Làng duy tân có một không hai
Những chi tiết trích từ báo cáo gửi thượng cấp của công sứ Quảng Nam Charles đã cho thấy việc Lê Cơ xây dựng làng duy tân Phú Lâm đã làm người Pháp lo lắng như thế nào...
“...Trong ít ngày nữa tôi sẽ cho khởi công làm một con đường xuyên qua các phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, trong vùng giàu nhất của tỉnh hiện là trung tâm của cuộc sách động gọi là “cải cách”. Vùng đó hiện nay hầu như không kiểm soát được vì không có đường cho xe qua lại. Tôi cũng đang tính chuyện đặt một cái đồn lính khố xanh ở đấy...” (Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Lê Thị Kinh - tức Phan Thị Minh, NXB Đà Nẵng, 2001).
Chuyện duy tân ở làng Phú Lâm
Thật lý thú, đường tỉnh 614 đến làng Phú Lâm thuộc xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) hiện nay chính là con đường mà công sứ Charles đã cho làm vì hoạt động duy tân mạnh mẽ đến táo bạo ở Phú Lâm (và một số làng kề cận) do lý trưởng Lê Cơ (1870-1918) xướng xuất và chủ trì thực hiện.
Còn cái đồn lính khố xanh cũng được nói đến trong trình văn trên lại nằm ngay sau hè của Lê Cơ - nhân vật mà Charles gọi là người đứng đầu của 15 xã liên kết trong các hoạt động cải cách. Đóng đồn ngay bên nhà của một thủ lĩnh người bản xứ để chế hãm uy lực của chính người ấy, quả là điều ít thấy!
Giữa trưa, hỏi về chuyện cũ của Lê Cơ, lão làng Cao Quốc Tuấn vẫn không nệ nắng, vạch cây đi quanh khu đất mà người Pháp đã cho đóng cái đồn lính khố xanh ngày trước.
“Nhà cụ Lê Cơ ở chỗ đây nè, cách cái đồn không tới 300m, chừ dân họ trồng cây lấp rồi. Chỗ đất cụ mở trường dạy chữ quốc ngữ nay tỉnh đã cắm cái bia di tích “Trường tân học Phú Lâm” rồi. Sướng với dân mình hồi đó là cụ cho lập hội buôn, hội nông, mở mấy lò rèn, lập hội bảo hiểm, bọn trộm cướp không dám hó hé...” - ông Tuấn kể lại.
Trường tân học Phú Lâm được Lê Cơ lập năm 1904, là trường tân học duy tân sớm nhất toàn quốc. Đáng nói là Lê Cơ đã cho mở lớp nữ học, đào tạo được tại chỗ hai nữ “giáo sư” đứng lớp, điều mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho là Lê Cơ “to gan” bởi đây là lớp nữ sinh tân học đầu tiên ở Trung và Bắc kỳ, hơn cả Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội về sau (1907).
Ngoài dạy chữ quốc ngữ là chính, Trường Phú Lâm còn dạy tiếng Pháp, riêng tiếng Nhật có một học sinh Đông du từ Nhật trở về dạy. Học sinh còn được học thể dục, võ thuật, học hát ca những bài ca, bài thơ hô hào duy tân, khơi gợi lòng yêu nước.
Hình mẫu trường tân học duy tân Phú Lâm, theo PGS.TS Chương Thâu, năm 1906 các sĩ phu Hà Nội do Dương Bá Trạc dẫn đầu đã vào tận Phú Lâm tìm hiểu cách mở trường để về mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội. Quả là điều mới lạ từ một ngôi làng nằm giữa lũng núi khuất nẻo!
Hội buôn - được Lê Cơ ngụy trang dưới cái tên trong đơn xin thành lập trình quan phủ là “tiệm buôn tạp hóa” - chính là hội thương duy tân được thành lập sớm nhất ở Quảng Nam, vừa giúp dân mua bán hàng thuận lợi, vừa lấy lời để nuôi trường học, ủng hộ các hoạt động xuất dương.
Được thành lập giữa năm 1905 từ vốn góp của người khá giả trong làng, hội buôn Phú Lâm hoạt động đắc lực hơn cả các hợp tác xã mua bán xuất hiện hơn nửa thế kỷ sau. Là bởi hội buôn này biết thu mua các sản vật địa phương như quế, chè, hồ tiêu, cau... mang bán ở các nơi xa, rồi mua nhu yếu phẩm như mắm muối, vải vóc, giấy bút... về bán lại cho dân làng với giá phải chăng.
Nhưng, tiên phong trong tư duy cải cách nông thôn, bước nhảy vọt chưa từng thấy trong việc tạo an sinh xã hội là hoạt động sản xuất tập thể do Lê Cơ lập ra với tên gọi nông đoàn, hợp xã. Vượt cả tư tưởng duy tân, theo PGS.TS Ngô Văn Minh, đây là cách Lê Cơ nghĩ ra và thực hiện để lấp dần sự khốn khó của “hơn 80% nông dân ở Phú Lâm không có ruộng cày, phải sống bằng cày rẻ, chịu thiệt với hình thức phát canh thu tô của địa chủ”.
Để làm được việc này, Lê Cơ cùng những người giàu có trong làng được ông vận động đã hiến bớt vườn, ruộng, rồi tổ chức nông dân khai vỡ những khoảnh đất còn hoang hóa, kể cả mua những khoảnh kề bên để tạo thành những khu vườn, khu ruộng chung rộng lớn, rồi nhóm này nhóm nọ cùng làm và cùng hưởng chung nông sản thu hoạch được.
Việc làm này, với ruộng gọi là hợp xã, với đất vườn gọi là nông đoàn, quả là một cuộc cải cách dân sinh mang tính cách mạng nhưng lại hết sức ôn hòa, nhân bản.
Tạo sự an ninh cho dân làng vào thời mà trộm cướp có nhiều, Lê Cơ đã liên kết làng duy tân Phú Lâm với 14 xã xung quanh bằng việc lập “hội bảo hiểm”, cùng đóng phí khoản để canh giữ trộm cướp, cùng tẩy trừ các tệ nạn như cờ bạc, hút xách, đĩ điếm, cùng tương trợ, bảo vệ nhau.
Đây chính là điều khiến công sứ Pháp Charles rất lo lắng. Đúng là viên quan thực dân đầu tỉnh này đã không nhìn sai chủ ý của người đứng đầu một làng duy tân kiểu mẫu mà cũng đứng đầu của tổ chức 15 xã liên kết này: Lê Cơ muốn dần mở rộng “lực lượng” duy tân.
Bia di tích lịch sử văn hóa Trường tân học Phú Lâm trên nền trường ngày xưa |
Một thủ lĩnh đảm lược
Để xây nên một làng duy tân Phú Lâm với nhiều việc làm tiến bộ vượt cả nội dung duy tân, Lê Cơ là một thủ lĩnh không chỉ biết nhìn xa trông rộng mà đáng nói là biết hiện thực hóa những nội dung quan trọng bằng cách làm gần, nghĩa là làm tại chỗ để gây niềm tin, thực nghiệm để tạo “mô hình” nhằm nhân ra ở các làng khác.
Lê Cơ không chỉ làm duy tân ở làng mình, ông còn đi diễn thuyết duy tân nhiều nơi. Kế hoạch của ông là tạo lập một vùng duy tân rộng lớn với tam thập (30) xã thôn ở vùng Phú Lâm.
Rớt tú tài năm 1900, lại tiếp cận được Tân thư, bỏ đường cử nghiệp, vừa lúc được tri phủ Thăng Bình yêu cầu làm lý trưởng ở ngôi làng có nhiều danh gia vọng tộc vốn rất khó cho người làm lý trưởng, Lê Cơ đã nhận làm ngay. Như đã sắp sẵn chương trình hành động, nhận lý trưởng, ông nói như tuyên ngôn: “Túng bất năng hành ư thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Dẫu không làm được cho cả thiên hạ thì cũng thử nghiệm được cho một làng).
Tượng chí sĩ Lê Cơ, dự kiến sẽ đặt tại khu di tích Trường tân học Phú Lâm
Và Lê Cơ đã trở thành người tiên phong đưa tư tưởng duy tân mới hấp thụ được từ phong trào đọc tân thư đang thịnh hành trong lớp nho sĩ tiến bộ lúc bấy giờ vào thực tiễn khi Duy Tân hội ra đời: xây dựng làng duy tân Phú Lâm.
Công việc của Lê Cơ tốn nhiều báo cáo của các quan lại Nam triều và người Pháp. Đáng nói là với khí khái và tài biện luận của mình, Lê Cơ đã “hạ” được tri phủ Thăng Bình ngay trước mặt công sứ Charles khi viên tri phủ yêu cầu thượng cấp Charles giải tán hội buôn, trường học của Lê Cơ. Thắng lợi này của Lê Cơ đã được Phan Châu Trinh đăng trên Đại Việt Tân Báo số 130, ngày 17-11-1907.
Và 25 năm sau, trên báo Tiếng Dân số ra ngày 17-8-1932, Huỳnh Thúc Kháng đã viết một bài dài ghi lại công trạng của Lê Cơ với làng duy tân Phú Lâm. Sanh vi tướng tử vi thần, chắc chắn lúc này anh hồn của vị thủ lĩnh - người anh hùng Lê Cơ chứng giám được sự tôn vinh này. Ông hi sinh ở nhà tù Lao Bảo năm 1918 khi chống lại bọn cai tù tàn ác với những tù nhân cách mạng như ông.
Huỳnh Văn Mỹ - Báo Tuổi Trẻ