Khẩn trương di dời dân khỏi vùng sạt lở núi Ðầu Voi - Tiên An - Tiên Phước
Những tháng gần đây, trên đỉnh hòn Gành, thuộc dãy núi Ðầu Voi ở xã Tiên An (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết rạn nứt mới và có nguy cơ sạt lở cao đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản của người dân sống dưới chân núi...
Chủ tịch UBND xã Tiên An Phạm Nhất Hải cho biết, chuyện sạt lở tại khu vực núi Ðầu Voi đã xuất hiện từ năm 2004. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở núi ở đây xảy ra liên tục và không chỉ xuất hiện trong mùa mưa mà ngay cả mùa khô. Có chỗ vết rạn nứt kéo dài đến 200 m và có chiều rộng đến hơn nửa m... khiến cho người dân sống dưới chân núi hoang mang, lo lắng. Hầu hết các hộ đều có nguyện vọng muốn được Nhà nước tổ chức di dời đi nơi khác để sớm ổn định cuộc sống.
Làm việc với các đồng chí lãnh đạo huyện Tiên Phước và các cơ quan chức năng của tỉnh, chúng tôi được biết, trước tình trạng sạt lở tại dãy núi Ðầu Voi, vào đầu năm 2007, UBND tỉnh đã giao cho
Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương xúc tiến xây dựng khu tái định cư tại xã Tiên An để di dời 71 hộ dân ra khỏi khu sạt lở, nhưng gần năm năm qua, chính quyền địa phương mới tổ chức di dời được 50 hộ đến khu ở mới, còn 21 hộ chưa thực hiện di dời được, vì khu vực bố trí làm nhà cho các hộ này nằm ở phía ta-ly âm, nền đất chưa ổn định.
Theo thống kê mới đây, tại khu vực dưới chân núi Ðầu Voi hiện còn 170 hộ dân, với hơn 730 khẩu đang sinh sống; trong đó, có 60 hộ (với 264 khẩu) nằm gần nơi có nguy cơ sạt lở cao. Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh cho biết, huyện Tiên Phước đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm đầu tư vốn, tiếp tục xây dựng khu tái định cư ở xã Tiên An để tổ chức di dời ngay 60 hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở và cho phép huyện làm chủ đầu tư để chủ động lồng ghép các nguồn lực trong việc triển khai dự án. Ðề nghị này của địa phương đã được tỉnh đồng ý. Ðể việc này đạt kết quả cao, UBND tỉnh yêu cầu huyện Tiên Phước phải xúc tiến xây dựng khu tái định cư, nhanh chóng triển khai san ủi mặt bằng, bố trí đất làm nhà, làm đường giao thông, nước sinh hoạt và bảo đảm các điều kiện cần thiết để bảo đảm cuộc sống người dân tái định cư. Trong khi chờ Trung ương bổ sung nguồn vốn, tỉnh sẽ tạm ứng vốn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, đồng thời hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ khi di dời nhà đến nơi ở mới.
Vậy là chủ trương đã có, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và đã cho cơ chế về nguồn vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ đối với các hộ trong diện di dời. Vấn đề còn lại là cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng ở địa phương và ý thức chấp hành của người dân trong khu vực. Nhất là sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng ở Trung ương. Hy vọng rằng, sẽ có ít nhất 60 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao được tổ chức di dời ra khỏi khu vực núi Ðầu Voi, trước khi mùa mưa bão đến.
Tấn Nguyên- Nhan Dan Online