Tiên Phước, Quảng Nam quê tôi, xưa nay nổi tiếng với hồ tiêu, quế, trầu, cau, chè, mít... Từ Suối Đá, Tam Dân trở lên hết Đèo Liêu, Tiên Hiệp là cả một vùng đất trung du ngút ngàn đồi núi thoai thoải, dưới thấp là các nhóm ruộng bậc thang vàng chói giữa màu xanh của núi rừng khi mùa lúa chín, trên cao là nương rẫy của người dân trồng khoai xiêm, các loại cây quả và nơi nuôi trâu bò thả rông trên núi.
Nhà cửa của người dân quê tôi ven theo sườn núi, mái lợp tranh, phên tre, phên đất có cả xây bằng đá ong, đá cuội trét bằng đất sét. Con người nơi đây một nắng hai sương chống chọi sự khắc nghiệt của tạo hóa, hơn nữa, vùng đất hoang sơ này luôn bị sự đe dọa của các loài thú dữ, trong đó có loài cọp, nó đã trở thành nỗi lo sợ của cả cộng đồng. Như đến nỗi lớp trẻ con chúng tôi cách đây 40 năm, thường hát câu đồng dao chọc ghẹo với nhau khi chơi trên các đồi núi phía sau nhà:
Tau về ngõ ni có bụi chà ran
Mi về ngõ nứ có hang ông hùm
Hoặc: Tau về ngõ ni có bụi chà là
Mi về ngõ nứ ông già ních mi
Tiên Phước xưa kia có 4 tổng Đông Việt, Phước Giang, Tiên Giang và Vinh Quý với 86 xã. Tuy đất rộng nhưng ruộng đồng phân tán, dân cư thưa thớt, chỉ quần tụ ven đồi núi. Sinh sống ở vùng trung du xa xôi hẻo lánh, phải chống chọi thiên nhiên, đặc biệt là sự quấy phá, tàn hại của thú dữ mà cộng đồng cư dân quê tôi phải liên kết để chống lại, bảo vệ mình và thôn xóm. Từ đó lâu dần hình thành nên hội vây cọp. Mà hội vây cọp thông thường chỉ có vào mùa xuân, mùa cây cối tốt tươi, đâm chồi nẩy lộc, các loài hươu nai hay về các đồi núi gặm cỏ tranh mới nhú, hoặc trâu, bò do người dân nuôi thả rông trong núi đã đến kỳ béo tốt. Đó là con mồi ngon cho cọp về bắt. Vì lẽ đó, hội vây cọp độc đáo nhất ở vùng Tiên Phước diễn ra trong mùa xuân, từ 30 tháng Chạp cho đến mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng trong năm.
Khác với các lễ hội khác, thường được tổ chức ở vị trí trung tâm của làng như sân bãi, sân đình… hội vây cọp được tổ chức ngay ở trên các đồi núi, nơi sinh sống của loài cọp. Không gian của hội rất rộng lớn, nhiều khi bao gồm cả một ngọn núi. Người tham gia hội cũng rất đông gồm dân làng nhiều xã lân cận, có khi lên tới cả hơn nghìn người. Có một khác biệt là, nếu các lễ hội thường cố định thì hội vây cọp ở Tiên Phước không cố định ở điểm nào vì phải tùy theo ngọn núi có cọp mà tổ chức hội chính tại ngay ngọn núi đó.
Về thời gian của hội cũng không cố định, ngắn nhất là một tuần, dài nhất cũng không quá nữa tháng. Chung quy lại, thời gian ngắn hay dài còn tùy thuộc theo tình trạng con thú dữ và cũng tùy theo quyết định của người chỉ huy hội vây cọp.
Chuẩn bị đi vây cọp
Sau khi phát hiện cọp về núi bắt trâu bò, dân làng bắt đầu theo dõi cọp, theo cách phân công như dây chuyền.Với ý thức tự giác, nhiều dân làng phân công nhau, mỗi người trèo lên một cây cao, cứ khoảng 100 thước bố trí một người, để theo dõi hành tung của cọp mà báo tin cho nhau. Khi một người phát hiện thì họ sẽ thông báo cho những người lân cận và thông tin được truyền về làng, còn những người trên cây vẫn giữ nguyên vị trí tiếp tục theo dõi sự di chuyển của thú dữ.
Như vậy, sau khi phát hiện cọp phải thông báo cho Lý trưởng, sau đó Lý trưởng báo lên cho Chánh tổng và Chánh tổng sẽ đến khu vực có cọp để tiến hành kế hoạch vây cọp. Chánh tổng ra lệnh cho xã sở tại cùng các xã lân cận chuẩn bị lên núi vây cọp. Trong ngày đầu tiên khi mới phát hiện cọp, các làng xã trong khu vực huy động dân làng lên núi phát một hành lang rộng chạy vòng quanh quả núi nơi có cọp để giữ không cho cọp trốn đi nơi khác. Đến đêm thì đốt lửa để giữ cọp vì nó rất sợ lửa. Các tráng đinh khỏe mạnh trong làng được Lý trưởng huy động, khi tới nơi, mỗi người góp một tấm rào bằng cây tre hoặc cây rừng vót nhọn, đan chéo nhau, cao trên 2,5 thước, rộng khoảng 1,5 đến 2,5 thước. Nhờ đó mà hàng rào dựng lên rất nhanh. Sau đó dân làng tiếp tục chặt thêm tre loại cao dựng đan chéo vào, trên đầu vót nhọn, phía bên ngoài dựng những cây cọc lớn để chống đỡ cho hàng rào khỏi bị đổ khi cọp từ trong lao ra ngoài, phía trong giăng các dây thòng lọng làm từ các sợi tre non, được chẻ ra rất dẻo, nếu cọp tới gần sẽ bị mắc vào cổ hoặc chân.
Lúc đầu khi mới vây cọp thì phạm vi vây thường bao rộng hai đến ba quả núi, dù lúc này chưa xác định vị trí cọp trú ẩn. Sau đó, khi biết vị trí chính xác thì phạm vi vây cọp sẽ được thu hẹp dần dần. Nếu vòng vây từ ban đầu rộng thì phải qua nhiều lần thu hẹp và dừng lại trên một quả núi. Những tráng đinh dũng cảm, hăng hái và tự nguyện xung phong sẽ mở cửa rào, đi đầu vào dựng rào mới để thu hẹp vòng vây. Đoàn đông cả nghìn người chia làm ba bộ phận. Đầu tiên là lực lượng cầm rựa phát cây cỏ, gai góc. Tiếp theo là đội cầm giáo sào - tre vót nhọn và giáo mác để bảo vệ người cầm rựa đi trước và cả đoàn đi sau. Cuối cùng là những người dựng rào mới, xen lẫn với người cầm giáo mác, giáo sào. Cứ như vậy mà thu hẹp dần vòng vây cọp. Trong quá trình vây có nhiều dân làng các xã tham gia, do đó khi vây, mỗi xã được giao một khu vực và có trách nhiệm bảo vệ khu vực đó.
Khi công việc vây cọp đã xong, Chánh tổng báo lên Tri huyện, mời ông và nha môn xuống xã dự hội. Trong tổ chức hội vây cọp, phủ huyện thành lập một sở chỉ huy tại xã sở tại, trong đó người chỉ huy cao nhất là Tri huyện hoặc là người được ông chỉ định thay thế, cùng các vị chức sắc của các làng xã điều hành công việc. Khi tổ chức hội vây cọp, các làng xã chọn hàng trăm dân đinh trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm săn bắt thú rừng để trực tiếp vây cọp, lực lượng dân đinh hùng mạnh này được trang bị vũ khí là cây mác nhọn hoặc ngọn giáo có tra cán dài, đặc biệt lực lượng này không được mặc đồ đen, nếu ai mặc thì người đó là đối tượng đầu tiên bị cọp vồ, họ chủ yếu mặc quần đùi, áo cánh màu sáng để dễ xoay sở khi vây cọp vừa dễ nhìn thấy nhau trong ban đêm. Trong ngày đầu vây cọp khi chưa kịp chặt tre để rào thì dân làng dùng những tấm lưới làm bằng da trâu ngâm nước nên rất dai để vây cọp, sau đó mới có thời gian để làm hàng rào vây lại.
Mác và lưới để vây cọp ngày xưa
Hội vây chính thức được bắt đầu khi cọp đã ở trong vòng vây, nó không thể đi đâu được nữa. Tuy nhiên, lúc này dân làng chưa vội tiến hành giết cọp mà phải chờ đến từ năm bảy ngày sau, có khi đến mười ngày để chuẩn bị thật kỹ lưỡng và cũng để cho cọp bị mất sức do đói khát. Vào thời điểm quyết định, dân làng các xã kéo nhau lên núi, họ mang theo lương thực, nước uống, thực phẩm. Trong thời gian thắt chặt vòng vây, ban ngày dân làng tổ chức ăn uống vui chơi giao lưu giữa các làng với nhau, kể cả có những hoạt động văn hóa như hát lý, nói vè, hò khoan đối đáp. Khi đêm bắt đầu xuống, khoảng sáu giờ tối, dân làng đốt lửa để giữ cọp, trống mõ, phèng la đồng loạt nổi lên hòa với tiếng reo hò vang dội của tập đoàn dân làng tham gia vây, tạo thanh thế náo nhiệt và hùng tráng giữa núi rừng để uy hiếp con thú dữ. Khi tri huyện phát lệnh giết cọp thì lực lượng trai tráng tinh nhuệ nhất khép thành vòng vây bao quanh khu vực có cọp ẩn nấp. Người nọ đứng cách người kia khoảng 5 thước, dùng rựa phát cây và thu hẹp dần vòng vây trong tiếng trống, phèng la, hò reo của người sau hỗ trợ. Khi bị phát hiện, cọp sợ co mình nằm một chỗ. Lúc ấy vòng vây mới bắt đầu ráp, dân đinh cắm khít cọc và dùng lạt tre buộc thành những vòng tròn đặt trên đầu cọc. Đến lúc đó, những tráng đinh gan dạ thiện chiến bắt đầu đạp rừng, dùng giáo dài, móc nhọn đâm vào gữa vòng vây. Cọp vùng tháo chạy gặp vòng vây ken dày sẽ nhảy lên mắc chân vào vòng và bị đâm tức khắc. Gặp ban đêm, dân làng dùng lửa đốt quăng vào giữa vòng. Cọp sợ lửa nằm im. Các tráng đinh canh thức đến qua ngày để tím cách giết nó. Tính kỷ luật trong hội vây cọp rất nghiêm khắc, nếu người chỉ huy cao nhất chưa có lệnh thì không ai được giết mà phải xua nó đi. Khi cọp bị hạ, bộ da và xương cọp sẽ được biếu Tri huyện, còn phần thưởng của hội vây do phủ huyện sẽ trao cho xã sở tại dù dân làng xã đó có giết được cọp hay không.
Hội vây cọp ở Tiên Phước là một cuộc chơi lớn, nguy hiểm nhưng rất hào hứng, sôi nổi, thể hiện tinh thần đoàn kết, tính thượng võ của cộng đồng làng xã vùng “sơn lam chướng khí” heo hút này và đây cũng là dịp để dân các làng rèn luyện sức khỏe, ý chí chống chọi sự khắt nghiệt của thiên nhiên. Khi tôi còn mặc quần cộc, cỡi trần chạy lông bông với đám bạn giữ bò trong xóm Hữu Lâm, ông nội tôi kể rằng hội vây cọp có quy mô nhất vào năm 1943 ở núi Nà Lầu, xã Tích Phước (nay là xã Tiên Lộc) có 8 xã tham gia. Còn ông Nguyễn Ngõa, thôn 7, xã Tiên Thọ, cách đây vài năm khi ông còn sống đã 86 tuổi, kể lại rằng ông là một trong những tráng đinh dự hội vây cọp cuối cùng vào năm 1952 ở núi Dương Bồ, Tiên Thọ, lần hội vây này rất lớn chưa từng thấy với kết quả có tới 5 cọp bị giết !
Quảng Nam, một số nơi như ở Quế Sơn cũng có hội vây cọp. Nhưng so với huyện Tiên Phước thì chẳng thấm vào đâu, bởi ở Quế Sơn nó có quy mô nhỏ hơn. Tiên Phước nổi tiếng khắp vùng, thậm chí cả nước vì có xã Tiên Thọ thuộc tổng Phước Lợi ngày xưa rất giỏi về vây cọp. Tôi nghĩ rằng, có lẽ vì truyền thống hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác với đặc tính dũng mãnh qua hội vây cọp, đã tạo nên con người Tiên Phước rất giỏi võ nghệ và gan dạ. Và, cũng từ dòng máu kiêu hùng qua các lần hội vây cọp mà sản sinh ra những người Tiên Phước xưa kia như Võ Truật ở Đồng Tre, Trần Hành ở Bình An, Lê Liễn ở Thạnh Bình, Đỗ Liễu ở Tiên Giang, Dương Bộc ở Địch Yên… họ tham gia chống Pháp xâm lược Đà Nẵng (1858); Nguyễn Hàm, Hồ Đức Duật, Tán lý Lê Vĩnh Huy và nhiều nghĩa binh tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885) bảo vệ căn cứ Nà Lầu, Dốc Miếu, bản doanh Thanh Lâm (Tiên Thọ); Trần Huỳnh tức Phó Bẻm ở Tân An Tây (Tiên Thọ), Lê Ngạn, Trần Khuê, Lê Cơ (Vinh Quý)… tham gia khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội (1915).
Thời gian trôi đi, ngày nay, hội vây cọp ở quê tôi đã trở thành huyền thoại, nhưng cuối cùng đọng mãi trong tâm trí chúng tôi, thế hệ sau này luôn ghi nhớ công lao của bao lớp cư dân đã từng mở đất, lập làng, xây dựng cơ nghiệp, đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu hy sinh vì vùng đất trung du Tiên Phước.
Tôn Thất Hướng