Gãy gánh hoàn lương
Sáng 8-5-2014, theo chân anh Trần Văn Tiếp, công an viên xã Tiên Lộc (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), tôi đến căn nhà ngói đã phủ màu rêu theo năm tháng, khuất sau hai hàng cau xanh cao vút bên dòng sông Tiên hiền hòa thơ mộng. Chủ nhân ngôi nhà là Lê Văn Tuệ, sau một thời hoàn lương đã trở lại chốn lao tù trong một phiên tòa đầu năm 2014 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
ĐẠI CA ĐẤT VÀNG
Học xong lớp 12, Lê Văn Tuệ chẳng muốn thi vào một trường đại học hay trung cấp nào vì chuyện tiền nong không cho phép. Vào thời điểm này, thanh niên Tiên Phước ồ ạt kéo nhau lên các vùng núi Tiên Phước, Trà My đào đãi vàng sa khoáng. Chuyện nhiều người trúng vàng đã thôi thúc giấc mơ làm giàu của Tuệ. Thế là Tuệ khăn gói cùng bạn bè lên Trà Giốc, Trà My úp mặt vào đất, tựa lưng vào tường hầm vàng để mưu sinh.
Nhưng thời gian chậm chạp trôi đi trong những bữa cơm thiếu muối cộng với những cơn sốt rét rừng đã làm cho những chàng trai đất Tiên, trong đó có Lê Văn Tuệ mệt rã người. Thời điểm này, công an liên tục truy quét, cả bọn thi nhau đi sâu vào rừng lẩn trốn để rồi rước thêm vào người cái đói, cái rét lạnh căm và tiếp tục hành trình đào đãi vàng. Những hạt vàng mụn không đủ để lo cái ăn, chưa nói cho đầu tư tái sản xuất. Thế là cả bọn chia tay nhau tìm đường làm ăn riêng với hành trang trên chục triệu đồng bán máy móc, máng đãi vàng chia nhau. Từ đó, Tuệ thân chinh đi tìm nơi gầy dựng “cơ nghiệp” mà bãi đá saphia Trường Xuân (Đắk Nông - Đắk Lắk) là điểm dừng chân.
Lê Văn Tuệ và đồng bọn
Vừa đến nơi, chứng kiến cảnh đánh nhau cướp đá diễn ra, Tuệ lập tức ra tay nghĩa hiệp bênh vực đám yếu thế quê Nông Cống (Thanh Hóa), đánh cho những kẻ cướp rừng tan tác. Sau trận chiến, Tuệ được đám thắng trận tôn xưng là đại ca và mời ở lại “đồng cam cộng khổ” cùng anh em. Tuy nói là đồng cam cộng khổ, nhưng Tuệ chẳng phải làm lụng vất vả mà chỉ việc bảo bọc chở che cho đám em út kém sức lẫn trí làm ăn. Tuệ cũng hình dung sẽ có ngày đám giang hồ núi kia lại phục thù, nên sắm ngay một thứ hung khí độc. Đó là “binh khí” đầu chì buộc dây đàn. Đúng như dự đoán của Tuệ, hơn 1 giờ sáng, Tuệ vừa một mình đến bãi đá thì lọt vào ổ phục kích của đám thất thủ hôm trước với đầy đủ dao, gậy lăm lăm trong tay. Chờ cho bọn chúng xáp vào tấn công, Tuệ lập tức ra đòn. Chưa đến mười phút chống trả, đám cướp rừng thất kinh hồn vía bỏ chạy tán loạn giữa đêm khuya.
Sau trận “đại chiến” đó, Lê Văn Tuệ trở thành nỗi khiếp đảm của các băng nhóm khác. Nghe tiếng Tuệ và muốn được yên thân hay nói đúng hơn là mong được đại ca Tuệ chở che nên nhiều nhóm đã hạ mình cung phụng Tuệ các món ngon vật lạ và cả tiền nong để Tuệ tiêu xài. Do “yêu cầu” của việc làm ăn lớn cho tương lai, Tuệ đành rời cứ địa saphia trong cuộc chia tay đầy nước mắt của đám đàn em Nông Cống. Sau một thời gian chu du “tầm sư học đạo”, Tuệ trở lại bãi đá saphia thì đám đàn em đã bặt vô âm tín, Tuệ đành kiếm sống bằng nghề... “xin đểu”.
“Gom được ít vốn, tôi đầu tư vào nghề khoan giếng để kiếm sống với ý định hoàn lương” - lời ngày ấy của Tuệ. Có thể nói nghề khoan giếng tuy có cực khổ nhưng là nghề hái ra tiền nên cuốn hút Tuệ vài ba năm. Nhưng rồi Tuệ nản chí vì lâu giàu quá. Trong lúc Tuệ đang nghĩ ngợi suy tư thì một đàn em nhờ lên bãi vàng Phước Sơn cứu giúp vì bị ức hiếp. Máu giang hồ lại trỗi dậy, Tuệ lập tức lên Phước Sơn đánh cướp lấy lại những gì bọn đàn em đã bị cướp. Gần chục cây vàng là khoản hậu tạ của đám đàn em đối với Tuệ.
Không muốn đôi tay vấy máu, Tuệ dạt lên bãi vàng ở Trà My “lập nghiệp”. Nghe uy danh của Tuệ, các chủ hầm, chủ lán trại nhanh chóng hạ mình cống nạp cho đại ca Tuệ trên 50 cây vàng. Giá như 50 cây vàng ấy Tuệ đem về nhà lo cho gia đình thì tốt biết mấy. Nhưng không, Tuệ đã nướng vào bài bạc, hút chích và chi xài hoang phí. Tuệ đã cùng một đại ca khác ôm gần 100 cây vàng ra Hà Nội ăn chơi. Hết tiền, đại ca này rủ sang Campuchia làm bảo kê cho một nhà hàng của người Việt. Sau một tháng rưỡi, Tuệ thấy nản và nhục quá nên bảo chủ quán đưa tiền để Tuệ về quê. Nghe âm giọng đầy sát khí của Tuệ, chủ quán đành móc tiền đưa. Tuệ trở về cố hương với ý nguyện gác kiếm giang hồ.
Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Một ngày đầu tháng 9-1995, trên chuyến xe đò từ Đà Nẵng về Tiên Phước, Tuệ không có tiền trả, bị lơ xe sỉ nhục. Tuệ tức máu cự cãi rồi xuống xe. Về Tiên Phước ngày hôm trước hôm sau Tuệ lên bãi vàng ở Trà My trở lại nghề cũ với tâm ý bằng mọi giá phải kiếm được thật nhiều tiền, vàng để... rửa nhục.
Chiến tích giang hồ những năm tháng trước và sự hoành hành bá đạo hiện tại càng làm Lê Văn Tuệ nổi tiếng khắp các vùng vàng từ Trà My đến Phước Sơn mà không một chủ hầm vàng, lán trại nào dám giỡn mặt. Tuy nhiên, một số giang hồ có máu mặt không ngán ngại đã ra sức lần tìm Tuệ để trả thù. Công an cũng đang truy lùng Tuệ để làm rõ những hành vi phạm pháp khiến Tuệ phải nhiều đêm một mình ngủ giữa núi rừng hoang vu, lạnh giá.
Sau những đêm ngày khốn khó, Tuệ cũng gặp được một số chiến hữu ngày nào và tiếp tục lao vào nghiệp chướng giang hồ và nghiện ngập. Sau Tết năm 1997, Tuệ cùng đám đàn em hốt được trên 2kg vàng ở một hầm vàng bỏ hoang sau những nhát cuốc diệu kỳ. Ngay sau đó cả bọn kéo về Đà Nẵng ăn chơi phung phí rồi rã đám. Khi Tuệ trở lại bãi vàng Phước Sơn cũng là lúc ở đây đang trúng vàng rất đậm, ông chủ Đ. mời Tuệ ở lại cùng hợp tác làm ăn. Nhiệm vụ của Tuệ là làm hung thần giữ cửa. Chẳng phải làm gì nhưng vẫn được cung phụng đầy đủ. Có tiền cộng với thói chơi ngông, Tuệ nhanh chóng trở thành con nghiện. Mỗi ngày Tuệ chích trên chục cữ, ngốn hết khoảng bốn, năm triệu đồng.
Rảnh rỗi Tuệ học nghề dùng hóa chất lọc quặng lấy vàng. Chỉ trong một thời gian ngắn Tuệ nổi tiếng về nghề lọc quặng và thăm dò mạch đá có chứa vàng, được các ông chủ hầm vàng săn đón và trả công hậu hĩnh. Tiền kiếm được, Tuệ đổ hết vào những cuộc ăn chơi với hành trang hàng chục cây vàng lận túi. Khi túi trống trơn, Tuệ mới quay về xứ vàng tiếp tục “xin đểu”. Khi có được vài chục cây vàng, Tuệ lại chu du khắp chốn. Hết tiền lại trở về. Cái vòng lẩn quẩn như cái nghiệp chướng bám riết lấy Tuệ.
Cuối năm 1998, các chủ hầm khai thác vàng làm ăn thất bát, thậm chí phá sản do quặng vàng đã cạn, đồng nghĩa với việc Lê Văn Tuệ bị cắt giảm những cung phụng của các ông chủ hầm vàng. Nghiệt ngã thay, lúc này các chủ hầm, lán trại đồng tâm “quật khởi” chống lại. Dĩ nhiên những cuộc thư hùng diễn ra khiến Tuệ lẫn đàn em ôm đầu thoát chạy, bởi loại hung khí cục chì trên dây đàn không thể cự nổi cả chục đối tượng tấn công dồn dập từ nhiều phía. Lê Văn Tuệ đành chia tay bọn đàn em để tự cứu mình.
Đúng lúc Tuệ khốn quẫn thì gặp được M. - một chủ hầm khá nổi tiếng ở đất vàng này. Theo đại tá Huỳnh Đức Cường, nguyên là Phó trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam - người hùng điều tra truy bắt tội phạm hình sự trên đất vàng một thời, thì M. quê ở Võ Nhai, Thái Nguyên, là một thầy giáo, có vợ là cán bộ ở huyện Phước Sơn. Xuất thân là thầy giáo nên M. đưa ngay nội quy không thuốc phiện, bài bạc, gái gú ở lán trại của mình và buộc các “trại viên” phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Thấy nhóm M. vẫn làm ăn phát đạt, nhóm V.L, quê Thái Nguyên, đã tổ chức triệt hạ. Cuộc xáp chiến vừa diễn ra thì Lê Văn Tuệ cũng vừa tới. Thấy một đám đông ỷ thế hiếp người cô thế, Tuệ lập tức quất đầu chì nhanh như tia chớp vào đầu từng tên. Trước loại vũ khí quá lợi hại, đám V.L đành ôm đầu máu thoát chạy. Thoát chết trong gang tấc, M. bắt tay cảm ơn người hùng Lê Văn Tuệ và mời về lán trại hậu đãi. Từ đó Tuệ làm thần giữ cửa, kiêm chức đốc công cho hầm, lán trại của M. Từ đây cuộc đời của đại ca đất vàng đã sang trang mới, một trang đầu của cuộc hoàn lương số phận. Hàng ngày, Tuệ vừa trông coi thợ vừa trực tiếp đào đất khai thác vàng với một thái độ lao động cật lực, mong kiếm những đồng tiền chính đáng.
Quyết tâm giúp Tuệ hoàn lương, M. luôn tìm cách động viên, chia sẻ bằng đủ mọi cách nhưng nhận thấy Tuệ vẫn chưa muốn quay đầu. Một hôm, dưới cái nắng trưa hè nơi núi rừng nóng rát, M. nói với Tuệ: “Lán của tao tuyệt đối không có ma túy, nhưng mày vẫn lén lút hút chích. Mày không biết tôn trọng bản thân, không tôn trọng cái chung của thiên hạ. Tao cho mày một số tiền ngoài tiền công, mày đi cai rồi về quê cưới vợ, lo cho mẹ già, nếu mày không nghe thì đường ai nấy đi”. Tuệ ngồi im, không nói không rằng, đăm chiêu nhìn làn khói thuốc.
Ngày hôm sau, vẫn không nhận được câu trả lời của Tuệ, M. lập tức dẫn đàn em ra đi, bỏ lại toàn bộ hầm vàng và dụng cụ. Tuệ một mình chưa biết tính sao thì đám em út cũ từ Thái Nguyên mới vào xin nhập bọn, Tuệ chán chường gật đầu. Nhưng rồi cả Tuệ và đám đàn em đều nghiện ngập nên chẳng làm nên cơm cháo gì để rồi một tuần sau, Tuệ bán hết những gì M. để lại. Số tiền thu được chỉ đủ để Tuệ và đám đàn em sống lây lất mấy ngày.
Vườn cây nhà Lê Văn Tuệ
Những ngày sau đó, Tuệ dẫn đám đàn em đi làm thuê cho các chủ hầm khác để kiếm sống. Nhưng tiền làm thuê không đủ phê ma túy, Tuệ thấy chán nản. Thế rồi sau một đêm nằm gác tay lên trán, ngẫm suy những lời của M., Tuệ bỗng chợt tỉnh với quyết định cai nghiện để hoàn lương.
Lúc này không một đồng dính túi, Tuệ đành ngửa tay xin tiền chủ hầm Đ. và nói rõ ý định của mình. Đã từng được Tuệ giúp chống lại những kẻ đầu gấu và xem Tuệ như một ân nhân nên Đ. đồng tình với ý định của Tuệ và cho Tuệ nguyên cả một máng quặng vừa khai thác, Tuệ đãi được hơn chín lượng vàng rồi xuống núi trực chỉ Hà Nội cai nghiện. Hơn chục ngày sau, những cơn nghiện đã được cắt, Tuệ trở về đất Tiên (vùng quê Tiên Phước) với cái thân xác gầy còm và hai bàn tay trắng.
Ra đi từ con số không, trở về vẫn không có gì thay đổi, nhưng với quyết tâm đoạn tuyệt quá khứ giang hồ, Lê Văn Tuệ đã sớm tái hòa nhập cuộc mưu sinh nơi miền quê sơn cước còn lắm khó khăn vất vả. Lúc này nghị lực dường như là một tố chất đã giúp Tuệ lao động kiếm sống, cưới vợ, sinh con. Thời gian thấm thoát trôi đi, Lê Văn Tuệ tuyệt nhiên không nghĩ gì, mơ gì về những tháng ngày nơi rừng thiêng nước độc đầy máu và nước mắt. Tuệ an phận với cuộc sống bình thường ấy được bốn năm thì niềm vui đã đến khi một người con gái hiền lành cùng quê đã về làm vợ Tuệ. Những đứa con dễ thương lần lượt ra đời đã thắp thêm cho Tuệ niềm tin và nghị lực để Tuệ hy vọng vào cuộc sống hạnh phúc mà trước khi nhắm mắt lìa đời người mẹ già đã cầm tay Tuệ dặn dò.
Năm tháng trôi đi, người vợ hiền lần lượt hạ sinh cho Tuệ ba đứa con thật dễ thương trong sự tảo tần sớm hôm với nghề làm ruộng lẫn buôn quế Trà My của hai vợ chồng. Cuộc sống dần đổi thay, nhà cửa ngày một khang trang, chuyện cơm no áo ấm, con cái học hành cũng không nặng gánh mưu sinh lắm so với sự cần cù của vợ chồng Tuệ. Đây quả thực là thứ hạnh phúc đúng nghĩa mà Lê Văn Tuệ hằng mong ước. Nhưng ngặt nỗi, những tháng ngày lang bạt giang hồ bao năm đã mang vào mình Tuệ những căn bệnh quái ác mà mỗi tháng tiền chạy chữa phải hàng triệu đồng, là một mối ưu tư trăn trở hằng đêm của Tuệ.
Nghĩ những đồng tiền lời buôn quế của vợ chồng là để lo cho con cái học hành, không thể lấy để lo cho bản thân mình được, thế là kẻ hoàn lương Lê Văn Tuệ đành khăn gói ra đi sau những ngày xuân 2013 vừa qua. Từ đây con đường hoàn lương của Tuệ bắt đầu gập ghềnh sóng gió.
TÁI XUẤT GIANG HỒ
Tuệ khăn gói ngược núi với hy vọng những ngón nghề học được trong những năm tháng giang hồ sẽ làm tái sinh thời hoàng kim rủng rỉnh tiền, vàng. Nhưng sự đời đâu dễ như vậy. Thế là sau những ngày từ Trà My (Quảng Nam) qua các bãi vàng ở Kon Plong, tỉnh Kon Tum, Tuệ cũng chẳng làm ăn được gì vì không một ai kết nạp vào nhóm. Lúc này căn bệnh quái ác trong người thỉnh thoảng lại hành hạ làm Tuệ đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuệ không còn là một Lê Văn Tuệ giang hồ hoàn lương đầy bản lĩnh nữa, bởi trong đầu hắn đang nghĩ tới một cuộc đổi đời lần thứ hai.
Trong lúc Tuệ đang toan tính những bước đi cho cuộc đổi đời ấy thì tình cờ vào một ngày đầu tháng 8-2013, tại bãi vàng ở xã Hiếu, huyện Kon Plong, Kon Tum, Tuệ được một người lạ bán cục vàng giả với giá gần 4 triệu đồng. Cái túng quẫn lúc này cộng với nhu cầu cần tiền để chữa bệnh đã hợp sức quật ngã kẻ một thời hoàn lương, khiến hắn chính thức bắt đầu những bước rẽ lối. Thấy cục vàng giả này rất giống loại vàng thật các phu vàng đãi được, Tuệ nghĩ ngay đến chiêu lừa các tiệm vàng hòng chiếm đoạt số tiền lớn. Nhưng nơi đất khách quê người, một thân một mình sẽ rất khó thành công trong việc lừa gạt thiên hạ, nên Tuệ tìm người kết nhóm bất lương. Rồi tình cờ gặp Trần Văn Ngạc (trú xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) và Dương Minh Quang (24 tuổi, trú thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), Tuệ gợi ý và vẽ ra một con đường sáng cho cuộc đổi đời, Ngạc - Quang (đều có tiền án) đồng ý ngay. Thế là nhóm chuyên lừa bán vàng giả do đại ca giang hồ Lê Văn Tuệ cầm đầu ngày nào bắt đầu hoạt động.
Là những người con của quê hương Quảng Ngãi, Ngạc và Quang khá rành các tiệm vàng ở xứ sở mình. Nhận cục vàng nhỏ từ tay đại ca Tuệ, tối 17-9-2013, cả hai đến hiệu vàng Hường ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức giở trò. Ông Đoàn Xuân Đàm (43 tuổi) là chủ hiệu vàng được một tên cho biết số vàng trên được đãi tại xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cầm trên tay kiểm tra và cắn thử, ông Đàm không ngần ngại mua số vàng trên. Cân được 3 chỉ, ông Đàm đưa cho chúng 6 triệu đồng. Hai ngày sau, ông Đàm đem số vàng này ra nấu thì phát hiện là vàng giả. Là hiệu vàng đang làm ăn phát đạt lại sợ mất uy tín, nên ông chủ Đàm không dám tố cáo hành vi lừa đảo của bọn này với chính quyền. Và cũng chính cái sự không dám này đã không bứt dây động rừng, nên tiệm vàng của ông được nhóm Tuệ tái ngộ một lần nữa để rồi cả bọn sa lưới.
Trưa 21-9, chúng vào hiệu vàng Hường bán tiếp số vàng giống như trước. Khả nghi là nhóm đối tượng giả phu vàng, vợ chồng ông Đàm bí mật gọi điện cho Công an xã Đức Lân trình báo. Nhưng công an chưa kịp đến thì cả bọn vội vã lên xe máy bỏ chạy. Người dân và lực lượng Công an xã Đức Lân lập tức truy đuổi. Hai tiếng đồng hồ sau, Công an xã Đức Lân và Công an huyện Mộ Đức cùng người dân bắt được một tên đang trốn tại nhà xưởng bỏ hoang ở cụm công nghiệp Thạch Trụ, đó là Dương Minh Quang. Cuộc hỏi cung khẩn cấp, Quang đã khai ra tên đồng bọn Trần Văn Ngạc. Công an huyện Mộ Đức khẩn trương lên huyện Ba Tơ tiếp tục bắt giữ Ngạc. Quang và Ngạc nhanh chóng khai ra kẻ chủ mưu Lê Văn Tuệ. Công an huyện Mộ Đức tiếp tục tung thêm lực lượng bao vây, chốt chặn khắp các ngả đường và bắt giữ Tuệ khi hắn đang đón xe khách trốn về Quảng Nam.
Đã từng cướp bóc nhưng lần này Tuệ mới có dịp ngồi trước bàn hỏi cung của công an. Những kinh nghiệm giang hồ bao năm không thể giúp hắn khai gian dối trước các sĩ quan điều tra giàu kinh nghiệm. Trước đó, ngày 15-9, cả nhóm kéo lên thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, một mình Ngạc cầm vàng đến hiệu vàng Bảy Thiên gạ bán. Lúc này trời sẩm tối, mưa lớn, sau khi xem vàng bằng mắt, ông Thuyên đồng ý mua và nói giá khoảng 2,5 triệu đồng/chỉ. Sau khi cân được 3,5 chỉ, ông Thuyên đưa cho Ngạc 8.750.000 đồng. Nhét túi số tiền trên, cả ba lập tức biến rồi ung dung chia tiền ở một quán nhậu cách đó gần ba cây số.