Giúp dân hiểu pháp luật
Những năm gần đây, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý đã được huyện
Khi người dân hiểu luật
Vụ việc tranh chấp đất đai giữa ông T. V. Ph. và ông Đ. X. T. (xã Tiên Phong) chỉ được giải quyết êm thấm khi cán bộ tư pháp vào cuộc. Ông Ph. đi kinh tế mới từ năm 1980, có làm hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất cho ông T., trong đó có ghi “riêng miếng cây dừa để lại” (khoảng 3 sào đất). Năm 2012, ông Ph. về quê, làm đơn khởi kiện UBND huyện Tiên Phước ra tòa hành chính, vì lý do “UBND huyện khi làm bìa đỏ cho ông T. đã cấp luôn miếng đất cây dừa”. Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn của ông Ph., vì ông T. sử dụng đất ổn định từ năm 1980 cho đến khi cấp bìa đỏ. Hơn nữa năm 1980 chưa có Luật Đất đai, đến khi có luật ban hành thì hợp đồng giữa ông Ph. và ông T. không có hiệu lực. Dù bị bác đơn, nhưng ông Ph. vẫn không hài lòng. Chỉ đến khi cán bộ tư pháp gặp, giải thích rõ ràng, cặn kẽ cho ông Ph. về chính sách đất đai của Nhà nước, ông mới hiểu ra và không tiếp tục kiện nữa.
Những buổi tư vấn pháp luật lưu động như thế này giúp nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật cho người dân. |
Hoặc vụ tranh chấp đất rừng ở xã Tiên Hà mà Báo Quảng Nam đã phản ánh trong bài “Quản lý, sử dụng đất rừng ở xã Tiên Hà: Những khuất tất cần được làm rõ” (ngày 26.7.2013). Trong vụ này, bà Nguyễn Thị Phi và ông Bùi Lý (thôn Tài Thành) đã làm đơn gửi UBND huyện Tiên Phước. Tổ tư vấn pháp lý của huyện đã đến xã Tiên Hà, làm việc với chính quyền xã và người dân, giải thích rõ xã yêu cầu khi người dân khai thác rừng phải nộp ngân sách xã là không có cơ sở pháp lý. Chính quyền xã Tiên Hà và người dân đã đồng ý theo hướng để người dân khai thác rừng, còn muốn nộp ngân sách xã bao nhiêu là do người dân tự nguyện. Nhờ đó, vụ việc đã khép lại với sự hài lòng cho cả hai bên.
Ông Vũ Minh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Phước nói: “Khi người dân hiểu rõ việc mình đang làm đúng hay sai chiếu theo các quy định của pháp luật, thì họ sẽ chấp nhận hướng xử lý của cơ quan chức năng. Đôi lúc, trong giải quyết vụ việc phải linh hoạt ứng xử, nhanh chóng giải thích cặn kẽ chính sách pháp luật liên quan đến sự việc để người dân hiểu và chấp hành. Đó cũng là cách để không gây phiền hà cho nhân dân”.
Đa dạng hình thức trợ giúp, phổ biến pháp luật
Tại huyện Tiên Phước, hiện nay đã thành lập 8 tổ hòa giải ở các xã, thị trấn. Từ năm 2012 đến nay, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 224 vụ việc ở các lĩnh vực đất đai, hành chính hôn nhân, môi trường..., qua đó đã hòa giải thành công 188 vụ việc. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện Tiên Phước cũng phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tiến hành trợ giúp lưu động cho 24 trường hợp về các lĩnh vực chính sách ưu đãi xã hội, hôn nhân gia đình, đất đai.
Ông Hồ Công Luận - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Phước, cho biết: “Công tác phổ biến pháp luật luôn được chúng tôi phối hợp với Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động... tổ chức tuyên truyền cho nhân dân. Nhờ công tác tuyên truyền được tổ chức liên tục nên tạo hiệu quả cao, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật cho người dân”. Ông Luận còn cho hay, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tiên Phước tổ chức 5 đợt tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho 250 người dân ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp. Đơn vị cũng đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức 2 đợt tuyên truyền pháp luật cho chị em ở 2 xã Tiên Lộc và Tiên Hiệp; phối hợp với Phòng GDĐT triển khai 10 lớp phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo với 1.125 lượt cán bộ giáo viên tham gia. Mới đây nhất, Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động huyện Tiên Phước tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn sửa đổi đến với đông đảo cán bộ, người lao động trong toàn huyện.
Từ đầu năm 2013 đến nay, nhằm tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua sóng truyền thanh của huyện, Phòng Tư pháp Tiên Phước còn xây dựng 12 chương trình phát thanh “Pháp luật và đời sống”. Các nội dung tuyên truyền đều liên quan và hữu ích trực tiếp cho đời sống người dân trên địa bàn. Ngoài ra, việc duy trì, phát triển 15 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã, thị trấn và củng cố, mua thêm các đầu sách mới, lưu trữ công báo tại tủ sách pháp luật ở cơ sở cũng đã góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân.
D.Lệ - Đ.Đạo, Báo Quảng Nam