www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đôi bạn đặc biệt Mính Viên và Tiểu La

Đối với Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành thuộc bậc đàn anh đáng kính, cả về tuổi tác lẫn tài năng và nhân cách. Và hai ông đã trở thành một “đôi bạn đặc biệt”. Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng kể nhiều kỷ niệm đẹp, đầy xúc cảm giữa hai nhà cách mạng hàng đầu của xứ Quảng.

 

Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911)
Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911)

Huỳnh Thúc Kháng và Tiểu La Nguyễn Thành Là người của “cựu đảng Cần Vương”, Nguyễn Thành lớn hơn Huỳnh Thúc Kháng 13 tuổi (sinh năm 1863). Năm 1888, khi Huỳnh Thúc Kháng mới bắt đầu cắp sách đi học trở lại sau mấy năm binh lửa thì Tiểu La đã từng là Tán tương quân vụ, vị tướng tài năng nhất của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), được Nguyễn Thân đánh giá là “Nam Ngãi tri binh, duy Hàm(*) nhứt nhơn nhi dĩ” (Nghĩa hội Nam Ngãi chỉ có Hàm là người biết dụng binh mà thôi).

Lúc cuộc dân biến xảy ra năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng là lãnh tụ của phong trào Duy tân cùng Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, thuộc phái Minh xã, chủ trương bất bạo động, thực hiện khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Trong khi đó Nguyễn Thành là đồng chí thân cận của Phan Bội Châu trong Duy Tân hội, thuộc phái Ám xã, chủ trương bạo động đánh đổ thực dân Pháp để giành độc lập.

Tuy nhiên, đối với thực dân Pháp và triều đình Nhà Nguyễn, cuộc dân biến cự sưu kháng thuế năm 1908 là do các lãnh tụ của “phong trào Duy tân” xúi giục. Lúc này  Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội (sau đó bị bắt ngày 31-3), Trần Quý Cáp đã đổi vào Khánh Hòa; Nguyễn Thành và Huỳnh Thúc Kháng là hai nhân vật đầu sổ, vì vậy hai ông bị bắt trước tiên.

Phan Khôi, một người trong cuộc cho biết: “Do việc “dân biến” năm 1908 mà hết thảy những người có chân trong cuộc vận động bất luận minh hay ám đều bị mắc vào một lưới. Ở trong tù, họ ngó nhau mà cười. Vì không ai ngờ có một thứ pháp luật lạ lùng đến nỗi ghép được hai cái tội gần đến trái nhau vào một án như nhau!” (Tạp chí Sông Hương, số tháng 10-1936).

Bản án ngày 3 tháng 8 năm Duy Tân thứ hai (tức 29-8-1908) đã kết án hai ông: “Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (…) Cung phụng Nguyễn Thành (…) là người trong danh sắc, há không biết người phản quốc (Phan Bội Châu), thế mà Nguyễn Thành thấy y đến nhà liền mời Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đến cùng mưu nghị, kế nghe y bỏ nước đi… Cẩn án luật mưu bạn… nhưng xét Phan Châu Trinh đã vâng án nghị xử tử, phát đi Côn Lôn, Huỳnh Thúc Kháng xin cùng Phan Châu Trinh đồng tội xử tử, phát phối Côn Lôn… Nguyễn Thành xin xử trượng 100 đày 3.000 dặm, phát giao biệt xứ phối dịch…”. (Nguyễn Thế Anh - Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, NXB Văn học, 2008, các trang từ 49-580).

Những kỷ niệm khó quên

Tháng 2-1908, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt ở Tiên Phước giải về giam ở nhà lao Hội An. Buổi sáng ngày thứ hai trong tù ông được gặp “đồng nhân”. Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng cho biết ở trang 19: “Đến Faifo thì trời đã tối, quan một dẫn tới một cái phòng bảo tôi rằng: “Ông vào đấy nghỉ, sáng ngày sẽ lên yết kiến quan sứ”.

Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)
Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)

Tôi chưa kịp trả lời thì cửa phòng đã khóa lại, bốn bên kín mít, tôi mới biết cái bóp tối giam người. Sáng hôm sau độ 7 giờ, có một người lính tập mở cửa, một tên tù vào đem thùng nước tiểu ra, tôi liếc thấy cách cái sân giữa chừng 3 trượng một cái phòng bên kia đối diện với phòng tôi cũng mở cửa, trong cũng có một người. Nhìn kỹ thì người bị giam trong phòng ấy không phải là ai lạ, chính là Tiểu La tiên sinh. Hai chúng tôi cùng ngó nhau mà cười, song chỉ trông nhau bằng con mắt mà không nói được câu gì. Cửa phòng lại khóa lại mất”.

Tuy nhiên lợi dụng lúc vào toa-let hai ông đã có cuộc trao đổi thông tin: “Tôi vào phòng tiêu, thì Tiểu La tiên sinh cũng được một người lính dẫn vào cầu tiêu bên cạnh. Thế là hai anh em cùng ngồi trong cầu tiêu nói chuyện. Có tin tức gì cũng trao đổi nhau được”. Và cụ cho rằng: “Đó là một việc thú trong tù không sao quên được”.

Sau khi nghe tuyên án xong, chuẩn bị đi đày, các tù nhân có tổ chức một buổi chia tay bằng một “tiệc thi ca”. Nghĩ mình 10 năm khổ sai chỉ bị đày đi Lao Bảo còn Huỳnh Thúc Kháng án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo nên Nguyễn Thành chủ động đến chia tay Huỳnh Thúc Kháng bằng  một câu 7 chữ “Đồng thị thiên nhai lộ bất đồng” (Đồng cảnh ven trời lại khác đường). Câu chữ của Tiểu La được Huỳnh Thúc Kháng “vỗ tay khen hay và bảo thôi 7 chữ đủ rồi, không cần làm tròn bài”! Nhưng hôm sau lại nhận được tin cả hai người đều được… “đồng lộ” ra Côn Đảo!

Tháng 8 năm đó Huỳnh Thúc Kháng cùng Nguyễn Thành lên tàu ở bến sông Hàn để vào Sài Gòn rồi ra Côn Đảo cùng với 6 người nữa bị kết án.

Ra đảo được 2 năm thì Tiểu La qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã khóc cụ bằng 2 câu đối: “Mấy mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế gia, nào quân lữ gia, nào bí mật vận động gia, trăm lần uốn chẳng cong, đời cựu, buổi tân vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu/ Đôi ba bạn ruột rà thân thiết, kẻ sang đông, người sang tây, kẻ lại cùng hoang đày đọa, một ngày kia về nước, đỡ sau vừa trước, tiền trình buồn nỗi thiếu hai tay!”.

Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng dành hơn 10 trang để nói về Tiểu La, đặc biệt các trang từ 140-143 nói về cái chết của “người bạn đặc biệt” này. Dẫu biết Huỳnh Thúc Kháng là người có trí nhớ tuyệt vời nhưng nếu không có một tình cảm đặc biệt thì cũng không thể nhớ một cách đầy đủ các chi tiết nhất là cả hàng chục bài thơ và câu đối bạn tù viếng Tiểu La ngày ấy!

                                                     Lê Thí - Báo Đà Nẵng