www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làng cổ Lộc Yên có nguy cơ bị phá vỡ cảnh quan

Sự can thiệp ngày càng nhiều của người dân vào từng ngôi nhà, hiện đại hóa nhà đã và đang làm mất đi các giá trị độc đáo ở làng cổ này.

Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế) và làng cổ Lộc Yên ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được xem là 3 ngôi làng Việt cổ hiếm hoi hiện nay.

Điều đặc biệt ở làng cổ Lộc Yên là những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, không gian làng quê thoáng đãng, mỗi ngôi nhà với những ngõ đá rêu phong, uốn lượn giữa hai hàng chè tàu rất đỗi nên thơ tồn tại qua bao thế hệ. Thế nhưng, gần đây, do sự can thiệp của con người, cảnh quan không gian ngôi làng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. 

 

Lối lên xuống của một ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên  

Ngôi nhà cổ 200 năm của cụ Nguyễn Huỳnh Anh nổi tiếng ở làng cổ Lộc Yên và của cả tỉnh Quảng Nam được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đây là ngôi nhà cổ tiêu biểu cho kiến trúc “tam đoạn kẻ chuyền”, tức có ba vì kèo nối liên tục và gối lên nhau tại các điểm tiếp xúc thông qua các cột cái, cột quân và cột hiên. Trong nhà có 36 cây cột chính, trong đó có 16 cột lớn cỡ một người ôm.

Sự nổi tiếng của ngôi nhà còn gắn với câu chuyện chủ nhân hai lần thẳng thừng từ chối việc gạ mua từ ông Ngô Đình Diệm. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh mất, người con út là ông Nguyễn Đình Hoan trở thành chủ nhân ngôi nhà này. Lâu ngày, nhà bị hư hỏng xuống cấp nên chủ nhà đã làm mới bằng cách “bê tông hoá” kiểu giả nhà Thái khá phổ biến hiện nay, làm cho cảnh quan của ngôi nhà cổ bị phá vỡ.

Ông Nguyễn Đình Hoan  lý giải: “Bây giờ, mình để nguyên cũng không được. Khả năng gia đình làm như ngày xưa, tức làm gỗ thì làm không nổi. Hồi trước, làm mái tôn phía trước, để theo thời gian sụp đổ nên gia đình cố gắng làm trở lại cho nó chắc bảo đảm thôi”. 

Không chỉ nhà của ông Nguyễn Đình Hoan mà nhiều gia đình cũng đã sửa chữa, khiến thay đổi cấu trúc nhà cổ 

Nhu cầu sửa chữa nhà cửa của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, việc sửa chữa theo kiến trúc hiện đại đang phá vỡ không gian nhà cổ ở Lộc Yên. Một số gia đình không duy trì ngõ đá với hai hàng chè tàu rất đỗi nên thơ trải qua bao thế hệ, mà đầu tư làm những trụ cổng bê tông, ốp đá theo kiểu cách hiện đại của nhà phố rồi giăng lưới B40 làm rào... Thêm nữa, để giải quyết việc đi lại, mới đây, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng một tuyến đường lớn đi ngang qua làng Lộc Yên.

Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến: “Có một phương án là khi làm đường bê tông, nhưng ở giữa đường bê tông đã có chủ trương là lót gạch, sắp gạch ở giữa để làm mềm hóa con đường này đi”. 

Đường làng và tường rào cũng được làm bằng đá là nét độc đáo của làng, nhưng những con đường sẽ có nguy cơ bị bê tông hóa hoàn toàn.

Trước thực trạng cảnh quan làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước có nguy cơ bị phá vỡ, huyện Tiên Phước đã có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Ông Phùng Văn Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động bà con để không được tác động đến nhà cổ, không làm phá vỡ không gian nhà vườn. Chúng tôi giao cho các ngành trực tiếp làm việc với các hộ dân, có cơ chế hỗ trợ một phần cho người dân sửa lại cổng ngõ theo hướng là ngõ đá, cổng đá, cố gắng giữ được hàng rào cây xanh, hàng rào chè tàu”.

Làng cổ Lộc Yên hiện vẫn còn hơn 10 ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi vô cùng quý giá. Sự can thiệp ngày càng nhiều của người dân vào từng ngôi nhà đã và đang làm mất đi các giá trị độc đáo ở làng cổ này

                                                        Trần Đức - Đài tiếng nói VN

Biến dạng Lộc Yên

Làm du lịch sinh thái phải có tầm nhìn xa rộng

Đánh thức du lịch vùng tây nam

Khảo sát du lịch tại Tiên Phước

Cảm thức ngõ đá

Chiêm ngưỡng nhà cổ hai lần Ngô Đình Diệm gạ mua

Khám phá nhà cổ, ngõ đá ở Tiên Cảnh

Làng nhà cổ xứ Tiên

Độc đáo làng cổ Lộc Yên miền sơn cước

Không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh

Góc nhìn mới về làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước

Bảo tồn làng cổ và chuyện người 27 năm "đo vẽ"

Làng nghèo giữ nhà cổ 100 năm