www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hiệu quả vốn cho vay xuất khẩu lao động

Hiện nay, để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách, chương trình, phương thức hỗ trợ, tác động để giúp người dân thay đổi nhận thức tự vươn lên, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo về cả vật chất và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục,... từ đó, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn.

      Trong các chích sách quan trọng đó, khuyến khích lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã được triển khai và hiện phát huy hiệu quả tốt. Đối với tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước, đây cũng được xem là giải pháp quan trọng để giúp người dân, nhất là lao động nhàn rỗi ở nông thôn, vùng khó khăn, có việc làm ổn định, thu nhập khá để thoát nghèo bền vững; đặc biệt khi đi XKLĐ, người lao động được tiếp cận và học tập được tác phong làm việc công nghiệp và khoa học của các nước phát triển hơn chúng ta. Ngoài ra, nếu làm tốt công tác XKLĐ cũng sẽ giảm các tệ nạn xã hội như rượu bia, ma túy, cờ bạc,... mà thanh thiếu niên không có việc làm là đối tượng dễ mắc phải. 

Trong nhưng năm qua, trên địa bàn huyện đã có rất nhiều thanh niên thành công khi đi XKLĐ, họ thành công ngay cả đi XKLĐ, đó là có thu nhập cao, tích lũy và khi về lại họ có vốn, có kiến thức để lập nghiệp, làm ăn rất tốt. Đây là minh chứng thiết phục và cũng là mô hình để các bạn thanh niên nghiên cứu, học tập để lập thân, lập nghiệp. Đó là, anh Đoàn Hồng Khuyên ở thôn Phú Vinh, Tiên Hà, trước đây anh cũng đã đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, sau khi về lại quê hương cùng với số vốn và kinh nghiệm làm việc tích lũy được, Anh đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đồ ăn chay tại Tiên Hà.

Hiện cơ sở sản xuất kinh doanh của Anh đang phát huy hiệu quả khá tốt, thu nhập hàng tháng của cơ sở đạt từ 25 đến 30 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 08 lao động tại địa phương và thu nhập hàng tháng bình quân của lao động đạt 05 triệu đồng/người; và đó là Anh Nguyễn Vĩnh Phúc, ở thôn Bình An, Tiên Kỳ, năm 2012 anh đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, mặc dù xa gia đình, vợ con đối với Anh cũng rất khó khăn nhưng với quyết tâm, sự cần cù lao động, Anh đã thực hiện tốt hợp đồng lao động với thu nhập bình quân hàng tháng trên 30 triệu đồng. Sau 03 năm làm việc, Anh đã tích lũy được trên 01 tỷ đồng và về quê mua xe ôtô làm dịch vụ vận tải, hiện Anh đang có việc làm và thu nhập ổn định. Trên đây là 02 trong số rất nhiều lao động đi xuất khẩu trong thời gian qua, mà hầu hết họ đã thành công và tất nhiên trong quá trình này cũng có một số ít người không thành công, gặp rủi ro, khó khăn và kết quả không như mong muốn.

Từ năm 2016 đến nay, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh chương trình XKLĐ sang các nước có nhu cầu lao động, có thu nhập tương đối cao như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Trong đó, đặc biệt là Hội Nông dân và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện đã triển khai công tác này rất tốt và bước đầu đã có những kết quả khả quan, năm 2016 đã có trên 70 lao động của huyện đi XKLĐ và tính cả giai đoạn 2011 – 2016 đã có trên 300 lao động của huyện đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chưa có sự kết nối, phối hợp giữa các bên nên việc giải quyết nhu cầu về cho vay vốn để đảm bảo các chi phí đi XKLĐ chưa tốt, một số lao động còn gặp khó khăn, ở đây vướng mắc cơ bản là Hợp đồng ký kết giữa Người lao động với Doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu không đúng với quy định hiện hành của Bộ LĐTB&XH hoặc không có hợp đồng ký kết giữa Người lao động với Doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn này, tạo thuận lợi nhất cho lao động đi XKLĐ theo đúng chỉ đạo và định hướng của huyện Tiên Phước, ngay đầu năm 2017, các cơ quan liên quan đã có sự bàn bạc, đề ra các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện tốt công tác XKLĐ trên địa bàn huyện, phấn đấu trong năm có khoảng 110 lao động đi xuất khẩu. Đối với các đơn vị chủ trì như Hội Nông dân, Phòng LĐTB&XH huyện, UBND các xã, thị trấn,... tích cực tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ kết nối giữa Người lao động với Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ, để Người lao động nắm bắt đầy đủ những lợi ích và cả các hạn chế, khó khăn khi tham gia đi XKLĐ. Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, chủ động tham mưu bố trí, cân đối nguồn vốn để giải quyết kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn đi XKLĐ đối với hộ gia đình, Người lao động đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn ưu đãi.

Về các chi phí hợp pháp đi XKLĐ theo quy định của Bộ LĐTB&XH, hiện được Nhà nước cho vay thông qua NHCSXH. Theo quy định hiện hành, tất cả các lao động đủ điều kiện đi XKLĐ đều được vay vốn ưu đãi để trang trải các chi phí ghi trong Hợp đồng ký kết với đơn vị dịch vụ đưa lao động đi xuất khẩu. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho mình, Người lao động yêu cầu các đơn vị dịch vụ phải ký kết hợp đồng đưa lao động đi xuất khẩu đúng với quy định của Bộ LĐTB&XH, để làm thủ tục vay vốn ưu đãi và đây cũng là căn cứ pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa đơn vị dịch vụ và Người lao động khi có vướng mắc xảy ra, mà phần lớn thiệt hại, rủi ro thuộc về Người lao động. 

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng công tác XKLĐ của huyện thời gian đến sẽ đạt kết quả tốt, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tiên Phước.

                    Nguyễn Văn Hiền - Ngân Hàng CSXH Tiên Phước