẳm bên trong, tôi lấy xe đạp đi dọc theo triền đê bên con sông Trà Lý, mải mê đi mãi đến khi chiều dần về tối. Sau mỗi lần đi giữa thiên nhiên như thế, tôi trở về, ngồi vào bàn và đọc sách, viết lách. Nhiều truyện ngắn tôi viết và được in trên trang Tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền Phong những năm 90 đã được ra đời sau những chuyến đi tưởng như chỉ để đi như thế.

 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bãi Lò Thung (thôn 3, Tiên Cảnh, Tiên Phước), cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 4km về hướng tây. Ảnh: K.T.H
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bãi Lò Thung (thôn 3, Tiên Cảnh, Tiên Phước), cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 4km về hướng tây. Ảnh: K.T.H

Cho đến tận bây giờ, dù đã lên rừng, xuống biển, ra hải đảo xa xôi nhiều lần nhưng tôi vẫn không ngừng mơ ước về nơi thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng. Mơ và khao khát nên hễ có dịp, tôi thường sẵn sàng xách ba lô lên vai, háo hức và chẳng hề toan tính. Chuyến về Tiên Phước cùng gia đình các đồng nghiệp đầu tháng Ba này là một du xuân miên man trong hạnh phúc như thế.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bãi Lò Thung (thôn 3, Tiên Cảnh, Tiên Phước), cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 4km về hướng tây. Cây cầu treo vừa vững chãi vừa duyên dáng như một điểm nhấn đặc biệt ấn tượng giữa thiên nhiên còn hoang sơ không chỉ phục vụ dân sinh mà còn là điểm dừng chân để chiêm ngưỡng bãi đá Lò Thung từ xa. Trên cây cầu, chúng tôi vừa ngắm toàn cảnh bãi đá vừa chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc của từng gia đình, từng người vừa thong thả đi bộ để qua bờ bên kia sông Đá Giăng.

Chuyến đi tự tổ chức nên không có hướng dẫn viên, chúng tôi men theo con đường nhỏ dưới chân cầu, len qua vạt bắp bên bờ sông, đi về hướng bãi đá. Tới nơi mới thấy không hề quá lời khi nhiều người ví Lò Thung là “vương quốc” đá huyền bí. Lò Thung khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác trước khung cảnh phô diễn ngoạn mục của đá với đủ loại kích thước lớn nhỏ, lô nhô chen chúc nhau cùng những hình thù kỳ dị, khiến tâm trí liên tưởng đến các vật dụng quen thuộc như tấm phản, cái cối, cái chén, cái chày, cái lò...

Ngay cả những tảng đá tôi chưa thể hình dung, chưa thể gọi tên nhưng sự kỳ lạ của dáng đá giữa dòng thác đang không ngừng bung tỏa trắng xóa đã in vào tâm trí tôi mãi cho đến lúc ngồi viết những dòng này, mà có lẽ nó còn ở mãi trong tôi, nhắc nhớ về một nơi chốn hoang sơ, thơ mộng khiến tâm hồn đầy lên và cảm thấy niềm hạnh phúc ngập tràn khi thấy mình được kết nối trực tiếp với thiên nhiên nguyên sơ. Chọn một tảng đá để nghỉ ngơi trong khi chờ các đồng nghiệp say mê chụp ảnh, trong tôi cứ vang lên câu ca “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/Ai ơi đến đó cho lòng vấn vương”...

Rời Lò Thung, chúng tôi về làng cổ Lộc Yên, nơi còn 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm làm bằng gỗ mít, loại cây ăn quả chủ yếu ở vùng quê Tiên Phước, theo kiểu 3 gian 2 chái. Người chủ nhà, khi biết chúng tôi từ Hội An lên, bèn cười, nói: Hội An nhiều nhà cổ mà. Là nói vui thôi, người chủ biết ngôi nhà cổ của họ ở Lộc Yên đẹp và có giá trị khác biệt. Do được xây dựng ở địa hình có độ dốc lớn, để đất khỏi bị mưa lũ xói trôi, người dân chất bờ đá ngăn giữ. Những bờ đá cao đến vai người, thẳng tắp, làm cho cảnh quê ở làng cổ Lộc Yên thêm thơ mộng. Mỗi bờ đá vườn, bờ đá ngõ dẫn vào nhà là một “công trình nghệ thuật” của từng hộ dân nơi đây. Nhà xây dựng mặt quay ra đồng lúa, lưng tựa vào núi, lối đi men theo sườn đồi, ngõ đá dài uốn lượn nhiều tầng bậc, nhìn xa trông rất đẹp mắt, nhất là lúc đất trời vẫn đang trong tiết xuân, cỏ mọc che phủ đá tạo nên một tấm thảm xanh lấp lánh ánh ngày.

Bữa trưa ở nhà hàng trong làng cổ Lộc Yên càng khiến tôi ngạc nhiên bởi các món đặc sản có lẽ chỉ ở xứ Tiên mới có: bánh xèo ong, cộc cộc chiên, ếch đá nướng mọi, cháo ốc dừa non, cơm ghế mít, canh ốc đá mít non,… Tin tôi đi, nếu may  mắn, bạn có thể ăn những món này ở một nơi khác nhưng chắc chắn không thể ngon bằng bạn được ngồi ăn trong ngôi nhà gỗ, giữa ngôi làng xanh mướt bóng cây, với tiếng chim hót, nước suối reo, chỉ thoáng nghe đã thấy mát lành, hạnh phúc. Cũng trong bữa trưa ấy, người chủ nhà hàng biết chúng tôi sẽ tổ chức sinh nhật cho những thành viên trong đoàn nên đã đặt bánh kem và không quên chuẩn bị một cây guitar để chúng tôi cùng nhau hát mừng. Lời ca và tiếng guitar mộc mạc giữa một trưa trung du khi đất trời còn xuân khiến niềm hạnh phúc của tôi trong chuyến đi dường như được nhân đôi, nhân ba. Xứ Tiên ơi, rồi tôi sẽ trở lại đây, để tiếp tục đắm mình trong thiên nhiên và thưởng thức ẩm thực đặc sản ở nơi này.

Khiếu Thị Hoài - Báo Đà Nẵng