Lên Tiên
Khách đi xa về ngang Tam Kỳ, hỏi Ngã Ba Nam Ngãi xưa chợt nhìn lại ngã ba đã thành ngã tư rồi. Dừng đó, tay chỉ hướng tây, khách hỏi bà già Quảng Nam: Đường ni lên Tiên Phước, Trà My phải không bác? Đáp: Chớ đường ni không lên Tiên Phước thì đi mô? Hay, “bà già gay” mà thấy thương chi lạ, trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi kỳ cục, cười xòa!
Vậy là đi lên Tiên Phước. Lên Tiên, lòng nhớ hoài câu ca tả cảnh: “Đường lên Tiên Phước quanh quanh/ Có con cò trắng đậu nhành thương thương”, và nữa: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước để lòng ngẩn ngơ”… Phải rồi, xứ Tiên có tiếng cảnh đẹp người thanh. Cảnh vật thì không thể nào không nhắc con sông lạ đời: chảy ngược về hướng tây. Người xưa nhận xét do núi cao nên sông chảy dốc, nước xiết mà tạo cốt tính, khí chất người Quảng “hay cãi”.
Còn cái chuyện chảy ngược của sông Tiên, không nhớ ai đã luận bàn hay chưa. Mạo muội nghĩ rằng thế nằm, thế chảy của sông như suối tóc của nàng Tiên, xõa ngược phía nguồn. Có phải thế không mà có đoạn sông mang tên sông Chang, như cái chang tóc của bà, của mẹ, của người yêu dấu. Ai đã bao giờ nhìn thấy thiếu nữ trinh nguyên xõa mái tóc mềm mượt như suối trễ tràng phía đầu chõng tre trong cái trưa hè mát mẻ, lòng sẽ “dùng dằng đi chẳng dứt”. Một bận lên Tiên, khách dừng ở Lò Thung, nước sông tụ thành vịnh nhỏ. Những tảng đá như bàn cờ khổng lồ chồng xếp lên nhau. Cơ man sinh linh ốc đá bu bám quanh hờm, róc rách suối khe. Tắm, bắt ốc, hái rau bồ ngót làm nồi canh giải nhiệt; lại nướng gà tre giữa khe đá để đưa cay, liu riu chẳng nhớ cảnh đây là trần gian hay tiên giới nữa.
Lên xứ Tiên có bao điều để kể, để nhớ, để thương... |
Cảnh xứ Tiên không chỉ có thiên tạo sông suối núi non kỳ vĩ. Không gian nhân văn thấm đẫm mồ hôi, bàn tay, khối óc con người chính là nhà vườn ngõ đá. Nhà cổ Lộc Yên, ngõ đá in bậc thời gian. Cách xếp đá để xây những bờ thành vững chãi cho ngôi vườn xinh xắn, là cả một nghệ thuật, tri thức, kinh nghiệm dân gian, phải dãi dầu thời gian hàng mấy trăm năm tạo tác. Vườn Tiên Phước mướt xanh cây trái. “Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”, ghi dấu mối giao tình nguồn biển, nên xứ Tiên một thời đượm tiếng các món chế biến từ mít. Cá chuồn kho xơ mít. Mít sấy khô, mít hông, mít nhồi… rồi còn có trái thơm, thanh trà, món chuối ép để lâu vẫn ngọt lòng.
Nhưng nổi tiếng hơn cả là lòn bon. “Lụt nguồn trôi trái lòn bon/ Trái chi có lụt vẫn còn y nguyên?”,anh hỏi vậy thì tự anh biết cái trái ấy thôi, còn em “Trái lòn bon trong tròn ngoài méo/ Nhớ bậu nguồn héo mấy con trăng”. Xứ này cũng là ngõ nguồn của cây tiêu, lại có thêm quế, trầm. Những lâm thổ sản một thời đưa xuống chợ Vạn, Tam Kỳ, rồi xuôi dòng Trường Giang ra Phố Hội bán cho tàu buôn ngoại quốc. Hạt tiêu, bé mà cay, giờ đây được xây dựng lại thương hiệu, mang hương thơm Tiên Phước xuống các hội chợ xuân Quảng Nam và quảng bá đến nhiều nơi nữa. Bao nhiêu người mừng khi nghe Tiên Phước đã hình thành 60 tổ hợp tác trồng tiêu, xây dựng đề án hỗ trợ khôi phục và phát triển cây tiêu bản địa với vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng.
Có Phước sẽ được lên Tiên…
Cảnh vật đẹp thường có con người đẹp. Về nhan sắc, có thể coi xứ Tiên là “miền gái đẹp” của đất Quảng. Lời ca “nhứt gái Tiên Hà/nhì gà Tiên Lãnh” cứ truyền tụng mãi. Hỏi vui em gái xứ Tiên nhà ở chỗ mô, em tinh quái nói ở khoảng giữa “gà” và “gái”, tức là đoạn đường qua Tiên Kỳ. Đến Tiên Kỳ, nhìn qua sông Tiên, lại nghe: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Con gái Tiên Phước một lòng thủy chung”. Thủy chung hay không tự mỗi người kiểm chứng, nhưng nhan sắc thì dễ đắm chìm lòng quân tử lắm, anh hùng mấy ai qua được ải mỹ nhân. Coi bộ nếu ăn rau dớn không xong thì phải ăn rau lủi, thấy người đẹp mà không mê chắc nên “lủi” cho rồi.
Con người Tiên Phước đẹp còn ở nghĩa khác, đó là sự tài danh, là tấm lòng trung trinh với quê hương đất nước. Các nhà báo có dịp lên Tiên Cảnh, thường đến viếng hương Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, người khai sinh tờ báo Tiếng Dân vang tiếng ba kỳ, người giỏi “dĩ bất biến ứng vạn biến” khi giữ quyền Chủ tịch nước. Bác Hồ tỏ lòng khâm phục cụ Huỳnh là người “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.
Video: Về nơi con sông Tiên chảy ngược
Quê hương Tiên Phước còn sản sinh những bậc hào kiệt như Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy, Lê Cơ… Riêng chí sĩ Lê Cơ là một con người cực kỳ đặc biệt với cuộc thực hành Duy tân, xây dựng làng Phú Lâm thành mô hình cải cách xã hội đặc trưng của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Cụ Xã Sáu – Lê Cơ còn để lại trong lịch sử một tư tưởng độc đáo “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương”(Nếu không làm được việc lớn cho cả thiên hạ thì cũng làm những việc đúng trong một làng).
Kể về con người là nói đến văn hóa, lịch sử. Văn hóa xứ Tiên đậm chất trung du, sâu thẳm văn hóa làng. Truyền thống hiếu học, học giỏi của người Tiên Phước đã từng vang danh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, bản thời Tự Đức, có viết về xứ Quảng, rằng “học trò chăm học hành, nông dân chăm đồng ruộng,…vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh”. Đó là nhận xét khá đúng, với riêng văn hóa, con người Tiên Phước càng đúng. Cũng trong “Đại Nam nhất thống chí”, bản triều Duy Tân, có nhận định: “… sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói, nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy người nào có học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”. Nhận xét này thấy thấp thoáng bóng dáng của không ít sĩ phu Tiên Phước khi xưa và còn ảnh hưởng ở một số người Tiên Phước hôm nay.
Lịch sử Tiên Phước đã được viết nên bởi những con người khảng khái, có “khí tiết cứng cỏi”, “hay cãi”. Vì thế, nơi đây ươm mầm những hạt giống Duy tân, rồi tham gia Nghĩa hội Quảng Nam đánh thực dân Pháp, khởi cuộc cự sưu với đoàn quân rầm rộ kéo về bao vây phủ đường và đồn Đại lý ở Tam Kỳ. Lịch sử cũng đã viết tiếp với cuộc kháng chiến cứu nước, nơi lập căn cứ địa cách mạng, nơi mở ra chiến dịch “Vượt sông Tranh” giải phóng Lãnh - Ngọc, rồi “Vượt sông Tiên” giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, làm nên những chiến công nức tiếng một thời.
Lên xứ Tiên có bao điều để kể, để nhớ, để thương. “Thương con sông Tiên bao đời chảy ngược…”, hay “nhớ Núi Ngang còn đèo là đèo Liêu, và Eo Gió”...
Xứ Tiên, miên man những vần thơ, câu hát lay động lòng người.
Xứ Tiên, lưu bóng hình ai lãng du qua miền tâm tưởng.
Có Phước sẽ được lên Tiên…
Bảo Trân - Báo Quảng Nam