www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khởi nghiệp với cây chè xanh Tiên Phước

Nhìn cây chè xanh bản địa đang dần bị phá bỏ, đôi vợ chồng trẻ Hoàng Bảo Thạch và Nguyễn Thị Ngọc Lan (xã Tiên Châu, Tiên Phước) đã quyết tâm khôi phục và nâng cao giá trị cho loại sản phẩm có lợi cho sức khoẻ con người.

 

Vợ chồng anh Thạch, chị Lan chọn về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Ảnh:L.V
Vợ chồng anh Thạch, chị Lan chọn về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Ảnh:L.V

Về quê khởi nghiệp

Sau nhiều năm có công việc ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị Lan quyết rời thành phố về quê và gầy dựng sự nghiệp tại xã Tiên Châu.

Trên diện tích gần 2ha của gia đình, vợ chồng chị trồng các loại cây ăn quả như lòn bon, gần 300 cây măng cụt, 300 cây sầu riêng, 500 cây cam và chăn nuôi heo lấy thịt. Dù mới khởi nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng nhìn cây cối phát triển, anh chị có thêm động lực với quyết tâm của mình. 

Chị Lan đang hái lá chè trong vườn để chế biến sản phẩm chè xanh Tiên Phước. Ảnh: L.V
Chị Lan đang hái lá chè trong vườn để chế biến sản phẩm chè xanh Tiên Phước. Ảnh: L.V

Chị Lan kể, có một lần du lịch ở Thái Nguyên, nhìn thấy những đồi chè xanh, đẹp và mang lại giá trị kinh tế cao, chị nghĩ đến những cây chè ở quê, dù chè xanh Tiên Phước có từ lâu đời nhưng đang dần bị phá bỏ vì không mang lại giá trị kinh tế.

“Lúc đấy, tôi nảy sinh ý tưởng là phải khai thác giá trị từ cây chè Tiên Phước. Về quê, hai vợ chồng tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp chế biến sâu sản phẩm này” - chị Lan nhớ lại.

Cây chè sẻ Tiên Phước được trồng từ lâu và đã có tiếng với hương vị đậm đà, đặc trưng và là thức uống thông dụng trong mỗi gia đình. Ngày trước, vườn nhà ai cũng trồng chè, ít thì vài cây, còn nhiều thì cả vườn rộng. Thường thì chỉ ra hái một nắm lá chè, rửa sạch, vò nát rồi cho vào ấm hãm, chờ nước chè xanh ngả sang màu vàng nhạt là dùng được. Ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng sẵn ấm chè xanh nóng để uống và tiếp khách. 

“Tuy nhiên, giờ đây chè xanh không còn được ưa chuộng nhiều nữa mà thay bằng các loại trà, chè khác. Nhiều gia đình đã chặt bỏ và trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nên chúng tôi tìm cách giữ lại vườn chè và tạo ra sản phẩm có giá trị hơn” - chị Lan nói.

Tham gia các lớp tập huấn từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, vợ chồng chị Lan được hướng dẫn các kỹ thuật liên quan để chế biến chè. “Để giữ được nước chè màu xanh trong, hơi ngả vàng và vị chát đặc trưng, vị ngọt hậu ở cuống họng, chúng tôi chọn phương pháp sấy lạnh. Đây cũng là cách bảo quản chè xanh được lâu hơn rất nhiều so với cách phơi khô, rang, sấy mà nhiều người đã làm” - chị Lan cho biết. 

Ban đầu, sản phẩm làm ra được giới thiệu đến người quen và được đón nhận, số lượng sản phẩm bán ra nhiều hơn. Đây cũng là động lực để vợ chồng chị Lan quyết tâm khởi nghiệp với mô hình chè xanh sấy lạnh và thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tấn Phát vào năm 2022. 

Sản phẩm chè xanh Tiên Phước đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: L.V
Sản phẩm chè xanh Tiên Phước đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: L.V

Gắn sao OCOP

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè xanh Tiên Phước, vợ chồng chị Lan đầu tư nhà xưởng, mua sắm các loại máy móc (máy rửa ozone, máy sấy, máy đóng gói…) để chế biến chè. 

Nguyên liệu là lá chè tươi không quá già cũng không quá non. Sau khi được thu hái về phải nhanh chóng sơ chế, nhặt bỏ các lá không đạt chất lượng. Lá chè được rửa bằng máy rửa ozone để loại bỏ các loại côn trùng, tạp chất còn bám dính. Sau đó cho vào máy sấy lạnh nhiều giờ đồng hồ. Khi đạt đến độ khô nhất định, sẽ được đưa đi đóng gói với túi giấy, thân thiện môi trường. 

“Ở nhiệt độ thấp, thời gian sấy rất lâu, nhưng sẽ giữ được màu sắc, chất dinh dưỡng và hương vị đặc trưng của lá chè tươi, khi pha cũng sẽ không bị đổi màu như sấy nhiệt” - chị Lan cho biết. 

Lá chè xanh được thu mua từ người dân địa phương và sơ chế cẩn kỹ trước khi sấy. Ảnh: L.V
Lá chè xanh được thu mua từ người dân địa phương và sơ chế kỹ trước khi sấy. Ảnh: L.V

Chè xanh hiện được chị Lan thu mua từ người dân quanh vùng với giá cao hơn một ít so với giá bán lẻ ngoài chợ. "Chúng tôi muốn động viên bà con nông dân giữ lại những vườn chè nhiều năm tuổi của gia đình. Những cây chè này sẽ cho chất lượng tốt hơn, còn việc trồng mới thì cũng phải mất vài năm mới cho thu hoạch được” - chị Lan nói. 

Hiện HTX Tấn Phát đang liên kết với 10 hộ dân tại địa phương để thu mua nguyên liệu. Trong vườn, chị cũng trồng hàng trăm gốc chè mới để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian tới. 

Chè xanh được sấy lạnh nên giữ được màu sắc, hương vị đặc trưng. Ảnh:L.V
Chè xanh được sấy lạnh nên giữ được màu sắc, hương vị đặc trưng. Ảnh:L.V

Đầu năm 2023, vợ chồng chị Lan đăng ký sản phẩm chè xanh Tiên Phước tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và được công nhận đạt 3 sao OCOP. Đây là sự ghi nhận lớn và cũng mở ra nhiều cơ hội để chè xanh Tiên Phước vươn xa trên thị trường. Và HTX Tấn Phát cung đang nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước. 

Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết, mô hình khởi nghiệp của HTX Tấn Phát rất triển vọng, với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, khai thác được tiềm năng của địa phương, nhất là nâng cao giá trị cây chè với các sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

“Địa phương dành nhiều nguồn lực quan tâm hỗ trợ, tạo động lực để HTX phát triển. Kỳ vọng HTX sẽ bứt phá hơn nữa trong phát triển các sản phẩm từ cây chè, tạo liên kết với bà con nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu và sản phẩm chè xanh Tiên Phước sẽ có được vị trí trên thị trường” - ông Cường chia sẻ.

Mỹ Linh - Phan Vinh, Báo Quảng Nam