Kỹ sư điện tử về quê làm trang trại
Anh Lê Văn Ân ở thôn 8, xã Tiên Thọ (Tiên Phước đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm để làm giàu cho gia đình ngay trên mảnh đất quê hương.
Là thanh niên trẻ năng động, sáng tạo, dù tốt nghiệp nghề điện tử nhưng anh Lê Văn Ân chọn về quê mở trại chăn nuôi trên khu đất gần 4ha của gia đình. Trước khi chăn nuôi, anh đã tham quan học hỏi các trang trại chăn nuôi lớn trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tìm tới các công ty chăn nuôi để được tư vấn, hướng dẫn việc bố trí xây dựng chuồng trại, chọn con giống phù hợp, quy trình kỹ thuật chăn nuôi…
Ở tuổi 31, anh Ân đã có cơ ngơi gồm 1 trại heo thịt với quy mô 200 con/lứa, 1 trại heo nái quy mô 30 con, 2 khu trại gà thả vườn quy mô 2.000 con và kết hợp trồng cây ăn quả, trồng keo bao phủ diện tích 3ha.
Để đa dạng sản phẩm, anh chọn giống gà ta địa phương, nuôi theo hình thức thả vườn, nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như bắp, cám với thời gian từ 4 đến 5 tháng. Ngoài ra anh còn nuôi thêm dê, thả cá và trồng cây ăn quả xung quanh khu vực chăn nuôi.
Anh Lê Văn Ân chia sẻ: “Khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm nhiều nơi nhưng không ổn định. Nhận thấy đất đai của gia đình có gần 3ha vườn, rừng do vậy tôi quyết định trở về quê hương gầy dựng mô hình trang trại và trồng cây ăn quả. Thời gian đầu tuy vất vả, khó khăn nhưng đến nay trang trại chăn nuôi dần ổn định và mang lại lợi nhuận cao. Chính vì thế tôi mong các bạn trẻ cứ mạnh dạn đầu tư ở quê hương mình bởi đất không phụ sức lực và quyết tâm của mình”.
Để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm từ trang trại, anh Ân cùng chị gái mở quầy bán thực phẩm quê tại TP.Đà Nẵng. Đầu năm 2019, anh Ân xây dựng dự án liên kết sản xuất chăn nuôi heo thịt theo chuỗi giá trị và được UBND xã Tiên Thọ phê duyệt từ nguồn kinh phí phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thông qua dự án, anh Ân đã liên kết và thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi do anh và 4 hộ chăn nuôi khác cùng thực hiện. Trong đó, anh Ân là Tổ trưởng chịu trách nhiệm hướng dẫn và cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho 4 hộ còn lại. Không dừng lại ở đó, anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô và liên kết với 25 hộ chăn nuôi khác để có được số lượng thịt ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Ông Phạm Bá Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết: “Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương lồng ghép nhiều nguồn lực cùng hỗ trợ nhân dân từ chỉnh trang vườn nhà, hỗ trợ kinh tế trang trại, gia trại. Đặc biệt mô hình của anh Lê Văn Ân là mô hình điểm, được địa phương quan tâm hỗ trợ nhiều mặt. Qua đó, làm cơ sở để liên kết với nông dân trong xã sản xuất và đảm bảo đầu ra ổn định. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập không chỉ cho anh Ân mà còn cho nhiều nông dân tại địa phương”.
Để mở rộng thị trường, anh Lê Văn Ân còn cung ứng thịt cho các quầy thịt tại huyện Tiên Phước, Phú Ninh và Bắc Trà My. Với hệ thống bán hàng như vậy, mỗi tháng bình quân trang trại của anh Ân cung ứng cho thị trường hơn 10 tấn thịt heo, 900kg gà thịt. Bình quân mỗi năm, lợi nhuận mang lại gần 400 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi tổng hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Ân, mà còn giúp đỡ nhiều người dân tại xã Tiên Thọ cùng phát triển. Với nỗ lực và quyết tâm vươn lên trên vùng đất khó, anh Lê Văn Ân chính là tấm gương để nhiều thanh niên học tập.
Duy Bình - Báo Quảng Nam