www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làm giàu từ mô hình truyền thống ở Tiên Phước

 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là giải pháp được nhiều địa phương ở Tiên Phước chú trọng trong những năm qua nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của hầu hết nông sản đều bấp bênh, khó lường, khiến việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì trở thành bài toán khó với nhiều địa phương. Trong điều kiện đó, tại xã Tiên Ngọc - xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện - nhiều hộ nông dân đã quay về với việc chăn nuôi truyền thống, trồng cây bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

            Cây trồng cũ, hiệu quả mới

         Ở thời điểm 1997 tranh thủ diện tích đất gò đồi bỏ hoang còn khá lớn, ngoài việc sản xuất lúa, cây màu, vợ chồng anh Đỗ Kim Tâm (thôn 1 xã Tiên Ngọc) còn tranh thủ khai phá đất gò đồi trồng chuối nai. Anh Tâm cho biết: “Chuối nai là loại cây trồng tương đối dễ thích nghi với đất gò đồi nên ban đầu vợ chồng tôi phát rẫy trồng thử vài chục bụi. Thấy chuối phát triển tốt cho năng suất cao, vợ chồng bàn nhau mở rộng dần diện tích. Đến năm 2006, vợ chồng tôi quyết định đầu tư trồng 2 rẫy chuối nai với tổng diện tích gần 3ha”.

         Hiện nay, mới chỉ có 1ha chuối với khoảng 600 bụi cho thu hoạch nhưng anh Tâm cũng đã có đủ lượng sản phẩm để mỗi tháng chở xuống chợ Tiên Phước 10 - 15 chuyến bằng xe máy. Sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến anh thu về 400 - 500 nghìn đồng đồng. Những hôm được giá, có buồng chuối bán được hơn 250 nghìn đồng. Nguồn thu đáng kể đó không chỉ giúp anh có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học đầy đủ mà còn là nguồn đầu tư tái sản xuất quan trọng để vợ chồng anh mở rộng và xây dựng mô hình ngày càng bền vững hơn. Hiện tại mô hình của anh đã được nhiều hộ dân trong xã đến tham quan, học tập.

           Liên kết để phát triển

“Đảng bộ xã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế trong thời gian tới là tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân mở rộng chăn nuôi gà thả vườn và phát triển mô hình trồng chuối nai trên địa bàn toàn xã” (Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc, ông Đoàn Kim Trung)

        Xuất phát từ phong trào nuôi gà thả vườn khá phát triển và nhu cầu liên kết, hợp tác tạo điều kiện giúp nhau của nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn, Hội Nông dân xã Tiên Ngọc xây dựng Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn nhằm tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Theo quy chế hoạt động, mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt một lần vào tối 14 âm lịch.

       Ngoài việc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, các thành viên còn bàn bạc hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăn nuôi. Ban chủ nhiệm CLB có trách nhiệm cập nhật những thông tin mới về áp dụng khoa học kỹ thuật, các thông tin liên quan đến hoạt động chăn nuôi gà thả vườn như tình hình dịch bệnh và cách quản lý, phòng trừ các loại dịch bệnh, giá cả thị trường..., để cung cấp cho các thành viên.

 

Nhiều hộ ở xã Tiên Ngọc có thêm nguồn thu nhập khá lớn từ mô hình liên kết nuôi gà thả vườn

 

            Đồng thời, các thành viên có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà và phát huy tinh thần tương thân tương ái khi có rủi ro, dịch bệnh xảy ra trên đàn gà (CLB đã thành lập quỹ hỗ trợ rủi ro).

            Ông Đoàn Văn Trí - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Ngọc cho hay: “CLB đi vào hoạt động nền nếp hơn một năm nay đã giúp cho hơn 30 thành viên liên kết, hỗ trợ nhau cả về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh đến việc giải quyết đầu ra sản phẩm. Hình thức liên kết này đang từng bước nâng cao nhận thức chăn nuôi của người nông dân vốn bấy lâu chỉ quen với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ phần ai nấy biết”. Gia đình anh Trần Hưng và chị Dương Thị Hoa do phải dời nhà ra khu trung tâm để tiện việc buôn bán nên diện tích đất dành cho chăn nuôi không nhiều.

            Nhưng từ khi tham gia CLB anh chị cũng đã tích cực đầu tư mở rộng mô hình với đàn gà 200 con. Chị Dương Thị Hoa cho biết: “Từ khi tham gia CLB, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như những kiến thức bổ ích nên việc chăn nuôi khá thuận lợi, mỗi tháng thu được gần 3 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Những lúc rủi ro, dịch bệnh xảy ra cũng được anh chị em trong CLB động viên giúp đỡ về con giống để khôi phục lại chăn nuôi”.

            Còn Chủ nhiệm CLB - ông Nguyễn Kim Cường nói: “Trước khi tham gia CLB tôi đã có nhiều năm chăn nuôi gà nên cũng tích lũy được một số kinh nghiệm để hỗ trợ các thành viên, chủ yếu là công tác vệ sinh phòng bệnh, nguồn thức ăn để giữ vững chất lượng thịt theo đúng nghĩa gà thả vườn và thời vụ chăn nuôi để thuận tiện cho đầu ra sản phẩm. Từ chăn nuôi gà, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu trên 30 triệu đồng”.

                             Phạm Hoàng - Quang Hạnh, Báo Quảng Nam

Cử nhân nuôi chim trĩ