Hồi sinh trên những hố bom
Sáu mươi năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng, 40 năm sau ngày giải phóng, mảnh đất đầy đau thương ở phía tây bắc của huyện Tiên Phước đang thay da đổi thịt từng ngày. Gạt đi quá khứ đau thương, người dân 3 xã Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà (Sơn - Cẩm - Hà) không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Lối dẫn vào nhà ông Nguyễn Duy Lai (thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm) rợp bóng cây tiêu, chôm chôm, cam quýt, quế… Căn nhà khang trang của ông Lai dựa lưng vào quả đồi rộng khoảng 4ha đang xanh nghít rừng keo hơn 3 năm tuổi. Cuộc sống khốn khó đã lùi xa vào quá khứ nhờ vào chính đôi bàn tay của vợ chồng ông Lai.
Với sự trợ sức từ nguồn vốn vay, từ chương trình hỗ trợ của huyện Tiên Phước, vợ chồng ông Lai kiên trì cải tạo vườn tạp, mạnh dạn bỏ đi những loại cây không hiệu quả, tạo nên khu vườn đa cây đa tầng đem lại giá trị kinh tế cao. Chỉ tính riêng nguồn thu nhập từ tiêu, keo, quế và chăn nuôi thêm bò, heo, gà, mỗi năm ông Lai thu về khoảng 100 triệu đồng. Ông Lai đang mở rộng diện tích trồng tiêu, nâng số choái tiêu trong vườn lên hơn 100 choái.
Cách đây 5 năm, chồng bị bệnh vảy nến, chị Đoàn Thị Thu Thủy (thôn 1, xã Tiên Sơn) phải một mình bươn chải nuôi con, chăm chồng. Nhưng bằng nghị lực của bản thân, chị Thủy đã cố gắng làm ăn, nuôi cả gia đình. Thấy việc nuôi heo có thể mang lại nguồn thu nhập, trong khi chồng lúc không bị bệnh tình hành hạ có thể giúp chăm sóc, chị Thủy mua heo nái về nuôi. Lúc đầu, chị chỉ nuôi vài con, đến nay đã có đàn 8 con heo nái và hơn 100 con heo thịt. Lúc chúng tôi đến nhà, chị vừa xuất bán 35 con heo thịt. Chị Thủy chia sẻ: “Lúc đầu nuôi heo cũng lo lắm, sợ bệnh dịch đủ thứ hết, sợ mất vốn. Nhưng khi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tôi tự tin hơn nên mới dám mở rộng quy mô. Giờ đàn heo này là nguồn thu chính của gia đình tôi”.
Đời sống người dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà ngày càng khá hơn nhờ vào kinh tế vườn, rừng, trang trại. |
Về Sơn - Cẩm - Hà bây giờ, có thể đi từ Tam Kỳ lên, Tam Lộc về, Hiệp Đức sang một cách dễ dàng bởi các tuyến ĐT614, 615 được thâm nhập nhựa, nối thẳng về trung tâm huyện Tiên Phước. Những tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm được thảm nhựa hay bê tông hóa, giúp cho giao thông ở 3 xã này ngày càng thuận lợi hơn. Giao thông chính là huyết mạch mở ra trang mới cho sự phát triển kinh tế của 3 xã Sơn - Cẩm - Hà.
Ông Huỳnh Nhuận - Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm, cho biết: “Tiên Cẩm bây giờ là trung tâm của 3 xã Sơn - Cẩm - Hà, các tuyến đường đều đi qua Tiên Cẩm giúp xã có điều kiện phát triển nhanh hơn. Đời sống nhân dân thay đổi rõ nét, kinh tế vườn - rừng là thế mạnh của xã được nhân dân tập trung phát triển mạnh. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao”.
Là xã được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay Tiên Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế ngày càng khởi sắc. Xã Tiên Sơn xác định trên con đường phát triển của xã, lâm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ là những thế mạnh bổ sung, tương trợ lẫn nhau, đưa Tiên Sơn phát triển toàn diện hơn. Những mô hình nuôi heo trên 100 con, nuôi bò trên 20 con, trồng tiêu trên 100 choái, dịch vụ thú y trọn gói, dịch vụ bao tiêu nông sản tại chỗ cho bà con nông dân… xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Tiên Sơn. Người dân mạnh dạn đổi mới, tiếp cận phương pháp kỹ thuật, giống cây con mới để chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo ra những mô hình hiệu quả.
Kinh tế vườn, rừng, trang trại tiếp tục là thế mạnh chủ lực của xã Tiên Hà, với hơn 1.200ha rừng trồng đã có chủ, mỗi năm tiếp tục trồng mới thêm 100ha. Rừng trồng chủ lực là cây keo nguyên liệu đã giúp cho nhiều hộ dân ở Tiên Hà có cuộc sống sung túc hơn. Kinh tế vườn - rừng là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Lĩnh vực này phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động từ việc khai thác gỗ nguyên liệu, hình thành những nhóm hộ, cá nhân đầu tư mua xe tải để vận chuyển gỗ nguyên liệu. Người dân cũng mạnh dạn cải tạo đất vườn, ứng dụng trồng những giống cây kinh tế cao trên địa bàn Tiên Hà như măng cụt, tiêu, dó, thanh trà…
Nhà ở cho người dân, nhất là hộ người có công, hộ nghèo được huyện Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình lồng ghép ở 3 xã Sơn - Cẩm - Hà. Đến nay nhà cửa của nhân dân đều đảm bảo cứng tường, cứng nền, cứng mái.
Hệ thống trường học, trạm y tế, thủy lợi, điện, công trình phục vụ văn hóa thể thao... đều đã được đầu tư xây dựng, người dân đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, con em nhân dân được đến trường đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo ở 3 xã Sơn - Cẩm - Hà đến nay đều giảm còn ở mức dưới 15%.
Sự hiện diện của những hố bom trong vườn nhà người dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà vẫn mãi nhắc nhớ quá khứ đau thương. Nhưng đó là sự nhắc nhớ để người dân nơi đây có thêm động lực vươn lên, làm giàu chính đáng. Trên những hố bom ấy, cây trái đã lên xanh tốt, nhà cửa khang trang ngày càng nhiều.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam