www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huỳnh Thúc Kháng sử gia của Phong trào Duy Tân

Trong cuốn Phong trào Duy Tân, nhà văn Nguyễn Văn Xuân gọi Huỳnh Thúc Kháng là sử gia của Phong trào. Đó là một nhận định xác đáng. Thật vậy, Mính Viên có bốn ưu thế khi viết về giai đoạn đấu tranh cách mạng của dân tộc vào các thập niên đầu thế kỷ 20.

 Thứ nhất, ông là một trong những nhà cách mạng hoạt động tích cực nhất thời kỳ Duy tân. Ông còn là bạn, đồng chí của các lãnh tụ đương thời thuộc cả hai xu hướng dân tộc và dân chủ: Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Châu Thượng Văn, Phan Châu Trinh. Hai xu hướng mà theo ông là “tương phản nhi tương thành”. Chẳng những thế, trong 13 năm ở “trường học thiên nhiên” Côn Đảo (1908-1921) ông đã có dịp sống chung, luận bàn, xướng họa thơ văn với hầu hết các bạn tù, chí sĩ cả nước, như Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Lê Huân, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyên, Tiểu La, Phan Châu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Võ Hoành…

Do đó, ông có đầy đủ thẩm quyền để cung cấp cho chúng ta những thông tin chuẩn xác.

Thứ hai, ông luôn có ý thức của một nhà viết sử: ông muốn ghi lại “những tài liệu chân xác cho nhà làm sử” về sau như ông đã bày tỏ trong Bài tựa sau của tác phẩm Thi tù tùng thoại.

Dưới ngòi bút của ông, các sự kiện lịch sử, khung cảnh lịch sử… được ghi chép cẩn thận và đầy đủ. Ông tái hiện chân dung những nhân vật cùng thời một cách sống động và chân thực với đầy đủ hành trạng, cá tính, nhân cách, tư tưởng và cả thơ văn!

Trong hoàn cảnh câu thúc, mất tự do, nhưng với ý thức của người làm sử, ông tự nhận có trách nhiệm ghi chép lại cho hậu thế những biến cố, những nhân vật… mà ông đã tham dự, đã chứng kiến. Trong nhà ngục Côn Đảo, ông viết Mậu Thân dân biến ký để thuật lại Phong trào Chống thuế Trung Kỳ (1908). Cuốn này không được mang về đất liền nên sau đó ông lại viếtTrung Kỳ cự sưu ký rồi tự dịch ra quốc ngữ. Ông viết ngay Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử khi Phan Châu Trinh vừa mới qua đời (1926). Ông viết Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện để khắc trên bia mộ khi hài cốt của Thai Xuyên được chuyển từ Khánh Hòa về an táng ở Quảng Nam. Ông ghi vắn tắt Huỳnh Thúc Kháng niên phổ…

Tất cả là những trang sử cận đại quý giá, đôi khi chứa đựng những tư liệu, những thông tin duy nhất về một sự kiện lịch sử, về một nhân vật mà chúng ta cần biết, cần hiểu rõ.

Thứ ba,với một trí nhớ tuyệt vời, một kiến thức quảng bác và sở trường thơ văn, Mính Viên đã ghi lại gần như toàn bộ thơ văn của các bạn tù trong mười ba năm ở Côn Đảo. Không chỉ ghi lại, Huỳnh Thúc Kháng còn dịch toàn bộ thơ văn ra quốc ngữ. Đây là một công trình tâm huyết và công phu. Nếu không có Thi tù tùng thoại thì thơ văn yêu nước của dân tộc đầu thế kỷ 20 thiệt mất biết bao nhiêu.

Thi tù tùng thoại chẳng những là một hợp tuyển thơ văn cách mạng mà còn là một cuốn lịch sử Côn Đảo, một cuốn lịch sử cách mạng…

Điểm cuối cùng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là cách viết của ông. Mang án chung thân đày ra “hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng”(chữ của Dương Thạc) mà ông dám viết Mậu Thân dân biến ký ngay trong “banh” (bagne-trại giam). Ông viết mộ chí của Trần Quý Cáp với đầy đủ tư tưởng, hoạt động, nhân cách… để dựng công khai dưới thời thực dân Pháp thống trị. Ông viết lịch sử cách mạng với tên tuổi đầy đủ các chí sĩ cùng thời cùng thơ văn để đăng từng kỳ trên báo Tiếng Dân dưới chế độ kiểm duyệt khắc nghiệt của Sở Mật thám Trung Kỳ (Thi tù tùng thoại)…

Với ngòi bút tự sự trầm nghị mà hàm súc, ngắn gọn mà phong phú thông tin, ông đã khéo léo chuyển tải đến chúng ta những gì ông muốn viết, muốn ghi lại một cách chân thực để làm “món tài liệu chân xác cho nhà làm sử” mà chính quyền thực dân không thể dựa vào những gì ông viết để kết án.

Không lưu ý đến hoàn cảnh câu thúc của ông khi cầm bút, không biết đến dụng tâm công phu…

Muốn viết sử của ông, không nhận ra lối thông tin gián tiếp khéo léo tài tình của ông thì chúng ta không thể tiếp nhận những điều mà ông muốn chuyển tải đến chúng ta và tất nhiên chúng ta sẽ hiểu một cách sai lạc.

Thi tù tùng thoại là một ví dụ. Đọc kỹ tác phẩm này, chúng ta sẽ phân vân tự hỏi: Thi tù tùng thoại hay Thoại tù tùng thi? Gọi Thi tù tùng thoại là một cuốn sử tù thì đúng mà chưa đủ. Bởi vì có những sự kiện, những nhân vật được đề cập đến, đôi khi rất kỹ, trong Thi tù tùng thoại mà chẳng hề có vinh dự xảy ra hay góp mặt ở Thi đàn Côn Đảo. Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Đặng Thái Thân, Châu Thượng Văn… có ở tù Côn Đảo bao giờ! Cái khéo cái dụng công, cái tài tình trong cách viết chính là ở chỗ đó.

2. Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện là một ví dụ về cách viết khéo léo của Huỳnh Thúc Kháng.

Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến chủ tâm của Huỳnh Thúc Kháng, khi đặt bút viết bia cho Trần Quý Cáp là phải viết được những điều mà ngoài Huỳnh Thúc Kháng ra ít người được biết.

Chúng ta đều biết Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế… ngoài những hoạt động công khai còn có những hoạt động bí mật. Quan hệ giữa Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành với Trần Quý Cáp được Huỳnh Thúc Kháng khéo léo đề cập.

1. Trần Quý Cáp và Phan Bội Châu là tri kỷ, là đồng chí hướng.

Huỳnh Thúc Kháng ghi nhận điều này qua hai câu thơ-trích trong bài thơ Phan Bội Châu tặng Trần Quý Cáp:

Túy tinh ngã bối song cuồng nhãn,

Đắc táng nhân gian nhất cuộc kỳ.

(Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt,

Cờ thế hơn thua một cuộc xoay.)

Trước khi xuất dương, Phan Bội Châu đến từ biệt Trần Quý Cáp. Trao đổi gì, dặn dò gì? Làm sao viết ra được! “Duy có Phật thấu lòng Phật, chỗ ẩn tâm người ngoài không làm gì rõ thấu.”

Nếu ai còn ngờ rằng Huỳnh Thúc Kháng muốn nói với hậu thế một điều rất quan trọng: Trần Quý Cáp chính là một thành viên trọng yếu của Duy Tân hội, thì hãy đọc thêm một đoạn sau trong mộ chí.

“Cụ Tiểu La Nguyễn Thành, một cựu đảng Cần Vương có tiếng, bạn thiết thân của hai cụ Phan, sanh bình tiềm tâm thực học, ôm ấp thao lược, trước mắt không người, sau ngày gặp tiên sinh có nói với cụ Sào Nam “Được một người tốt có đảm thức, hỏi ai? Chỉ có Thai Xuyên” Cùng cộng sự trong mấy năm, lại nói với cụ Tây Hồ: “Nếu được một đôi người như Thai Xuyên, có việc gì chả làm xong!” Xem thế đủ rõ tâm sự Tiên sinh thế nào.

Những điều Huỳnh Thúc Kháng “thuật lại” vào năm 1938 (năm dựng bia) là lúc Tiểu La Nguyễn Thành đã hi sinh ngoài Côn Đảo 27 năm! Nguyễn Thành và Sào Nam là hai nhân vật sáng lập Duy Tân hội! Tiểu La mách với Phan Bội Châu “được một trang hảo hán có đảm thức?” Hỏi ai? Chính là Trần Quý Cáp. Ai được? Chính là Duy Tân hội.

Trần Quý Cáp cộng tác với Tiểu La trong “mấy năm” và chứng tỏ là một thành viên vô cùng đắc lực. Trần Quý Cáp sau khi đậu tiến sĩ (1904) cho đến lúc bị án chém (1908) chỉ hoạt động chưa đầy 4 năm. Cho nên thay vì viết “xem thế đủ rõ thân thế Tiên sinh thế nào”, Huỳnh Thúc Kháng viết: “xem thế đủ rõ tâm sự tiên sinh thế nào.”

Đọc qua mộ chí, hẳn ai cũng dễ biết Trần Quý Cáp là một học trò thông minh, ham đọc sách, suy nghĩ rất sâu, một người bạn chí tình, một người con chí hiếu, một người thầy dạy người không biết mỏi và một nhà cách mạng nhiệt quyết, cổ xúy tân học, hô hào dân quyền.

Tiếc thay, điều quan trọng nhất trong mộ chí chính là vai trò của Trần Quý Cáp trong Duy Tân hội thì ít ai hiểu rõ.

Cách viết gián tiếp của Huỳnh Thúc Kháng là một chỉ dẫn vô cùng quý giá cho những ai tìm hiểu lịch sử, nghiên cứu lịch sử qua những văn bản được viết công khai dưới thời kỳ Tổ quốc chưa giành được độc lập.

                                                             Trần Viết Ngạc - Suối Nguồn