Giảng dạy lịch sử địa phương các khối THCS ở Tiên Phước
Căn cứ sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Nam về việc biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường học, Tiên Phước là huyện sớm tổ chức thực hiện công tác này. Ngay từ năm học 2005 – 2006, Phòng GDĐT huyện Tiên Phước đã thành lập Hội đồng và tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương ở các khối lớp thuộc cấp học trung học cơ sở (THCS) với số tiết chương trình phần mềm theo quy định của Bộ GDĐT.
Sau khi Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước và Sở GDĐT Quảng Nam thẩm định, tài liệu đã được phát hành và chính thức được đưa vào giảng dạy ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện. Nhìn chung, việc tổ chức dạy học đã duy trì với nề nếp tốt trong nhiều năm qua, từ thực hiện chương trình, soạn giảng và kiểm tra, đánh giá.
Tuy nhiên, để việc tổ chức dạy học lịch sử địa phương đảm bảo cập nhật, phù hợp nội dung Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước, thời kỳ 1858 – 1975 và Lịch sử đảng bộ huyện Tiên Phước giai đoạn 1975 – 2010 (xuất bản năm 2014), kết hợp tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, vừa qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước đã thành lập các Tổ kiểm tra việc thực hiện chương trình và chất lượng giảng dạy lịch sử địa phương, hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng tại hai trường tiểu học (TH) và hai trường THCS.
Trong thời gian hai ngày 20/4 và 24/4/2015, các Tổ kiểm tra đã đến làm việc tại trường TH Tiên Thọ, TH Tiên Cảnh 1, trường THCS Nguyễn Du và THCS Nguyễn Văn Trỗi. Tại mỗi đơn vị khảo sát, có đầy đủ đại diện lãnh đạo Đảng ủy, cán bộ phụ trách tuyên giáo của Đảng ủy địa phương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên giảng dạy môn lịch sử.
Qua theo dõi báo cáo, nghe trao đổi, phản ánh, nhất là trực tiếp dự giờ một số tiết học, có thể nhận định công tác giảng dạy lịch sử địa phương và giáo dục truyền thống hiện nay tại các trường học còn vướng phải một số vấn đề, cần được khẩn trương quan tâm lãnh chỉ đạo và tập trung giải quyết, đó là: Nội dung lịch sử địa phương chưa sát hợp với lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng bộ huyện và các xã, thị trấn; không tương thích với độ tuổi và khả năng nhận thức của học sinh; phân bố thời lượng mất cân đối; đồ dùng, thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, giản đơn. Về giáo dục truyền thống địa phương, còn nặng “từ chương”, “bổn cũ”, chưa có mô hình thật phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh trải nghiệm giữa “người thật”, “việc thật” trong niềm tự hào, lòng biết ơn và ý thức đáp đền…
Tại các cuộc làm việc, Phòng GDĐT huyện đã lắng nghe nội dung phản ánh của các địa phương, nhà trường và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trong thời gian đến, Phòng GDĐT sẽ tổ chức họp Hội đồng cốt cán bộ môn lịch sử để bàn bạc, phân công xây dựng đề cương Tài liệu lịch sử địa phương, tiến tới hội thảo lấy ý kiến trong toàn thể nhà giáo giảng dạy lịch sử. Trên cơ sở đó, biên soạn nội dung hoàn chỉnh, trình các cấp thẩm định, phê duyệt, phấn đấu đầu năm học mới 2015 – 2016 có tài liệu chuẩn, phân phối chương trình lợp lý cùng với việc đầu tư mua sắm, cung ứng, trang bị đầy đủ đồ dùng, thiết bị theo danh mục tối thiểu nhằm phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy lịch sử địa phương và giáo dục truyền thống tại các nhà trường.
Nguyễn Ngọc Mẫn - Phó Phòng GD & ĐT Tiên Phước