www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ký ức ngày giải phóng

Tiên Phước - địa phương được chọn làm nơi nổ súng cùng với chiến trường Tây Nguyên trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, giờ đây đang rộn ràng kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Ký ức ngày giải phóng - 10.3.1975 hôm nay lại có dịp ùa về trong những người con của quê hương Tiên Phước một thời.

 

Một góc trung tâm huyện lỵ Tiên Phước hôm nay. Ảnh: D.LỆ
Một góc trung tâm huyện lỵ Tiên Phước hôm nay. 

Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước: “Chuẩn bị chu đáo mọi mặt”

Nói về giải phóng Tiên Phước thì có nhiều lần nhưng chưa bao giờ mình làm chủ được trung tâm huyện lỵ. Riêng năm 1972 ta tấn công và làm chủ huyện lỵ được một tháng, nhưng sau đó do tương quan lực lượng nên ta không đủ sức để giữ được.

Tiếp thu chỉ đạo từ cấp trên, trước thời điểm tiến công, huyện chuẩn bị mọi điều kiện giải phóng Tiên Phước trong thế vừa mừng vừa lo. Lo là vì nếu không đánh dứt điểm sớm, dây dưa không làm chủ được thì ta tổn thất. Thứ hai, nếu giải phóng mà không có biện pháp giữ dân, dân chạy hết xuống Tam Kỳ như chiến dịch năm 1972 thì cũng hỏng. Thứ ba, nếu giải phóng Tiên Phước mà chỉ một mình đơn độc, các nơi chưa rục rịch thì địch sẽ dồn lực lượng đánh phá. Nhưng rất phấn khởi vì tin từ trên chỉ đạo quyết tâm cao, sẽ thực hiện chiến dịch giải phóng trong toàn tỉnh đến các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Thường vụ Huyện ủy đã nhiều lần họp để chuẩn bị phương án giải phóng Tiên Phước. Trong đó có một điểm đặc biệt là tổ chức rút nhiều cán bộ các ban ngành của huyện và cán bộ du kích ở xã lên, hình thành những mũi công tác đến các xã vùng địch. Cùng với bộ đội chủ lực, khi nổ súng, các mũi công tác này sẽ tiến công vào vị trí đã được phân công gồm đánh ấp chiến lược, diệt các mâm tề, giữ dân, ổn định tình hình, giải phóng được là đưa dân về chỗ ở cũ. Công tác hậu cần cũng đã được chú trọng chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Từng đồng chí huyện ủy phải chịu trách nhiệm từng mũi công tác, riêng tôi là Bí thư Huyện ủy chịu trách nhiệm chung và có mối liên hệ mật thiết với các đơn vị bộ đội, các địa phương trong tỉnh. Tỉnh ủy cũng phân công đồng chí Vũ Huỳnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng với 5 đồng chí Tỉnh ủy viên làm Ban chỉ đạo chiến dịch giải phóng Tiên Phước. Trong vòng 10 ngày, tất cả cán bộ đều được tập trung học tập, quán triệt các chính sách, giữ quân. Chiều ngày 7.3 kiểm tra toàn bộ lực lượng, sáng ngày 8.3 quán triệt tinh thần lần nữa, cho các đơn vị tiếp cận vị trí tập kết, đến sáng sớm ngày 10.3 thực hiện lệnh nổ súng, các mũi, đơn vị tổng tiến công, giải phóng Tiên Phước thành công.

Sau giải phóng, đồng chí Dương Đình Tú được phân công đứng ra hiệu triệu nhân dân đồng lòng cùng Đảng bộ Tiên Phước giữ thành quả cách mạng đã đạt được. Đến ngày 20.3.1975, Tiên Phước ra mắt Ủy ban quân chính huyện trong sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân.

Ông Trần Văn Thiều - nguyên Chính trị viên Huyện đội Tiên Phước: “Quân ít, nhưng đánh là chắc thắng”

Vào thời điểm tháng 3.1975, Tiên Phước là chiến trường trọng điểm của địch, bởi nơi đây quyết định số phận tỉnh lỵ của chúng. Lực lượng địch trên này rất đông, gồm 6 tiểu đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn biệt động thường xuyên tổ chức đánh phá các vùng giải phóng; 12 trung đội thiết giáp; 14 trung đội dân vệ; 30 - 40 trung đội thanh niên chiến đấu; có 15 ấp chiến lược. Về phía ta chỉ có 3 đại đội bộ binh.

Khi nhận được lệnh tiến công giải phóng Tiên Phước, dù quân ta ít, địch đông, nhưng anh em rất phấn khởi. Huyện đội lập tức họp Ban chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ xây dựng quyết tâm, phương án tác chiến. Ta dùng 2 đại đội đánh vào vùng trung tâm của địch ở ấp Hữu Lâm, C45 phối hợp với bộ đội chủ lực đánh ấp ở Tiên Thọ. Về du kích, bố trí các mũi đều có lực lượng đánh vào trọng điểm đã giao sẵn. Ngày 10.3, từ 4 giờ sáng đã có lệnh nổ súng, và địch tháo chạy. Ta truy quét, bắt địch nhưng không đưa đi mà thực hiện phóng thích và theo dõi vì phóng thích có lợi, biết địch đi đến đâu để tìm ra địa điểm của chúng. Sau khi hoàn toàn làm chủ, chúng tôi quay về và cùng các mũi tập trung tại huyện lỵ, tiếp quản địa phương.

Ông Lương Đình Xu - nguyên Chính trị viên Đại đội 7 Huyện đội Tiên Phước: “Đánh với tinh thần quyết tâm cao”

Để chuẩn bị cho thời điểm giải phóng năm 1975, tất cả đơn vị đều tập trung. Như thanh niên, dân công, giao thông mở tất cả tuyến đường từ vùng giải phóng đến vùng địch, vận chuyển lương thực chuẩn bị cho lực lượng bộ đội vào. Lực lượng vũ trang thì chuẩn bị chiến trường. Đến sáng ngày 9.3, Ban chỉ huy Quân sự huyện lúc này đóng tại Tiên An với 2 đại đội C7 và C45, hạ đặt mệnh lệnh, giao nhiệm vụ, đồng thời động viên tinh thần anh em: Đây là trận đánh hết sức quan trọng, góp phần kết thúc chiến tranh. Tất cả đều quyết tâm đánh với tinh thần rất cao. Lúc này C7 có nhiệm vụ đánh thẳng vào ấp trung tâm Hữu Lâm (Tiên Kỳ), lập phòng tuyến tại Cây Gáo, không cho địch chạy xuống Tam Kỳ, đồng thời giữ dân ở lại. C45 đánh ấp thôn 1 Tiên Thọ, vòng qua thôn 4 Tiên Phong chốt giữ không cho địch chạy xuống Tam Kỳ theo đường này. Từ 4 giờ sáng quân chủ lực đã nổ súng, C7 theo lệnh đánh vào ấp Hữu Lâm, địch chống trả quyết liệt nhưng không thể chống cự nổi. Sau đó địch theo đường Tiên Phước - Tam Kỳ chạy xuống nhiều nhưng đội hình hỗn loạn, bị ta chặn ngay cầu Cây Gáo. Một số chạy theo hướng Phái Bắc (Tiên Kỳ) gặp quân chủ lực đón chặn nên cũng buông súng; một số chạy xuống Tiên Phong gặp ngay C45 chốt chặn, buộc phải đầu hàng.

Bà Ngô Thị Dư - người dân xã Tiên Kỳ: “Dân - quân đồng lòng”

Hồi đó gia đình tôi sống trong vùng địch, trước mặt cũng địch, sau lưng cũng địch, mà chồng tôi thoát ly đi bộ đội đã hy sinh, nên cứ hễ nghe nổ súng là mẹ góa con côi lại rúc xuống hầm hoặc chạy thôi. Năm 1975 cũng vậy, nghe súng nổ tôi dắt thằng con chạy lên phía Hữu Lâm, gặp bộ đội đưa về lại nhà. Nói thiệt, nghe tụi địch tuyên truyền, dân sợ bộ đội lắm, nhưng khi gặp rồi thấy bộ đội hiền khô, tươi cười với người dân, giúp dân đủ thứ hết. Vì thế mà người dân mới hiểu, rồi cùng với bộ đội mừng vui ngày giải phóng. Mẹ con tôi cũng thế, được bộ đội cho đồ ăn, thức uống, giúp ổn định cuộc sống sau giải phóng. Một số đồng chí cùng đi bộ đội với chồng tôi lúc về có ghé thăm hai mẹ con, động viên, giúp đỡ nhiều mặt. Đặc biệt là người dân bỏ nhà chạy, lúc đó chỉ chạy thôi chứ không nghĩ gì nhiều, bộ đội giúp dân giữ nhà, của cải, không lấy gì và cũng không phá gì của dân, nên người dân tin tưởng và sau này đồng lòng cùng bộ đội, cùng đảng, chính quyền xây dựng lại quê hương.

                                             Diễm Lệ - Báo Quảng Nam