Giá trị không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Tiên Phước có nhiều danh lam thắng cảnh như sông Tiên, thác Ồ Ồ, Lò Thung, hang Dơi… Bên cạnh các thắng cảnh, Tiên Phước còn là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Cách nay khoảng 2000-2500 năm, vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt, tại vùng trung du này đã có những người cổ sinh sống
trên những gò đất dọc theo hai bên bờ sông Tiên và sông Tranh, dấu tích mà họ để lại là những mộ chum và đồ chôn theo đã được các nhà khảo cổ khai quật ở Tiên Hà và Tiên Lãnh. Thời kỳ người Việt định cư ở Tiên Phước có những di tích lịch sử văn hóa như Nhà lưu niệm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, lò chén Phú Lâm, Trường tân học Phú Lâm, Nghĩa trũng Tiên Phú Tây, mộ danh sĩ Lê Vĩnh Khanh, sĩ phu Lê Vĩnh Huy, sĩ phu Trần Huỳnh, cuộc đấu tranh Cây Cốc, vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà, di tích Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam…, cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể đã làm nên bản sắc văn hóa của một vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm.
Với địa hình đa dạng, núi cao xen lấn đồi, gò, sông, suối, các dải ruộng hẹp phân bố dọc theo các chân núi, những ngõ đá xanh rêu với hàng rào chè tàu thẳng tắp, các vườn tiêu, vườn quế, thanh trà, lòn bon tươi xanh… đã làm cho Tiên Phước trở thành một vùng đất có nhiều cảnh đẹp đến nao lòng.
Sống ở vùng đồi núi, nhà cửa ở Tiên Phước xưa kia ngoài những điểm chung của kiến trúc Việt, còn mang những nét riêng của địa phương. Bên cạnh những ngôi nhà tranh tre, còn có những ngôi nhà gỗ được xây dựng rất công phu với những chi tiết chạm trổ tinh tế, mái được lợp ngói âm dương hoặc ngói liệt. Ngoài gỗ quý trong rừng, người dân Tiên Phước thường sử dụng gỗ mít, là loại cây được người dân địa phương trồng rất nhiều trong vườn để xây dựng nhà cửa.
Để cải tạo ruộng vườn, chống xói mòn rửa trôi đất đai, người Tiên Phước dùng loại đá sẵn có ở địa phương để xếp thành bờ kè cho khu vườn, lát đường dẫn vào nhà; cái độc đáo của kỹ thuật, hay nói đúng hơn là nghệ thuật xếp đá là ở chỗ người ta không dùng đến vôi vữa hoặc xi măng để gắn những tảng đá lại với nhau, mà chúng được xếp gài xen kẽ với nhau, tạo sự liên kết bằng góc cạnh và trọng lực, do vậy khá vững chắc; lâu ngày cỏ dại, dương xỉ mọc và phát triển ở những khe hở của đá, bộ rễ của chúng vươn ra, bám sâu vào đất đá càng làm gia tăng sự liên kết, đồng thời những mảng màu xanh của thực vật đã làm cho những bờ kè, ngõ đá trở nên mềm mại. Những ngõ đá dài với hai hàng cau cao vút trồng dọc lối vào, phía trước là hàng rào chè tàu thẳng tắp, trong vườn nào là tiêu, là quế, mít, thanh trà, lòn bon, dâu đất, chuối… hòa với cảnh quan chung quanh đã khiến cho Tiên Phước có những nét riêng khó lẫn với các làng quê khác ở nước ta.
Trong các làng quê ở Tiên Phước đều có những ngôi nhà rường truyền thống, độc đáo nhất là quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên, đó là những công trình kiến trúc đặc sắc ghi đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất có lịch sử lâu đời. Làng Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên là 275 ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 100 ha, 68 ha là vườn nhà, vườn đồi. Tại Lộc Yên, hiện nay nhân dân còn bảo tồn được 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm, được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của những người thợ mộc làng Văn Hà, với kiểu thức kiến trúc truyền thống là nhà lá mái và nhà rường, các cấu kiện gỗ được gia công, chạm trổ các loại hoa văn thảo mộc, chim, thú rất tinh tế. Đặc biệt ở Lộc Yên có ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh, một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của vùng trung du gắn với câu chuyện về lòng tự hào, trân quý giá trị di sản của tổ tiên.
Những ngôi nhà nằm rải rác trong làng, ẩn mình dưới tán lá rợp mát của những khu vườn cây lưu niên, nhà làm ở sườn đồi, dọc theo những doi đất cao. Nhà ngói, nhà tranh cùng hòa mình vào cảnh quan tự nhiên của đồi, gò, sông, suối, ruộng bậc thang, nương rẫy. Giá trị của những công trình kiến trúc này càng được nâng cao bởi vẫn tồn tại trong không gian văn hóa mà chúng đã hình thành.
Với giá trị sinh thái và văn hóa độc đáo, mặc dù hiện nay chưa tổ chức được các tour du lịch bài bản nhưng trong những năm qua đã có khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan làng cổ Lộc Yên; nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tìm đến Lộc Yên để nghiên cứu, sáng tác… Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của hoạt động du lịch trong tương lai. Đặc biệt, mới đây, Làng cổ Lộc Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, đó là cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quốc gia Làng cổ Lộc Yên, trong thời gian đến cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích. Xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu quản lý các ngôi nhà cổ và nhân dân, du khách đến tham quan. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý Nhà nước và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bảo tồn không gian văn hóa làng, trước hết là gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương như hò, vè, hát nhân ngãi, lễ hội rước sắc, tế tiền hiền, hậu hiền… Cần coi trọng bảo tồn, tôn tạo cảnh quan làng cổ với hệ thống hàng rào chè tàu và các ngõ đá. Xây dựng hệ thống đường làng thuận tiện cho giao thông nông thôn, phục vụ du lịch nhưng phải hài hòa với cảnh quan làng quê, có thể làm đường bê tông giả đất hoặc lát gạch và có biện pháp kỹ thuật chống mọc rêu… Việc cải tạo vườn tược, thay đổi một số loại cây trồng có giá trị kinh tế là cần thiết, song cần giữ được bố cục vườn truyền thống “trước cau, sau chuối”, nhất là bảo tồn một số vườn chè, mặc dù chè có giá trị kinh tế thấp nhưng đó là loại cây truyền thống của Tiên Phước bên cạnh hồ tiêu và quế.
Những ngôi nhà truyền thống trong Làng cổ Lộc Yên cần được đưa vào Đề án tu bổ tôn tạo di tích của tỉnh Quảng Nam để có nguồn kinh phí ổn định cho việc tu bổ tôn tạo di tích. Trong công tác quản lý di tích, phải thường xuyên kiểm tra các ngôi nhà truyền thống trong quần thể di tích, kịp thời phát hiện những vị trí bị hư hại, xử lý cục bộ, cấu kiện nào bị hỏng thì gia cố hoặc thay thế ngay, không để nguy cơ hư hỏng lan rộng. Đối với một ngôi nhà bị xuống cấp cần tu bổ, phải dựa vào đặc điểm và hiện trạng của di tích để lập thiết kế tu bổ. Thông thường trước khi hạ giải di tích, cần khảo sát đánh giá tình trạng bảo tồn của di tích, tuy nhiên không ai có thể lường được tất cả các trường hợp phát sinh của di tích sau khi hạ giải, vì thế khi thiết kế tu bổ di tích phải dựa trên nguyên tắc chung là giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc, chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết mới thay bằng vật liệu mới. Những bộ phận hay mảng được thay mới phải cùng một loại gỗ và cùng chất lượng, với cấu kiện cũ, hoặc nếu cần thiết, có chất lượng gỗ tốt hơn so với gỗ được thay thế. Khi thay thế một bộ phận nào đó bị mục nát, cần phải sử dụng cách lắp ráp truyền thống để chắp nối mảng mới vào mảng cũ.
Hướng dẫn cho chủ di tích thực hiện bảo quản các công trình kiến trúc gỗ, phòng trừ nấm mốc và mối mọt. Khi phát hiện mối mọt, chủ nhà phải báo cho cơ quan quản lý kịp thời để mời đơn vị có chuyên môn diệt mối mọt tận gốc. Nấm mốc không chỉ gây dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp, gây ngộ độc trên đồ ăn, thức uống, chúng còn làm cho các vật dụng bằng gỗ trong nhà và các cấu kiện gỗ trong di tích mau mục nát, dễ bị mối mọt xâm hại. Khi phát hiện ra mùi mốc, phải tìm ra những chỗ bị mốc, dùng bàn chải chà sạch và lau bằng khăn ướt, có thể dùng dung dịch tẩy rửa hoặc dung dịch chất sát trùng đã pha trong nước; để khoảng 15 phút cho ngấm dung dịch tẩy, sau đó dùng nước sạch lau lại, cuối cùng là làm khô những nơi đã xử lý. Bên cạnh đó, để loại trừ bớt nguy cơ nấm mốc, chúng ta cần phải thường xuyên mở cửa các ngôi nhà, giúp cho không khí lưu thông, gió có thể làm cho gỗ bớt bị ẩm ướt, ánh sáng và nắng cũng làm cho giảm thiểu nguy cơ nấm mốc.
Trước đây, người dân Tiên Phước trồng nhiều mít trong vườn, đó là nguồn nguyên liệu dồi dào để xây dựng các công trình kiến trúc gỗ, ngày nay nguồn gỗ mít không còn được dồi dào như xưa, một số nơi người dân thay thế cây mít bằng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do vậy để có nguồn gỗ mít bảo đảm chất lượng, cần thiết phải bảo vệ và trồng mới các vườn mít để tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tu sửa, xây dựng nhà truyền thống không chỉ ở vùng Tiên Phước mà còn cung cấp cho cả tỉnh Quảng Nam.
Sở VH,TT&DL Quảng Nam cần tăng cường hỗ trợ huyện Tiên Phước trong việc kết nối các điểm, tuyến du lịch phía Tây và Nam Quảng Nam; tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa làng cổ Lộc Yên thông qua các phương tiện truyền thông và các hội chợ xúc tiến du lịch; hướng dẫn người dân làng cổ Lộc Yên làm dịch vụ lưu trú nhà dân (homestay); đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên là người địa phương để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Muốn quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên, cần thành lập ban quản lý di tích và khai thác du lịch ở địa phương, ban quản lý vừa làm nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di tích, thường xuyên kiểm tra theo dõi tình trạng các ngôi nhà truyền thống, đường làng, ngõ đá, vườn tược… vừa làm nhiệm vụ kết nối với các công ty lữ hành, tổ chức đón tiếp khách du lịch, hướng dẫn tham quan và tổ chức các dịch vụ lưu trú, ăn uống…
Bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị làng cổ Lộc Yên một cách đúng hướng sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cổ Nguyệt - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam