www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đi săn ở quê tôi

Quê hương tôi thuộc vùng 5 xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam là một vùng bán sơn địa. Nơi đây là một thung lũng nằm giữa bốn bề là núi, một vòng cung núi bao bọc bốn bên xóm làng.  Vòng cung núi vắt  từ đồi Đoác vòng qua dãy Đá Lăn kéo một vệt dài qua đồi Phốc chạy dài qua Bằng Mây rồi giáp với dương Gò Mè.  Vùng 5 lọt thỏm giữa bốn bề là núi, chỉ có con đường độc đạo đi trên lưng đèo Hố Lươn chạy dài đến Đèo, thông ra Nà Cá.

Khi tôi lớn lên khi đã biết thì dân ở quê tôi sống bằng nghề nương rẫy và trồng lúa. Quanh năm vất vả mà không đủ sống. Đất canh tác ít ỏi chủ yếu phát rẫy trồng sắn trồng các loại cây như môn, khoai lang để sử dụng thêm trong cuộc sống.  Tuy đất đai cằn cỗi thế nhưng tình làng nghĩa xóm không nơi nào trong xã bằng.

Cứ đến mùa làm ruộng tiết tháng 11 mỗi sáng tinh mơ mọi người ra đồng rất sớm, trời mưa lâm thâm cái lạnh thấu xương, nhưng khắp cánh đồng chỗ nào tiếng la trâu ví, thá vang lên khắp làng. Sang mùa xuân ấm áp mọi người lên rừng phát rẫy trồng sắn trồng khoai. Đặc biệt quê tôi có tục đi săn thú rừng mà đến bây giờ cái cảnh đi săn chỉ còn lại trong tiềm thức của những người lớn tuổi. Lớp trẻ bây giờ nghe ông bà kể lại giống như trong truyện cổ tích. Trong làng có người nào lên rẫy thấy được dấu chân heo rừng hay nai, mang thì lập tức chạy về báo cho những gia đình chủ lưới.  Vùng năm chỉ có mấy gia đình như chú Chức, anh Tú, chú Hoàng là có lưới.

Khi nhận được tin cấp báo lập tức một hồi còi  túc tu túc tu vang lên khắp làng (còi là cái sừng trâu khoét một lỗ hình chữ nhật ở giữa gắn cái lưỡi gà bằng tre) lập tức mọi người trong làng dù có làm việc gì cũng bỏ. Thanh niên trai tráng kẻ vác giáo người cầm rựa, kẻ gánh lưới, kẻ đem Mun (tức là chỉ huy bầy chó đi săn). Theo sự cắt cử của những người lớn có kinh nghiệm , phân công chổ nào đóng lưới, đem Mun từ nơi nào đuổi tới… còn bọn trẻ chúng tôi được phân công đi đón những nẻo mà thú rừng có thể chạy qua để dồn chúng về nơi có lưới.

Xong đâu đấy toán dẫn chó bắt đầu cắt rừng cho lũ chó lùng sục đánh hơi thú rừng khi gặp hơi thú rừng lập tức bầy chó  được huấn luyện công phu bắt đầu cuộc rượt đuổi tiếng chó sủa vang khắp cả khu rừng,  chổ này đập, chổ kia hụi đúng là “ Mãnh thú nan địch quần Hổ”  thú rừng sợ quá chạy về phía chúng tôi, chó sủa , tiếng người la  hét vang cả khu rừng , lập tức bọn con nít chúng tôi đứa thì dùng miếng tôn đập cà xèng , cà xèng đứa thì gõ thùng đứa thì đập hụi  thú rừng sợ quá chuyển hướng chạy về nơi không có  tiếng người nhưng có biết đâu rằng những tay lưới vươn cao đằng sau những tay thợ săn tay nắm chắc cây giáo thép mắt sáng quắt đang đợi chúng .

Kia rồi một con heo rừng đen trùi trũi  vượt qua trước mặt lập tức người thợ săn hét lên một tiếng con heo kinh hãi phóng như một mũi tên về phía trước nhưng hỡi ôi lưới đã sập xuống con vật hung dữ nằm gọn trong lưới mắt đục ngầu nhìn người thợ săn nhưng với thế điêu luyện người  thợ săn  xuống tấn chân trước người lao về phía trước phóng một mũi giáo vào dưới nách con vật (chổ này trúng ngay tim mà cánh thợ săn gọi là sườn ba), người thứ hai xông tới bồi thêm một nhát con vật hộc lên một tiếng  vùng vẫy trong tuyệt vọng rồi năm quay lơ. 

Khắp rừng tiếng hú tiếng gọi nhau truyền thông tin là đã hạ được con heo rồi, một hồi còi vang lên thu quân về đem con vật về chủ nhà có tấm lưới đã bắt được con heo.

Chủ lưới bắt được con heo phân công tốp thanh niên trai tráng nấu nước làm thịt chia phần được qui định rất chặc chẽ. Trong làng từ bao đời con heo được chia làm các phần. Người đâm giáo nhất được cái nọng, người đâm giáo nhì được cái thăn, đầu đuôi và bộ lòng nấu cháo phục vụ cho bữa tối còn hai đùi thì một chia cho toán  đập rừng tức dẫn chó săn, còn đùi kia chia cho các tay lưới tham gia cuộc đi săn (chủ lưới bắt được con vật lấy hai phần).

Còn bọn con nít chúng tôi được một tí da bụng mà chúng tôi nói vui là “da guốc”. sau khi chia xong thì nầu cháo đã chín mùi thịt heo rừng bốc lên thơm lựng khiến ai cũng trào nước miếng. Một cụ già lớn tuổi nhất sai bày ra hai mâm, một mâm cúng ông Hổ một mâm cúng tổ săn. sau đó mọi người quây quần bên những cái nong ăn nói vui vẻ, kẻ lại  diễn biến quá trình đi săn tiếng cười nói vui vẻ đến tận khuya rồi ai về nhà nấy để ngày mai còn ra đồng. Ôi những kỉ niệm về những chuyến đi săn ấy cứ theo mãi trong tôi.

Giờ nhớ lại như mới ngày hôm qua, thời gian “thoáng bóng  câu qua cửa” mới đó mà đã đi qua bên kia con dốc của cuôc đời một đời người, cuộc đời với bao thăng trầm biến cố của lịch sử. Tuy cuộc đời với biết bao thay đổi nhưng những kỉ niệm đẹp của ngày xưa không bao giờ phai nhạt trong tôi . Tôi kể lại như thế để đời sau con cháu hình dung ra phần nào cuộc sống của cha ông nó vật lộn với thiên nhiên để sống, những buổi đi săn không những thể hiện tinh thần đoàn kết của cha ông ta mà là nét đẹp văn hóa của một làng quê. Ôi những kỉ niệm ấy sau này không bao giờ có được.

                                                                 Đoàn Văn Niên - Tiên Cảnh