Khấm khá nhờ trồng chuối cấy mô
Trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 500 - 700 nghìn đồng từ việc bán chuối mốc, chuối lùn cấy mô, kinh tế gia đình ông Phạm Hồng Sơn (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, Tiên Phước) khấm khá hẳn lên. Đây là mô hình mới tại địa phương.
Ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ, trước đây khu vườn rộng hơn 1ha, ông chủ yếu trồng quế và các loại cây hoa màu. Khi cây quế mất giá, ông chuyển sang ươm trồng cây giống bán ra thị trường, trong đó chú trọng trồng keo lai. Ba năm trở lại đây, qua xem ti vi, đọc báo thấy có người trồng chuối mốc, chuối lùn cấy mô cho hiệu quả kinh tế cao nên ông bàn với vợ chuyển sang trồng hai loại cây này.
Để có được nguồn cây giống tốt, ông Sơn lên mạng mày mò đặt mua khoảng hơn 200 cây giống từ Học viện Nông nghiệp Hà Nội, với giá mỗi cây 20 nghìn đồng mang về trồng theo quy cách cây cách cây, hàng cách hàng 3,5m.
Theo ông Sơn, chuối từ khi trồng xuống chăm sóc khoảng 13 - 14 tháng là cho thu hoạch, việc trồng chăm sóc chuối không khó, cái khó là lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên việc canh cho buồng chuối già đúng dịp tết để bán giá cao hơn ngày thường không được chính xác. Cây chuối trồng khoảng 10 tháng bắt đầu trổ buồng và 4 tháng sau khi trổ có thể thu hoạch.
Nhờ có phương tiện máy móc cộng với sự cần cù, không ngại khó, vườn chuối rộng hơn 1ha của gia đình lên xanh tốt. Gần như 100% cây mẹ đều cho buồng. Trung bình mỗi buồng chuối cho từ 12 - 14 nải, giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/ buồng. Trung bình mỗi ngày gia đình thu 500 - 700 nghìn đồng từ tiền bán chuối. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua gia đình ông Sơn thu về gần 70 triệu đồng từ việc bán chuối.
Ngoài bán chuối buồng, ông Sơn còn bán chuối giống con cho bà con nông dân ở các xã lân cận, trong dịp Tết Nguyên đán đến nay ông đã bán khoảng 1.000 cây chuối con (2 tháng tuổi), giá mỗi cây 10 nghìn đồng.
“Tôi thấy chuối cấy mô rất dễ chăm sóc lại cho lợi nhuận cao so với giống chuối thường. Cây chuối sau khi trồng xen kẽ luân phiên có thể cho khai thác đến 3 vụ trong năm. Khu vườn tôi bố trí hệ thống nước tưới tự động nên giảm công lao động, tiết kiệm chi phí và nhờ cây chuối “chịu” nên mau lớn, dễ trồng. Trung bình mỗi năm gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng từ bán chuối” - ông Sơn nói.
Tuy chuối cấy mô cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng theo ông Sơn trồng chuối không phải giải pháp lâu dài, bởi trên một diện tích đất nếu trồng mãi một loại cây thì dễ phát sinh bệnh tật, hiệu quả kinh tế không cao, nên song song với trồng chuối ông cũng trồng xen kẽ khoảng 200 choái tiêu Tiên Phước, 200 cây bưởi da xanh, 100 cây cam giấy, 50 cây bơ, 60 cây mít Thái…
Hiện các loại cây trồng được hơn 2 năm tuổi đang lên xanh tốt. Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hà cho biết, đây là vườn chuối cấy mô có số lượng khá lớn và hiệu quả nhất trên địa bàn xã. Ngoài việc tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật giúp ông Sơn tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình, Hội Nông dân xã cũng tổ chức cho hội viên đến tham quan học tập, bởi nhận định vùng đất này phù hợp với chuối cấy mô. Chuối cấy mô không chỉ dễ trồng mà đầu ra sản phẩm cũng khá ổn định.
“Ông Sơn là một trong những hộ nông dân đi tiên phong, mạnh dạn cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn thu nhập nhập này đã góp phần cải thiện kinh tế gia đình và tạo thêm nguồn vốn để ông Sơn tiếp tục đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả” - ông Phong cho biết.
Lê Hằng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam