Lãnh - Ngọc - Hiệp vùng kinh tế năng động
Cái ngày vượt sông Tranh để giải phóng hoàn toàn 2 xã Lãnh - Ngọc vào năm 1961, những người lính tiểu đoàn 70, các chiến sĩ du kích địa phương và nhân dân Lãnh Ngọc chắc chắn chỉ có một ước mơ giản đơn là làm sao để nhân dân Lãnh Ngọc thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ ngụy quyền, có cái ăn, cái mặc, vậy là thỏa nguyện.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, cái ước mơ xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Lãnh Ngọc cũng chỉ đơn giản là đủ cơm ăn, áo mặc, xa hơn chút nữa là có điện về thắp sáng làng quê. Có một câu ca mà ai đến Lãnh Ngọc cũng nghe, cũng biết “Bao giờ Tiên Lãnh ăn tiền, Trà My đông chợ hai miền gặp nhau”. Câu ca nghe sao mà xót xa, như một lời nguyền, rằng cái việc Tiên Lãnh ăn tiền, Trà My đông chợ chỉ là chuyện trong mơ, không thể có!
Vậy mà mới bốn mươi năm thôi sau ngày Tiên Phước hoàn toàn giải phóng, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc đã có sự khởi sắc mạnh mẽ và trở thành một trong những vùng kinh tế năng động nhất của Tiên Phước. Đánh giá sự phát triển kinh tế của một địa bàn thì tốt nhất nhìn vào cái cách tiêu tiền của người dân địa phương, nói theo chuyên môn quản lý là thương mại - dịch vụ. Ở Tiên Phước, trừ thị trấn Tiên Kỳ thì không có nơi nào như Tiên Lãnh.
Ăn gì cũng có, cơm, mỳ, bún, phở, đủ cả, nhậu cũng không thiếu thứ gì. Mà ngon nữa, bởi có nhiều món đặc sản của địa phương mà không phải nơi nào cũng có. Cà phê thì cứ vài ba trăm mét lại có một quán, rộng rãi, thoáng mát, hữu tình và lãng mạn. Những cái chuyện ăn uống nhậu nhẹt này là sự phản ảnh rất rõ nét về thu nhập của nhân dân địa phương. Ở Tiên Lãnh, cái gì cũng có thể bán kiếm được tiền. Nói như vậy, chắc bạn sẽ nói ngay liền: khai thác gỗ lậu là nhiều tiền nhất. Đúng. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó CT UBND tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Bây giờ thì nói chuyện của ngày hôm nay. Không nhiều tiền sao được khi mà mỗi hecta keo sau khi chi phí còn kiếm được gần trăm triệu, mà hộ nào cũng không dưới 5-7 ha. Một con bò trong một năm bán ra giá không dưới 30 triệu đồng, mà nhiều hộ có đến vài ba chục con như thế. Đó là chưa nói các khoản thu từ nuôi heo, gà, nhất là gà. Hộ nào cũng thường xuyên có từ 50-100 con gà. Mà gà Tiên Lãnh thì…đã có thương hiệu, ai cũng biết, nên không đủ để bán. Nhân dân Tiên Lãnh có nguồn thu chủ yếu từ vườn rừng và chăn nuôi. Nhưng kinh tế vườn ở Tiên Lãnh những năm gần đây cũng đã có những phát triển đáng kể. Chỉ mới trong 5 năm 2010-2015, diện tích cải tạo vườn tạp của Tiên Lãnh đạt gấp 2 lần so với nghị quyết đại hội đảng bộ đề ra.
Trước đây nói chuyện ăn thanh trà là lên Tiên Hiệp, ăn lòn bon là về Tiên Châu. Bây giờ về Tiên Lãnh, muốn ăn, muốn mua lòn bon, thanh trà, măng cụt,…không thiếu. Như trên đã nói, thu nhập của người dân tăng nên dịch vụ - thương mại phát triển rầm rộ. Những năm qua, giá trị tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ mỗi năm đạt không dưới 5 tỷ đồng. Để có sự phát triển mạnh về kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, những năm qua huyện, xã đã tập trung đầu tư mạnh cho sự phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Về Tiên Lãnh, các tuyến đường chật hẹp và ngập bùn, trơ đá trước đây được thay bằng các tuyến giao thông nông thôn rộng, thoáng, kể cả những nơi khó khăn nhất như thôn 3, thôn 6, thôn 8. 12/12 thôn của xã đều có điện thắp sáng từ nguồn điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện thoại đến từng hộ, từng người dân, kể cả những nơi hẻo lánh nhất.
So với nhiều nơi thì những kết quả nêu trên không phải là lớn, nhưng với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Tiên Lãnh thì quả là một sự phát triển đáng ghi nhận. “Bao giờ Tiên Lãnh ăn tiền…”, câu ca đã đi vào quên lãng.
Đó là nói chuyện Tiên Lãnh. Bây giờ nói chuyện Tiên Ngọc. Nằm giữa Tiên Hiệp và Tiên Lãnh, cách 2 xã này khoảng 7 cây số nhưng Tiên Ngọc có vẻ trầm lắng hơn. Trong khi Tiên Lãnh và Tiên Hiệp phát triển mạnh các loại hình dịch vụ -thương mại thì ở Tiên Ngọc gần như không có. Muốn ăn, muốn mua thứ gì thì phải vào Tiên Lãnh hoặc ra Tiên Hiệp. Điều kiện tự nhiên không ưu đãi nên người dân Tiên Ngọc phần lớn là nghèo khó. Tiên Ngọc là một trong hai xã 135 của huyện Tiên Phước. Trước đây, người dân chủ yếu là làm nông và gánh thuê, vác thuê. Thu nhập hầu như chẳng có gì. Thế nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, Tiên Ngọc thật sự khởi sắc. Cũng như Tiên Lãnh, thu nhập từ keo đã giúp nhiều hộ dân Tiên Ngọc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cùng với cây keo, người dân đã tập trung mạnh việc phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi.
Trong 5 năm 2010-2015, Tiên Ngọc có 220 ha vườn tạp được cải tạo. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Năm ngoái, dự kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Lãnh - Ngọc, ăn trái lòn bon Tiên Ngọc sao mà nghe ngọt lịm, ngọt đến mềm môi, ngọt cả lòng người, rưng rưng nước mắt, mừng cho một vùng quê nghèo khó. Nhưng ấn tượng nhất ở Tiên Ngọc là vùng cây dó bầu ở vùng Gò Mè. Một vùng quê mà người dân chỉ biết gánh thuê, vác thuê, giờ thành những chủ vườn, chủ xưởng sản xuất những sản phẩm từ dó. Những vườn dó bạt ngàn, thênh thang, dự báo cho một tương lai sáng lạn của những người dân Gò Mè khốn khó. Ghé thăm một chủ xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ cây dó, nghe chuyện “bóc lột sức lao động trẻ em” nhưng mà vui: mỗi ngày, tranh thủ thời gian nghỉ học, mỗi em kiếm thêm trên dưới trăm ngàn, vừa giúp gia đình, vừa lo việc học, từ việc gia công dó. Thương lắm, nhưng mừng lắm các em ơi!
Từ Lãnh - Ngọc về, từ Nam - Bắc Trà My xuống, từ Tiên Phước lên, khách sẽ dừng chân khá lâu ở Tiên Hiệp để nghỉ ngơi và…ăn thanh trà, mua dược liệu. Nhỏ gọn và xinh xắn, Tiên Hiệp như một người đàn bà đẹp trước người lữ khách vất vả. Trước đây, do có địa hình hiểm yếu, chế độ Sài Gòn đã chọn Tiên Hiệp làm thủ phủ của quận Hậu Đức, với tên gọi là Phước Lâm. Là nơi có địa hình phục vụ mục đích quân sự, lại là thủ phủ của quận Hậu Đức nên Tiên Hiệp gần như không có ưu thế về kinh tế và chủ yếu là nhận trợ cấp của quân đội Sài Gòn. Chính vì thế, sau ngày giải phóng, người dân Tiên Hiệp gần như làm lại từ đầu, khôi phục ruộng vườn, gò đồi hoang hóa, vất vả, cật lực lắm mới có cái ăn, cái mặc.
Vậy mà bây giờ về Tiên Hiệp những khu vườn xanh mướt thanh trà, những đồi keo bạt ngàn đầy sức sống. Cũng như Lãnh Ngọc, người dân nơi đây làm giàu từ cây keo. Nhưng ấn tượng nhất ở Tiên Hiệp là đã xây dựng được một vùng chuyên canh thanh trà. Nói vùng chuyên canh thì có khi không đúng. Nhưng hầu như tất cả các hộ dân ở Tiên Hiệp đều trồng loại cây đặc sản này. Ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm. Nhiều hộ có đến bốn, năm trăm cây. Năm ngoái, huyện cử một đoàn công tác đi tham quan một số mô hình kinh tế ở phía Bắc, ghé Thủy Biều (Huế) thăm làng thanh trà. Đi dạo khắp làng, anh em trong đoàn kết luận khá thú vị: về Tiên Hiệp hay hơn.
Thật vậy, thanh trà Tiên Hiệp to trái và căng mọng hơn Thủy Biều. Đến mùa, cả mấy chục tấn thanh trà với giá cao ngất mà vẫn không có để bán. Điều lạ là, không quảng cáo, lăng xê gì hết mà thanh trà Tiên Hiệp vẫn cứ là thương hiệu.
Có được vùng thanh trà Tiên Hiệp không phải là điều dễ dàng. Ngày xưa, người dân nơi đây cũng có trồng nhưng lác đác, đủ để làm quà biếu. Mãi đến khi có Chương trình hành động số 27 của Huyện ủy Tiên Phước về tam nông thì vùng thanh trà Tiên hiệp mới thật sự khởi sắc. Đây là minh chứng hùng hồn của việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Từ chỗ có khoảng chưa đến 1 ha, đến nay vùng thanh trà Tiên Hiệp có diện tích không dưới 7 ha, hàng năm cho thu nhập đến 2 tỷ đồng. 2 tỷ so với nhiều nơi khác là không lớn, nhưng với một xã miền núi như Tiên Hiệp thì quả là không nhỏ.
Có một việc, tuy là tự phát, hư hư thực thực nhưng không thể không nói đến là nghề khai thác và bán nấm rừng. Bắt đầu từ câu chuyện của một vài người dân tự chữa bệnh bằng nấm lim xanh, dân Tiên Hiệp bỗng chốc xúm nhau làm giàu từ nấm rừng. Mỗi năm có hàng chục tấn nấm rừng được gửi đi các nơi tiêu thụ, giá cả thì vô kể. Có loại chỉ 50 ngàn, nhưng cũng có loại 6, 7 triệu. Thời điểm đắt nhất có khi lên đến mấy chục triệu một ký. Cái chuyện chữa bệnh bằng nấm thì không bàn, nhưng nêu ra chuyện bán nấm để thấy tính năng động của người dân Tiên Hiệp. Mà không chỉ có nấm thôi đâu, bây giờ, trên khắp các tuyến đường ở Tiên Hiệp người dân đua nhau bán thảo dược. Cái gì trên rừng có thì lập tức được đem bày bán. Cũng hay.
Mùa thanh trà Tiên Hiệp
Cùng với phát triển mạnh vùng thanh trà, người dân Tiên Hiệp cũng chú trọng việc chăn nuôi. Đàn trâu, đàn bò ở Tiên Hiệp tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là bò lai sind, chiếm đến 72% tổng đàn. Kinh tế phát triển, các vấn đề xã hội đều được giải quyết tốt. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo gần 50% những năm 2010, đến nay Tiên Hiệp chỉ còn 26% hộ nghèo. Đặc biệt nhất là một bộ phận nhân dân đã thực sự vươn lên làm giàu bền vững.
Hội đồng nhân dân huyện vừa thông qua nghị quyết về phát triển cây cao su trên 6 xã của huyện mà phần lớn tập trung vào địa bàn 3 xã Lãnh - Ngọc - Hiệp. Anh Sơn - Bí thư Huyện uỷ vừa mời Công ty Thế giới xanh ở thành phố Hồ Chí Minh về khảo sát, xây dựng một dự án lớn về trồng, tạo trầm và khai thác tinh dầu trầm, cũng tập trung ở 03 xã này. Nghe đâu sắp tới có dự án về trồng cây thuốc nam cũng sẽ được xem xét triển khai tại Tiên Hiệp. Đó là chưa kể, nguồn nguyên liệu keo cho xuất khẩu đang rất ổn định về giá.
Với những thuận lợi như hiện nay và với sự năng động vốn có, trong vòng 10 năm tới, người dân vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp chắc chắn sẽ vươn lên làm giàu bền vững. Kinh tế phát triển chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp trên tất cả các lĩnh vực. Thiết nghĩ, để tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững, Huyện uỷ và chính quyền huyện, cấp uỷ, chính quyền các xã Lãnh - Ngọc - Hiệp nên có sự đầu tư thoả đáng hơn ngay từ bây giờ để phát triển mạnh văn hoá và giáo dục, chú trọng vấn đề con người nói chung để tạo nên một sức bật mạnh mẽ cho khu vực vùng núi còn nhiều khó khăn nhưng rất năng động này.
Phạm Hồng Vy - Văn phòng Huyện ủy Tiên Phước