Đúc tượng danh nhân
Phước Kiều là làng nghề đúc đồng nổi tiếng của xứ Quảng có hơn 300 năm tuổi. Trong lịch sử, nhiều nghệ nhân của Phước Kiều đã được triều đình nhà Nguyễn triệu ra kinh đô phong tước, đãi ngộ để phụ trách việc thực hiện các tác phẩm nghệ thuật, công cụ nghi lễ trong cung điện.
Nhiều năm trở lại đây, cùng với chủ trương khôi phục làng nghề, phát triển du lịch, làng đúc đồng Phước Kiều trở thành điểm tham quan trên “Hành trình di sản miền Trung”. Hàng vạn bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, những chiếc đại hồng chung của các cơ sở tôn giáo đã được các nghệ nhân tại đây thực hiện. Không chỉ có tay nghề tinh xảo, các nghệ nhân Phước Kiều còn có một “gia sản” quý báu khác, đó là khả năng thẩm âm, tạo tiếng cho các bộ cồng chiêng, các loại chuông lớn. Đó là một kỹ năng đặc biệt tạo cho danh tiếng làng nghề vang xa…
Gần đây, nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy đã nhận được giải thưởng tại triển lãm nghệ thuật toàn quốc với tác phẩm “Đôi mắt” bằng chất liệu đồng do gia đình nghệ nhân Dương Ngọc Tiển và các cộng sự của làng nghề Phước Kiều thực hiện. Điều đó cho thấy tay nghề và kỹ năng thực hiện các tác phẩm nghệ thuật phức tạp của nghệ nhân Phước Kiều. Do “cơ duyên đưa đẩy”, Nguyễn Văn Huy đã được gia đình chí sĩ Lê Cơ đặt sáng tác bức tượng bán thân của ông để đặt tại một khu lưu niệm ở Tiên Phước trong thời gian đến. (Chí sĩ Lê Cơ là nhà thực hành xuất sắc, đã xây dựng tại vùng quê hẻo lánh miền sơn cước Phú Lâm (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) thành một “làng Duy tân” điển hình, tiếng tăm lừng lẫy cả nước đầu thế kỷ 20.
Chí sĩ Lê Cơ có câu nói nổi tiếng: “Không làm được việc lớn trong thiên hạ thì cũng có thể thí nghiệm trong một làng!”. Bằng suy nghĩ đó, ông thực hiện triệt để các tiêu chí “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của phong trào Duy tân bằng những việc làm cụ thể như: mở trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, mở thương cuộc, lập nông hội trồng tiêu, quế, chè theo phương pháp mới, lập công hội, dựng lò rèn, làm tiểu thủ công nghiệp, lập hội bảo hiểm, hội mặc đồ tây, cắt tóc ngắn... tại làng Phú Lâm).
Sau khi phác thảo bức tượng Chí sĩ Lê Cơ được chọn, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy đã không ngần ngại giới thiệu nghệ nhân Dương Ngọc Tiển thực hiện. Nhà hoạt động văn hóa Lê Nguyên Đại, cháu nội của chí sĩ Lê Cơ cho biết: “Tạp chí Xưa và Nay cũng đặt vấn đề đúc tượng chí sĩ trong chương trình “Góp đồng đúc tượng danh nhân” nhưng vì rất thích phác thảo của Nguyễn Văn Huy và tin vào tay nghề của các nghệ nhân Phước Kiều, chúng tôi đã chọn lựa phương án đúc tại đây, dù có tốn kém hơn…”.
Đúng ngày rằm tháng 9 vừa qua, tại nhà nghệ nhân Dương Ngọc Tiển đã diễn ra lễ lên lửa nung đồng, rót đồng cho tượng chí sĩ Lê Cơ theo mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy. Sau các nghi thức truyền thống rất trang trọng, lễ rót đồng đã hoàn tất mỹ mãn. Theo nghệ nhân làng nghề Dương Ngọc Tiển, việc rót đồng tượng danh nhân khó hơn đúc các công cụ nghi lễ truyền thống khác, vì không có khuôn mẫu sẵn nên phải mất hơn một tháng làm khuôn theo phác thảo với sự giám sát của người sáng tác. Đồng nguyên liệu phải tuyệt sạch và thêm vài loại kim loại khác để sắc đồng trong óng khi tác phẩm hoàn tất.
Theo đánh giá của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy, với những tác phẩm nghệ thuật và tượng danh nhân đòi hỏi kỹ thuật cao mà nghệ nhân Phước Kiều thực hiện được, sẽ tạo một lối đi mới cho làng nghề. Từ câu chuyện làng đúc đồng Phước Kiều gợi mở cách tìm lối ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống, đó là việc đa dạng hóa sản phẩm thích nghi với nhu cầu của thị trường đương đại!
Trương Điện Thắng - Báo Quảng Nam