www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khá lên nhờ cây tiêu

Nhiều năm qua, người dân xã Tiên Hiệp (Tiên Phước) chú trọng phát triển cây tiêu bản địa, xây dựng được nhiều vườn tiêu quy mô lớn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Vườn tiêu nhà ông Nguyễn Đình Lăng (thôn 3) là một minh chứng.

  

 

Mô hình trồng tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Lăng (thôn 3), Tiên Hiệp. Ảnh: H.H
Mô hình trồng tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Lăng (thôn 3), Tiên Hiệp. Ảnh: H.H 

 

 Theo chân cán bộ nông thôn mới (NTM) Đoàn Thị Mỹ Trinh, chúng tôi đến thăm vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Lăng và được chiêm ngưỡng vườn tiêu xanh tốt, đẹp mắt đang vào vụ thu hoạch. Gần 300 choái tiêu được trồng ngay hàng thẳng lối trong khu vườn bậc thang, chất bờ đá vững chãi chống rửa trôi đất. 

Ông Lăng cho biết, đất ở đây trồng tiêu khá thích hợp, tuy nhiên để cây tiêu phát triển tốt cần chịu khó chăm sóc, bón phân hợp lý và đảm bảo nguồn nước tưới. Gia đình ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy từ núi về và xây dựng bể chứa đủ cung cấp nguồn nước cho cả khu vườn. Nhờ được đầu tư chăm sóc chu đáo, vườn tiêu nhà ông Lăng phát triển xanh tốt, dây tiêu leo cao, xây rộng, cho năng suất cao. 

Đặc biệt trong khu vườn ông đang sở hữu 4 choái tiêu có tuổi đời gần 45 năm tuổi, dây tiêu to hơn bắp tay người lớn, tán xây rộng, bò cao hơn 10m, mỗi năm các gốc tiêu kỳ cựu này cho từ 8 - 10kg tiêu khô/gốc. Bình quân mỗi năm ông thu hoạch khoảng 170 - 180kg tiêu khô Tiên Phước, thu về gần 100 triệu đồng.

Ngoài việc bán tiêu hạt khô, nhiều năm nay ông Lăng còn cung cấp tiêu giống thuần chủng cho người trồng tiêu ở Tiên Phước và các huyện lân cận, góp phần bảo tồn, phát triển giống tiêu bản địa, tăng thêm nguồn thu nhập. 

Ông Nguyễn Đình Lăng chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu trồng tiêu từ những năm 1980, nhưng lúc đó trồng nhỏ lẻ, chủ yếu là dùng làm gia vị trong gia đình. Sau thấy tiêu hạt khô có giá, vợ chồng tôi bắt tay vào cải tạo vườn tạp đầu tư trồng tiêu với quy mô lớn hơn. Cây tiêu khá kén đất, có giai đoạn người ta tưởng giống tiêu Tiên Phước bị tuyệt chủng, bởi trồng xuống được thời gian là dây rục chết. Nhờ kiên trì tìm cách chăm sóc, mày mò kỹ thuật tìm cách chữa trị nên vườn tiêu lại khỏe mạnh và xanh tốt. Cây tiêu có tuổi thọ rất lớn, không dưới 40 năm, nếu biết trồng trọt, chăm sóc đúng cách, nhất là phòng trừ dịch bệnh. Cây tiêu nếu được chăm sóc tốt thì trong khoảng 4 năm bắt đầu cho thu hoạch”.

Cùng với trồng tiêu, gia đình ông Lăng còn đầu tư trồng quế, lòn bon và thanh trà - một loại cây đặc sản của Tiên Hiệp, các loại cây này cũng phát triển tốt và một số cây đã cho quả. Bình quân thu nhập từ các loại cây này khoảng hơn 20 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. 

Khu đất thấp, cuối khu vườn ông Lăng chọn làm ao cá, vừa phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện bữa ăn gia đình, vừa tạo cảnh quan đẹp cho khu vườn. Mô hình trồng tiêu của ông Lăng được lãnh đạo xã Tiên Hiệp đánh giá cao. Để giúp gia đình ông Lăng tiếp tục phát triển, nhân rộng giống tiêu bản địa, vừa qua địa phương cũng đã hỗ trợ 10 triệu đồng. 

 Chị Đoàn Thị Mỹ Trinh, cán bộ phụ trách NTM xã Tiên Hiệp nói: “Trong những năm qua gia đình ông Lăng cũng như những hộ nông dân trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng thực hiện Đề án 03 của UBND huyện về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, giai đoạn 2017 - 2025”, qua đó góp phần làm xanh lại những vườn tiêu Tiên Hiệp. Đây là những tín hiệu vui cho người trồng tiêu Tiên Phước nói chung, Tiên Hiệp nói riêng khôi phục và phát triển giống tiêu bản địa vốn nổi tiếng cả nước, đưa kinh tế của nhiều gia đình nói riêng cũng như của toàn xã nói chung ngày càng phát triển.

N.Hưng - P.Hoàng, Báo Quảng Nam