Hướng đi nào cho nghề trầm hương Tiên Phước
Những năm về trước, dịp cuối năm là mùa làm ăn của nghề trầm hương Tiên Phước. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, nghề này đang dần chững lại, một số cơ sở nhỏ lẻ ngừng hoạt động, nguy cơ mất nghề đang dần hiện hữu.
Bấp bênh đầu ra
Huyện Tiên Phước là địa phương nổi tiếng làm nghề trầm hương. Trải qua bao thăng trầm nghề vẫn được gìn giữ phát triển, tạo công ăn việc làm cho không ít lao động nông thôn. Giai đoạn 2000 - 2014, được xem là thời điểm phát triển cực thịnh của nghề trầm hương, số hộ dân trồng cây dó bầu luôn đông đảo. Cùng với đó, nhiều cơ sở chế tác được mở, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Thị trường không chỉ bán qua Trung Quốc mà còn mở rộng đến một số quốc gia khác. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bỗng trở nên khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề.
Nghề dó trầm đang gặp nhiều khó khăn. |
Điển hình tại xã Tiên Mỹ, một trong những nơi có nghề làm trầm hương lâu đời, nay cũng chỉ còn 4 - 6 hộ duy trì cơ sở. Nhớ lại thời kỳ phát triển của nghề, ông Nguyễn Hảo (thôn 5, Tiên Mỹ) - người có thâm niên làm nghề trầm hương hơn 35 năm tâm sự: “Khi nghề thịnh, gia đình tôi có 15 - 20 công nhân làm việc nhưng sản phẩm vẫn không đáp ứng nhu cầu của thị trường, mối đến tận nhà đặt mua nhưng cũng không kịp, thu nhập từ nghề khá ổn định. Hiện nay nghề suy rồi, người dân trong xã dần bỏ hết để đi làm ăn xa, thợ làm nghề cũng không còn. Bây giờ tôi chỉ làm mang tính cầm chừng, không dám làm hàng loạt như trước nữa”.
Sản phẩm dó trầm một thời được khách hàng ưa chuộng. |
Còn theo ông Võ Hữu Chiến - một chủ cơ sở sản xuất trầm hương khác cho biết, những năm trước trong làng lúc nào cũng tấp nập kể bán người mua, nhưng nay cả tháng mới có 1 - 2 người đến hỏi hàng. Nếu như thời điểm năm 2010 - 2014, dó trầm loại tốt giá dao động 5 - 6 triệu đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 3 triệu đồng/kg. Đối với trầm loại 6, 7 giá 2 - 3 triệu đồng/kg thì nay giảm xuống còn hơn 1 triệu đồng/kg. “Nguyên nhân chững lại của nghề là do sản phẩm phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ thì giá trầm cũng rớt theo” - ông Chiến lý giải.
Trước sự biến động khó lường của thị trường nên các hộ sản xuất trầm hương Tiên Phước không dám mạo hiểm đầu tư sản xuất nhiều. Ông Nguyễn Hải - người gắn bó với nghề trầm hương lâu năm tại địa phương chia sẻ, nếu như trước đây, vào dịp tết mỗi ngày gia đình ông làm hàng chục cây cảnh mỹ nghệ trầm hương với 20 - 30 nhân công, thì nay do đầu ra không ổn định nên cơ sở chỉ dám giữ lại 2 - 3 người.
Giải pháp cho nghề
Theo bà Trần Thị Thùy Trang (Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Phước), những năm trước đây trên địa bàn có hơn 200 cơ sở làm trầm dó, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Nghề chủ yếu tập trung ở một số xã như Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Hiệp, Tiên An… Tuy nhiên, gần đây nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã không còn hoạt động. Hiện chính quyền đang triển khai thành lập làng nghề truyền thống trầm hương để từng bước vực dậy. “Chúng tôi không để bà con sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm như trước đây nữa. Do đó định hướng sắp tới sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo chuỗi liên kết cũng như đăng ký bảo hộ kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hoá, mẫu mã bao bì, kể cả thành lập website giới thiệu sản phẩm, xây dựng hiệp hội trầm hương… Qua đó không chỉ góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân” - bà Trang nói.
Thực tế, để tháo gỡ khó khăn, giúp nghề trầm hương phát triển bền vững, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, nhất là trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để sản phẩm có đầu ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, mở rộng đa dạng hóa thị trường cũng như tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm. Đặc biệt, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc như thời gian qua. “Về giải pháp là vậy, tuy nhiên thị trường đầu ra vẫn chưa thể tìm được. Trong khi đa phần bà con dựa vào các mối quan hệ lâu nay để bán sản phẩm. Riêng việc hỗ trợ máy móc, kỹ thuật cho làng nghề càng khó hơn vì hầu hết sản phẩm trầm hương chủ yếu được người dân làm bằng thủ công” - bà Trang cho biết thêm.
Minh Phường - Báo Quảng Nam
Phát triển chuỗi giá trị trầm hương Tiên Phước
Phát triển nghề trầm hương ở Tiên Phước
Người Việt tạo trầm "vô" liên doanh đa quốc gia ra sao ?
Tiên Phước - xứ sở trầm hương ở Quảng Nam
Biến nhang trầm thành đồ lưu niệm
Chàng trai trẻ và mối duyên trầm vàng
Gương sáng của một công an viên
Cặp rồng bằng trầm hương trị giá 40 triệu đồng
Doanh nghiệp Tiên Phước tạo trầm cho cây dó bầu tại Lào
Tìm thương hiệu cho trầm cảnh Tiên Phước