Hoàn cảnh éo le của gia đình “đầu bảng” hộ nghèo
Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ông cứ nhắc đi nhắc lại: “Hắn buồn là kinh mấy chú ơi…”. Rồi mỗi lần như thế, ông đưa chút sức lực còn lại từ cánh tay phải lên gạt nước mắt… Hình như với ông, nỗi buồn và nước mắt đã đồng hành từ rất lâu, là từ khi những đứa con không lành lặn của ông sinh ra trong cuộc đời.
Ngôi nhà của ông Trần Luyện nằm trên một ngọn đồi nhỏ, dưới chân đỉnh Đá Trắng thuộc tổ 3, thôn Trung An, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Gọi là ngôi nhà chứ thật ra bên trong chẳng có thứ gì giá trị. Thấy người lạ vào nhà, ông nghiêng người sang một bên cố với lấy cây gậy để ngồi dậy. Ông hơi ngạc nhiên vì hình như đã lâu lắm rồi ngôi nhà tồi tàn này mới có khách vào thăm.
Ông Luyện (SN 1967) vào bộ đội tháng 2/1986, thuộc C9-D3-E8 mặt trận 579. Năm 1989, ông xuất ngũ về quê rồi cưới vợ. Đôi vợ chồng trẻ ngày ấy cùng nhau lập nghiệp trên vùng núi hẻo lánh huyện Tiên Phước này.
Nào ngờ, vợ chồng ông sinh được 2 đứa con thì cả 2 đều bị di chứng của chất độc da cam. Đứa đầu tên là Thạch, năm nay 23 tuổi. Thạch bị nhiễm chất độc da cam và thiểu năng trí tuệ ngay từ nhỏ. Đứa thứ 2 tên là Chung năm nay 10 tuổi, cũng bị thiểu năng trí tuệ và lại thêm bệnh động kinh.
Dẫu vậy, hai vợ chồng ông Luyện vẫn không lấy làm tuyệt vọng mà quần quật lao động để nuôi hai đứa con thường xuyên đau ốm và ông cụ thân sinh đã hơn 80 tuổi.Cứ tưởng trời thương người tốt, chăm chỉ lao động rồi sẽ có ngày cái đói cũng phải khuất phục thì tháng 8/2009, ông Luyện đột nhiên đổ bệnh. Bà Lân (vợ ông) bán vội con bò vừa được chia từ tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ theo thể thức “quay vòng” (hai hộ gia đình được hỗ trợ một con bò cái, đến khi đẻ ra bê thì chia ra mỗi người một con) để đưa ông đi viện. Ông bị “bán thân bất toại”, một nửa bên trái không thể cử động được.
Cái tin như sét đánh ấy như dội một gáo nước lạnh vào cả gia đình 5 miệng ăn. Bởi lẽ, nguồn sống của cả gia đình ông chỉ phụ thuộc vào số tiền lương ông làm bảo vệ cho Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Tiên Hà) và 2 sào ruộng nước trời mà ông là lao động chính.Câu chuyện đang dở dang thì thằng cả nhà ông chạy về. Thấy người lạ vào nhà, nó không nói gì mà cứ lắc lắc cái đầu ra dấu hiệu gì đó. Bà hàng xóm nhà ông Luyện bảo Thạch bị thụt lưỡi, không nói được.
Rồi suốt buổi, nước miếng cứ chảy ròng ra, thỉnh thoảng sực nhớ, Thạch lại lấy chiếc khăn cáu bẩn trong túi quần ra lau. Đã thế, lúc lên 4 tuổi, không biết loay hoay thế nào mà ngã vào nồi cám heo đang sôi ùng ục, bỏng cả phần lưng và mông. (Bà hàng xóm nhà ông Luyện vừa kể vừa kéo quần thằng con trai 23 tuổi không biết ngượng ngịu cho tôi xem).
Bé Chung cũng bị thiểu năng trí tuệ và động kinh thuộc loại nặng. Đang nghịch máy ảnh thì mặt đỏ bừng, sùi bọt mép, trợn con mắt như người chết oan rồi đi ra sau hè mất dạng.
Ông Luyện bảo, mỗi tháng một lần, bà Lân phải chạy lên trạm xá xã nhận thuốc miễn phí về cho hai đứa uống. Nhiều lần, hai anh em lại “choảng” nhau, bởi thế nên vợ chồng ông mới phải khổ sở tìm cách ly gián hai đứa ra.Thấy ông nằm một chỗ, sợ ông buồn mà đâm ra nghĩ quẩn, cô cháu gái là sinh viên đang trọ học tại Đà Nẵng đem về cho ông cái tivi để ông xem cho đỡ buồn. Nhưng rồi được vài hôm thì cái ti vi cũng tắt lịm vì cái tivi cũ quá ngốn điện.
Bà con chòm xóm biết hoàn cảnh của ông nên người giúp gạo, người giúp tiền. Nhưng ngần ấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu, đói vẫn hoàn đói và bệnh tật vẫn đeo đuổi cái gia đình này. Anh bạn người địa phương đi cùng tôi cũng cho hay: “Cả thôn Trung An, không ai là không biết đến hoàn cảnh éo le của gia đình ông Luyện. Đã thành cái thông lệ, khi xét hộ nghèo thì gia đình ông Luyện luôn lên đầu danh sách”.
Trong suốt câu chuyện buồn của ông Luyện, tôi chỉ thấy ánh lên đám lửa khi ông nói về vợ. Ông bảo, may mắn lớn nhất của đời ông là lấy được người vợ hiền hậu, tảo tần như bà Lân. Rồi ông kể như trút hết ruột gan của mình về vợ. Ông bảo, khi ông nằm viện mấy tháng trời, bà như cái xác không hồn, hết lo việc nhà, lại tất tả xin xe xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam lo cho ông.
Hôm chúng tôi lên thì bà Lân không có ở nhà. Tranh thủ ngày chủ nhật không đi trực trống ở trường bà qua thôn bên làm thuê cho người ta. Bà Lân được Trường THCS Lê Hồng Phong “đặc cách” thay chồng làm bảo vệ mấy tháng ông nằm viện. Mới đây, ông Luyện nghỉ việc theo chế độ hợp đồng lao động. Bà Lân lại làm bảo vệ theo hợp đồng mới với mức lương chưa tới 1 triệu đồng.
Ông Trần Hoàng Vinh – Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Hà, tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình ông Luyện thật nghèo giống gia đình “chị Dậu”. Càng ngẫm càng thấy bà Lân vợ ông Luyện cứ như “chị Dậu”…”. Một mình còng lưng nuôi 5 miệng ăn, lại còn chứng kiến cảnh đau ốm liên miên của 4 người thân xung quanh, nỗi đau ấy khốn khổ hơn gấp trăm lần. Chẳng thế mà ông Luyện ví vợ mình như là cây đại liên, sợ đến khi hết đạn thì cái gia đình khốn khổ này cũng không còn nhựa sống.
Rời khỏi ngôi nhà tận khổ ấy, lòng tôi cứ nghĩ mãi: Tại sao con người ta lại bất hạnh đến thế? Chị Dậu nghèo rớt mồng tơi, còn có cái Tý lanh lợi, đảm đang việc nhà, còn cái gia đình này, 2 đứa con thì cả 2 đều điên, tỉnh bất thường như thời tiết. Không biết “ngọn đèn dầu” ấy sẽ đứng trước gió được bao lâu?
Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về gia đình ông Trần Luyện (tổ 3, thôn Trung An, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). ĐT: 01645348492
Võ Duy Nghĩa - Nhân Đạo & Đời Sống