Làng nghề bánh mứt vào vụ tết
Lửa đã đỏ từ đầu tháng Chạp nơi làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), nhà nhà cùng vào vụ sản xuất bánh mứt, mang hương xưa đến ngày tết cổ truyền...
Nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bánh mứt Lộc Yên những ngày này tập trung toàn bộ nhân lực phục vụ việc sản xuất các loại mứt tết. Bà Nguyệt chuyên làm các loại mứt truyền thống hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như mứt dừa, nghệ, gừng, đậu, khoai lang, cà rốt.... Chồng và các con đều tập trung về phụ bà Nguyệt dịp cao điểm.
Những mẻ mứt các loại liên tục được bà Nguyệt cho ra lò phục vụ khách hàng. Ảnh: D.L |
Ngưng tay đang đảo chảo mứt gừng, bà Nguyệt khoe: “Hôm qua, cả nhà chạy quýnh vì ra cả trăm ký mứt các loại để kịp giao cho khách hàng. Hôm nay, khách cũng đặt gần cả trăm ký mứt, chẳng biết làm có kịp không, cố gắng hết sức để phục vụ nhu cầu thị trường. Mấy năm gần đây, ai cũng chọn dùng mứt làm theo phương pháp thủ công truyền thống nên việc sản xuất mứt ngày tết bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch mới kịp”. Rồi bà Nguyệt chỉ vòng quanh xóm, nói rằng tối đến rất vui, nhà nào cũng điện sáng rỡ, lửa đỏ rực để làm mứt, người trong nhà thay nhau canh những mẻ mứt cho đạt độ ngon nhất.
Các loại bánh mứt truyền thống của làng nghề Lộc Yên liên tục được cung ứng cho thị trường. |
Để có nguyên liệu làm mứt dừa, bà Nguyệt phải thu mua dừa trái từ khắp nơi trong vùng, tới hái tận nơi, nhờ người bóc vỏ, rồi về nhà bà mới chế biến. Để mứt dừa trắng đẹp, bà Nguyệt dùng chanh rửa dừa và cũng chỉ làm mỗi món mứt dừa trắng, không pha bất cứ phụ gia nào. Bà Nguyệt nói rằng đã thử làm các loại mứt dừa nhiều màu khác nhưng đều không ưng ý nên chỉ nhận làm mứt dừa trắng để đảm bảo chất lượng. Các loại mứt khác cũng chỉ có phương pháp rửa duy nhất là dùng chanh. Mỗi ngày cận tết thế này, bà Nguyệt tiêu thụ khoảng từ 50kg - 100kg mứt các loại. Trước khi vào vụ sản xuất tết, bà Nguyệt được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công huyện Tiên Phước, để mua thêm máy hút chân không, máy xay bột nước, máy xay bột khô, máy sấy, máy đánh bột, máy đánh trứng theo tỷ lệ hỗ trợ 50% giá trị của máy móc. Nhờ có các loại máy, bà Nguyệt sản xuất mứt cũng thuận tiện hơn và cũng không sợ trời mưa thì toàn bộ mứt đều được sấy bằng máy hoặc bằng than đỏ.
Chị Võ Thị Ánh - Tổ viên Tổ hợp tác sản xuất bánh mứt Lộc Yên những ngày này cũng hết sức bận rộn với những mẻ chuối ép, chuối sấy, bánh thuẫn. Trước khi được hỗ trợ mua máy sấy, chị Ánh làm chuối khá vất vả do phải nướng trên than lửa đỏ, năng suất thấp hơn. Được hỗ trợ, chị Ánh thêm tiền mua loại máy lớn giúp việc sản xuất chuối ép thuận tiện hơn. Chị Ánh mua thêm máy nướng để làm chuối được nhanh khi không có nắng. Chị Ánh nói: “Việc làm chuối ép, chuối sấy và bánh thuẫn thì tôi làm thường xuyên trong năm để cung cấp cho các cửa hàng tạp hóa lớn của huyện. Bánh thuẫn cũng vậy, các trường mẫu giáo còn lấy bánh thuẫn để cho các cháu ăn bữa phụ nên ngày nào tôi cũng làm. Nhưng vào vụ tết, nhu cầu cao hơn nên sản xuất gấp đôi công suất. Từ đầu tháng Chạp đến nay tôi làm suốt, mỗi ngày từ 20kg - 30kg chuối ép, chuối sấy và bánh thuẫn”. Nguyên liệu làm chuối không bao giờ thiếu vì Tiên Phước là vựa chuối lớn cung ứng chuối các loại cho toàn tỉnh.
Tại làng bánh mứt truyền thống Lộc Yên, nhà nào cũng làm bánh mứt các loại, nhưng có nhà làm nhiều thành thương phẩm, có nhà làm ít chỉ để ăn, biếu tặng. Các loại mứt, chuối ép, chuối sấy và bánh thuẫn đã được sản xuất rộ từ đầu tháng Chạp. Các loại bánh ít lá gai, bánh lăn, bánh khô khảo, bánh con cơ, bánh chần gừng, bánh tổ... thường qua ngày 25 tháng Chạp mới bắt đầu được người dân sản xuất. Bởi các loại bánh này có thời gian sử dụng ngắn nên không thể làm sớm. Xã Tiên Cảnh đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh mứt Lộc Yên với 16 hộ tham gia. Về lâu dài, xã Tiên Cảnh sẽ xây dựng một nơi sản xuất tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bánh mứt theo dây chuyền, hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam