Hội nghị chuyên đề bàn về công tác quản lý, bảo vệ rừng
Sáng ngày 11-5-2018, tại Hội trường Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tài nguyên khoáng sản; chuyển đổi diện tích cây trồng. Dự Hội nghị có lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và gần 80 đại biểu đại diện các cơ quan liên quan từ huyện đến cơ sở. Đồng chí Phạm Văn Đốc - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Trầm Quế Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Hường Văn Minh - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2010-2017, huyện đã tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 04-6-2010 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 01-9-2010 của UBND tỉnh; công tác phối hợp giữa địa phương và các ngành chức năng của huyện được tăng cường; diện tích rừng trồng tăng nâng độ che phủ rừng từ 36,5% (2010) lên 46,2% (2017); triển khai hiệu quả việc bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, dự án đầu tư, hỗ trợ cho nhân dân vay vốn trồng rừng, cải tạo vườn rừng góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội,...
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng còn xảy ra và có tính chất phức tạp, nhất là tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép tạo dư luận không tốt trong xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của một số địa phương chưa cao. Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, giai đoạn 2010-2017 huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; kịp thời ngăn chặn, xử lý và hạn chế được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, góp phần sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả,...
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng môi trường; một số đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản. Về chuyển đổi đất lúa một vụ, thời gian qua một số địa phương đã vận động nhân dân từng bước thực hiện công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như ngô, lạc, mè, cỏ,… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền; quy mô chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh muốn, chưa mang tính tập trung.
|
Quang cảnh Hội nghị
|