Hiệu quả từ chính sách khuyến khích người dân thoát nghèo
Một điểm đột phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam là đã có những chính sách khuyến khích người dân nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Rất nhiều người dân tự tin hơn nhờ điểm tựa chính sách đã mạnh dạn vay vốn, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình thành công.
Anh Huỳnh Ngọc Sáu, ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước đã trở thành một tấm gương điển hình trong việc thoát nghèo nhờ sự nỗ lực của bản thân và chính sách khuyến khích xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam.
Trước đây, gia đình anh Sáu đã trải qua những ngày tháng vô cùng khốn khổ. “Vợ chồng tôi có 4 con. Năm 2014, vợ tôi bị ốm nặng phải chữa chạy khắp nơi khiến cho kinh tế gia đình khánh kiệt. Trong khi đó, bản thân tôi bị đau cột sống, không làm việc nặng nhọc được. 4 con đang tuổi ăn học nên gia đình càng thêm khó khăn, túng quẫn. Mọi gánh nặng dồn lên vai tôi. Đến năm 2015, gia đình tôi được liệt vào diện hộ nghèo” - anh Sáu kể. Đến năm 2017, sau nhiều năm chạy chữa, vợ anh Sáu dần khỏi bệnh, cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Nắm bắt thông tin về chính sách giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng anh quyết tâm phấn đấu thoát nghèo. Anh Sáu mạnh dạn làm đơn xin đăng ký thoát nghèo.
“Sau khi thoát nghèo bền vững, gia đình tôi tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập cho các con và tiền thưởng 5 triệu đồng. Bản thân đã dùng số tiền này và số tiền gia đình tích góp được để mua 1 con bò nái giống chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã có 1 bò nái sinh sản và 2 bò con, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2018, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, đồng thời, tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng do UBND xã Tiên Hiệp tổ chức. Gia đình tôi đã cải tạo 0,5ha vườn tạp trồng các loại cây ăn quả và trồng 3ha keo. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định trên 70 triệu đồng/năm. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái học hành khá, giỏi. Con trai lớn của tôi sau khi tốt nghiệp cao đẳng đã có việc làm ổn định” - anh Sáu phấn khởi cho biết.
Gia đình anh Sáu là một trong số những hộ dân đã thoát nghèo thành công nhờ được tiếp sức từ các chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Nam. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam đã huy động gần 12.000 tỉ đồng thực hiện công tác giảm nghèo, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Trong đó có 5 nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, bao gồm các chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, cải thiện nâng cao mức sống cho người có công và bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Những hộ nghèo sau khi thoát nghèo, được UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ một số chính sách cơ bản như: cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế 3 năm liên tục, miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh các cấp; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 3-5 tuổi; cấp bù 100% học phí cho sinh viên cho đến khi tốt nghiệp ra trường; ưu tiên cho vốn vay không lãi suất; thưởng 5 triệu đồng cho hộ nghèo thoát nghèo; thưởng cho thôn có hộ thoát nghèo (3 triệu đồng/hộ thoát nghèo)...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng tiêu chí cộng điểm thưởng trong phân bổ vốn cho những địa phương hoàn thành vượt mức giảm nghèo đề ra của tỉnh; quy định hỗ trợ nhiều lần, nhiều nội dung đầu tư nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ nghèo, 17 triệu đồng/hộ cận nghèo, 14 triệu đồng/hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, thành lập đội ngũ cán bộ trực tiếp theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo và cộng tác viên giảm nghèo cấp xã. Những chính sách trên đã giúp hộ nghèo có điểm tựa chắc chắn hơn trong hành trình tiếp tục vươn lên, giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nhiều xã nghèo ở Quảng Nam đã hoàn thành mục tiêu của chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam trong năm 2020 đã giảm hơn một nửa so với đầu năm 2016, từ 12,9% giảm xuống còn 5,23%. Năm 2020, số hộ nghèo thuộc chính sách người có công giảm từ 416 hộ xuống còn 225 hộ; số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm từ 7.747 hộ xuống còn 7.267 hộ; số hộ cận nghèo giảm 1.528 hộ. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 40,85% năm 2016 xuống còn 18,08% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, miền núi, nhất là ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo được ưu tiên đầu tư đồng bộ, đặc biệt là giao thông và thủy lợi. Nhiều xã nghèo vùng đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới và hạn chế được tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Từ năm 2016-2019, toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 276 hộ tái nghèo; có 5.770 hộ nghèo phát sinh mới do tai nạn rủi ro, thiên tai và tách hộ.
Kết quả trên là nền tảng để Quảng Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mục tiêu gần nhất là hết năm 2021, phấn đấu giảm từ 2.000 hộ nghèo trở lên và xóa nghèo cho các hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng.
Bích Nguyên - Báo Biên Phòng