Lúa mất mùa vì giống hay thời tiết?
Nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Bắc Trà My và Tiên Phước thất bát khi đã cùng sử dụng một giống lúa OM (nguồn gốc từ miền Nam). Điều đáng nói đây là loại giống cho năng suất cao trong các vụ mùa trước, được ngành nông nghiệp khuyến cáo mở rộng.
Thời điểm này, trong khi ở nhiều cánh đồng, nông dân hối hả thu hoạch lúa đông xuân thì tại cánh đồng Trơm (thuộc thôn 2, xã Tiên Sơn, Tiên Phước) lúa bị khô héo từ ngọn đến gốc. Theo nông dân, đây là giống OM có nguồn gốc từ miền Nam, mới được trồng thử nghiệm lần đầu.
Trước đây, nông dân thường sạ giống Xi và BC15 nhưng vụ đông xuân vừa qua địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nên thay giống OM bởi các đặc tính ưu việt như chịu hạn tốt, cho năng suất cao... “Tôi không dám đổ lỗi cho giống lúa nhưng mong ngành chức năng tìm hiểu, xác định nguyên nhân mất mùa. Vụ hè thu sắp tới chúng tôi phải sử dụng giống nào cho an tâm đây?” - một lão nông thắc mắc.
Trước tình trạng lúa lép, chính quyền xã Tiên Sơn đã đề xuất lên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước về cơ sở kiểm tra và có phương án hỗ trợ. Ông Cao Văn Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết, cả xã vụ đông xuân gieo sạ 10ha bằng giống lúa OM, nhưng qua kiểm tra đã thiệt hại hơn 80% trên tổng diện tích gieo trồng. Tương tự, tại một số cánh đồng ở vùng trung du Tiên Cẩm (Tiên Phước) cũng rơi vào cảnh trồng lúa cho trâu bò ăn do lép hạt. Ông Huỳnh Nhuận - Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm xác nhận, giống OM (có hai loại OM 4900 và OM6976) được gieo sạ tại địa phương 2 năm nay, mấy vụ trước cho năng suất cao, hạt gạo thơm. Vụ đông xuân 2015 - 2016, nông dân gieo 70/130ha lúa giống lúa OM, số còn lại trồng giống Xi. Giống OM được xem như một trong những giống chủ lực, triển khai phổ biến tại huyện Tiên Phước.
Nhiều cánh đồng lúa ở Tiên Sơn thất thu. |
Tại các xã Trà Dương, Trà Đông, Trà Sơn và thị trấn Trà My (Bắc Trà My), nhiều nông dân cũng trắng tay vụ mùa đông xuân khi đã sử dụng giống lúa OM. Nông dân ở xã Trà Đông than thở: “Mấy vụ mùa trước, chúng tôi trồng giống lúa truyền thống cho năng suất ổn định. Bất thình lình, chính quyền tuyên truyền, rồi hỗ trợ bà con giống lúa mới này vào canh tác, kết quả là cả sào canh tác kiếm vài ang lúa cũng khó”.
Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trước phản ảnh của người dân, ngày 2.4 vừa qua, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương kiểm tra và ghi nhận thiệt hại của nông dân sử dụng giống OM là hoàn toàn có thật. Thống kê ban đầu thì có 60% diện tích gieo sạ bằng giống lúa này của người dân bị thiệt hại. Ông Nhuần cũng thông tin, đây là giống lúa do Trung ương hỗ trợ, tỉnh phân bổ về huyện 10 tấn giống (hỗ trợ 100%) cho 4 xã vùng thấp trồng thí điểm. “Chúng tôi dứt khoát sẽ không dùng giống lúa này nữa” - ông Nhuần quả quyết.
Trong khi đó, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh giải thích, giống lúa OM 4900 và 6976 là giống từ miền Nam đưa về mấy năm nay. Giai đoạn 2013 - 2015, giống lúa này trồng ở địa phương cho năng suất cao. Còn vụ đông xuân 2016, nguyên nhân lúa không kết hạt là do bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh kéo dài, đến tháng 2 khi cây lúa bắt đầu làm đòng thì xuất hiện lạnh, từ đó cây lúa chai không có sức kháng dẫn đến trổ bông không được. Vậy vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp có chọn giống lúa OM làm chủ lực nữa không?”.
Ông Muộn trả lời: trước sự cố này thì vụ hè thu rất khó đưa giống OM vào sản xuất chủ lực mà chỉ đưa vào bổ sung một phần cho những cánh đồng có nước thủy lợi. Trước mắt, ngành nông nghiệp tổng hợp lại số liệu diện tích giống lúa OM bị thiệt hại rồi từ đó sẽ có hỗ trợ cho nông dân theo chương trình ảnh hưởng thiên tai để tái sản xuất.
Trần Nguyễn - Báo Quảng Nam