Không mặn mà với chuyển đổi cây trồng
Cuối tuần rồi, lên huyện Tiên Phước tìm hiểu tình hình sản xuất vụ hè thu 2014, Tư tôi tình cờ gặp anh Ba Tiên Phong dắt cặp bò lai lội trên mấy đám ruộng chưa cày phơi ải. Anh cho biết, nhà có hơn 2 sào đất lúa. Do hệ thống đập dâng và kênh mương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên hàng chục năm nay việc sản xuất hết sức khó khăn.
Vụ đông xuân nhờ trời thường có mưa, cây lúa phát triển tương đối tốt, anh thu được chừng 500kg thóc khô từ ngần ấy diện tích. Còn hè thu, vì nắng nóng quá khốc liệt, không biết tìm đâu ra nguồn nước để đổ ải gieo sạ nên vụ nào anh cũng bỏ ruộng hoang. Hỏi sao không chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt để thêm thu nhập thì anh lắc đầu: “Chu choa, chuyển với đổi chi cho mệt, hè thu năm trước tui cũng đã thử làm rồi mà có mang lại hiệu quả đâu”.
Anh Ba Tiên Phong kể, bỏ ruộng hoang miết thấy cũng xót lòng nên đầu vụ hè thu 2013 vợ chồng anh phát dọn cỏ dại và cải tạo hơn 2 sào đất lúa ấy rồi mua giống đậu phụng L14 có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt về gieo tỉa. Thời kỳ cây con, đậu sinh trưởng khỏe, nhưng bước vào giai đoạn ra hoa rộ thì nắng nóng hoành hành trên diện rộng khiến cây đậu chết héo hàng loạt.
Những thửa ruộng xanh ngát ở xã Tiên Thọ
Anh Ba nói: “Vụ đó, không kể công chăm sóc, tui mất đứt 1,5 triệu đồng tiền mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả tiền cày đất. Đã nghèo lại còn đeo thêm cái khổ. Bởi vậy, chừ nghe ai khuyên chuyển đất lúa sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày là tui sợ lắm”. Đem chuyện của anh Ba Tiên Phong kể với chị Tám Tiên Thọ, Tư tôi nghe chị thở dài: “Thôi chú ơi, ở vùng ni cũng có hơn chi đâu. Hè thu năm ngoái, tui gieo mè trên 4 sào đất lúa. Do khô hạn quá nghiêm trọng nên chỉ thu về 55kg mè khô, bán được 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bỏ ra đã hơn 1,5 triệu đồng. Gần 4 tháng ròng cần mẫn chăm chút, kết quả cuối cùng là âm vốn đầu tư, hỏi sao không chán. Vụ ni tui quyết định bỏ ruộng hoang chứ chuyển đổi cây trồng mà thua lỗ thì chuyển làm gì”.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, toàn huyện Tiên Phước có tổng cộng 2.400ha đất lúa. Thế nhưng, vụ hè thu 2014 này chỉ đưa vào sản xuất 1.800ha, còn lại 600ha phải bỏ hoang vì không có công trình thủy lợi. Được biết, để giúp nhà nông có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, UBND huyện đã tính đến chuyện xuất nguồn ngân sách mua những loại giống cây trồng cạn hỗ trợ nông dân gieo tỉa trên những chân đất lúa không chủ động nước tưới. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải tính toán thật kỹ và xây dựng phương án một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng nhằm mang lại hiệu quả thiết thực chứ nếu làm ào ạt thì khó thành công…