Góc nhìn mới về làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước
Cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 7 km về hướng tây, làng cổ Lộc Yên thôn 5 xã Tiên Cảnh, Tiên Phước vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn không gian làng quê xưa xứ Quảng. Ẩn trong những khu vườn cây trái xanh tươi là các ngôi nhà cổ tuổi đời hàng trăm năm với các vi kèo được làm bằng gỗ mít được người thợ mộc Văn Hà xưa chạm trổ hoa văn cây lá tinh xảo. Làng nằm tựa lưng vào núi nhìn ra khoảng không gian thoáng rộng với những ruộng lúa bậc thang, những con đường chạy qua các chân ruộng bắp. Dẫn vào mỗi ngôi nhà là ngõ đá rêu phong uốn lượn giữa 2 hàng chè tàu như minh chứng về một thời khai phá đất đai của những bậc tiền nhân
. Qua cái nhìn thẩm mỹ dân gian của người xưa làng Lộc Yên được bàn tay của bao thế hệ người dân nơi đây thiết kế, bài trí để tạo nên một bố cục không gian độc đáo, hoàn hảo. Thời gian qua, nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa làng đã được huyện Tiên Phước chú trọng; việc quảng bá, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch cũng được triển khai, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Việc bảo tồn, xây dựng sản phẩm du lịch và cơ sở hạ tầng vẫn là bài toán đang tìm lời giải đáp.
Giữa tháng tám vừa qua, GS - KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện Trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ), thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam, người có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng đề án quy hoạch và bảo tồn 2 làng cổ nổi tiếng Việt Nam là làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế) và làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã đến thăm Lộc Yên. “Sửng sốt” là ấn tượng đầu tiên của ông khi đến nơi đây. Dưới cái nhìn của một chuyện gia, làng cổ Lộc Yên hiện hữu với những giá trị văn hóa và du lịch rất lớn, vượt xa cả 2 ngôi làng cổ Phước Tích và Đường Lâm. Theo ông, làng là một bố cục kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh, tập hợp của 3 yếu tố là nhà cổ, môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường nhân văn, trong đó nhà cổ như một sản phẩm đầu ra tạo nên điểm nhấn cho không gian văn hóa và cảnh quan nơi đây. “Khi chưa đến tôi nghĩ làng Lộc Yên chỉ là nơi có nhiều nhà cổ nhưng đến đây tôi mới thấy là bên cạnh những nhà cổ thật sự có giá trị thì sự hòa quyện giữa núi đồi ruộng vườn sông để tạo nên cảnh quan sinh thái tự nhiên rất đẹp, bình dị mà khác thường.” Điều làm ông sửng sốt nhất là người dân Lộc Yên qua nhiều thế hệ đã biết lồng ghép kiến trúc nơi mình sinh sống hòa nhập với thiên nhiên thông qua các bậc lên dốc lên xuống để tạo lên một không gian đậm nét văn hóa đặc trưng. “Người dân ở đây đời nọ sang đời kia khuân đá sắp xếp, nhưng sắp xếp không chỉ để đi mà còn sắp xếp cho đẹp, xếp theo bố cục mà bây giờ chúng ta hay nói, nhưng ngày xưa người ra không nghĩ là bố cục; hầu như là một thiết kế, một nhân tố trục cảnh quan theo khái niệm ngày này, và đó là điều tuyệt vời bởi vì văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian trong sự sắp đặt, trong sự tổ chức môi trường sống của mình đã đạt đến độ nhuần nhị và đạt đến giá trị thẩm mỹ”- GS Hoàng Đạo Kính nhận xét.
Một vấn đề được ông đặc biệt quan tâm là việc khai thác du lịch và bảo tồn làng cổ. Theo GS Hoàng Đạo Kính, làng cổ Lộc Yên là một sản phẩm du lịch khá hoàn hảo, một bữa tiệc của du lịch văn hóa đã được dọn sẵn, nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả là cả một chiến lược dài hơi của ngành du lịch để có thể vừa phát huy được tiềm năng du lịch mà không phá vỡ cảnh quan vốn có. Làm được điều này cần xác định rõ cách thức và đối tượng bảo tồn. Theo ông, phát triển du lịch không phải đầu tư ồ ạt vào làng cổ để tận thu, mà phát triển du lịch phải gắn với quyền lợi người dân, không phá vỡ cảnh quan và môi trường sống người dân nơi đây; “Không thể nói đây là khu bảo tồn để rồi trở thành cái đối ngược với dòng chảy cuộc sống, phải kết hợp giữa nhu cầu sống của người dân với tiện nghi cuộc sống, bảo tồn để góp phần cho cuộc sống người dân phong phú hơn, giàu đẹp hơn, đừng để hai cái đối ngược nhau và chính đấy mới là bản chất của bảo tồn và của du lịch văn hóa”. Chính cảnh đẹp thiên nhiên này, môi trường sinh thái tự nhiên này cộng với công trình kiến trúc cổ sẽ là những sản phẩm đặc trưng mà chỉ Lộc Yên có.
Ông nhấn mạnh: “Bảo tồn ở đây là bảo tồn đặc trưng, không phải là bảo tồn phố cổ Hội An, không phải là bảo tồn Mỹ Sơn mà là bảo tồn một ngôi làng đang sống bình thường, không nên biến đây thành một bảo tàng, phải đặt ra đối tượng để bảo tồn, thứ nhất là các ngôi nhà cổ cùng không gian bao quanh, thứ hai cố gắng bảo tồn môi trường cảnh quan thiên nhiên sinh thái đặc biệt, khuyến khích người dân tiếp tục tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn, cái hiện nay rất đẹp rồi; rất ngạc nhiên là người dân nơi đây lại có thể tạo ra môi trường sống xung quanh đẹp đẽ đến như thế, nhuần nhị đến thế, chính cái này cũng là bảo tồn và người dân vẫn tiếp tục duy trì thẩm mỹ dân gian này mà không nên bổ sung quá nhiều những nhân tố mới; tiện nghi cuộc sống thì có, những nhân tố cuộc sống nên bổ sung, nhưng về cảnh quan thì cố gắng giữ gìn cái thẩm mỹ mà nó nảy sinh từ ngay những vật liệu địa phương, chất liệu địa phương, không nên làm cái việc tô điểm để làm giả thêm bớt, cái mà hay xảy ra ở các di tích”.
Cũng theo ông, chính quyền địa phương nên lấy đây làm một điểm du lịch văn hóa, bên cạnh Hội An, bên cạnh Mỹ Sơn, bên cạnh nhiều cảnh đẹp khác thì Lộc Yên sẽ là điểm đến lý tưởng “Tôi nghĩ rằng điểm này sẽ phát huy rất nhanh nếu chúng ta biết tuyên truyền quảng bá, nói ra được những giá trị đặc trưng mà ở đây có nhưng nơi khác không có. Về mặt du lịch ở đây gần như là xong chỉ còn việc mình du lịch hóa nó ra sao, tôi nghĩ là đầu tư không lớn, phải nhận thức cho được đầy đủ giá trị của vùng đất này và đầu tư tối thiểu nhưng có văn hóa”. Nếu làm được những điều trên du khách sẽ được thụ hưởng những giá trị văn hóa nguyên vẹn “Khi chúng ta đứng giữa không gian làng, chiêm ngưỡng cái đẹp ở một vùng đất gần như vùng sâu vùng xa này; nhìn vào thẩm mỹ dân gian, thẩm mỹ đã được hun đúc, tinh luyện qua quá trình tồn tại, bằng cảm hứng tự nhiên của con người thì lại buồn cười khi thấy thẩm mỹ trọc phú, trưởng giả, lai tạp ở khắp nơi”.
Phát triển du lịch là một điều nên làm nhưng phát triển làm sao để không gian di sản không bị phá vỡ mới là điều quan trọng. Với làng cổ Lộc Yên, Bảo tồn và phát triển không chỉ khai phá tiềm năng du lịch địa phương mà qua đó sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân nơi đây, nhất là chủ nhân của các ngôi nhà cổ để biến du lịch trở thành động lực cho sự phát triển của vùng đất này.
PHÓNG SỰ LÀNG CỔ LỘC YÊN TRÊN VTV DA NANG