www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đem "nhà quê" đến với "thành phố"

Nắm bắt được nhu cầu rất cao về thực phẩm sạch, hiện nay ở huyện Tiên Phước, Đại Lộc…đang hình thành dịch vụ cung cấp thực phẩm “nhà quê” đến các thành phố lớn tiêu thụ.     

Chị Loan ở huyện Tiên Phước có gia đình đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, do gia đình có nhu cầu sản phẩm sạch, nên chị hay gửi thực phẩm bằng xe khách. Do là hàng quê, giá cả cũng không đắt đỏ nên nhiều người rất thích. Cứ người này giới thiệu người kia, nên chị trở thành người bán hàng “bất đắc dĩ”. Nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, chị Loan bắt đầu kinh doanh thực phẩm “quê ra phố”.

 

Chị Loan người đem "hương vị quê nhà" Tiên Phước vào thành phố Hồ Chí Minh

 

Về Tiên Phước, nhiều nông dân khoe, bây giờ thương lái đến tận nhà để mua, từ trái ớt, trái chanh, bó sả, đến trái cam, trái quýt trong nhà. Họ thích nhất hoa quả phải còn nguyên lá, tươi ngon. Mọi người thường trồng rau trong vườn, nuôi heo nhỏ lẻ tại gia đình chứ không nuôi theo trang trại nên rất đảm bảo. Dù giá đắt hơn so với thị trường chung nhưng khách đặt mua vẫn đông. Nguồn cung ít nên vài ba ngày mới có thịt một lần. Tiên Phước cũng là nơi có nhiều đặc sản như nấm lim xanh, tiêu… hiện nay đang mùa lòn bon, nên rất đa dạng sản phẩm.

               Món chuối chần và mít trộn đặc trưng ở quê Tiên Phước do chị Loan làm bán

Chị Loan chia sẻ, tôi đưa hình ảnh hàng hóa lên facebook, khi khách có nhu cầu mặt hàng gì, số lượng, ngày nhận, thì nhắn tin đặt hàng. Khi ấy, chúng tôi có đội ngũ thu mua, đóng thùng xốp, chuyển bằng xe khách. Khi hàng vào tới nơi, phân loại theo đơn hàng, chuyển hàng bằng xe máy đến tận nơi cho khách hàng có nhu cầu. Chúng tôi làm ăn lâu dài, trong khi khách hàng chỉ cần yêu cầu sạch và ngon, lại có hương vị quê nhà, nên phải lấy chữ tín làm đầu.   

Nhiều bà nội trợ ở thành phố đã và đang chuyển dần niềm tin vào thị trường rau sạch, rau quê. Với nhiều chủng loại đặc trưng: rau diếp cá ruộng, rau húng, khổ qua gai nhọn, ngọn rau lang, rau muống, nải chuối, trái bưởi, trái mướp, mít non, dưa cải muối, mắm cà... Chị Loan cho biết thêm: “Ban đầu là đối tượng khách hàng người gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng sau này thì khách đủ mọi miền. Đặc biệt hơn, là tất cả khách hàng đều chấp nhận giá cả, cao hơn so với giá thị trường, bởi rau toàn bộ do dân làng trồng ở quê. Họ trồng để nhà ăn, nhưng nhiều quá nên bán kiếm vài đồng mua thịt cá.

                                   Lòn bon  chị Loan đưa từ Tiên Phước vào Sài Gòn

Vì là rau nhà trồng ăn nên họ không bao giờ phun thuốc trừ sâu hoặc bỏ thuốc tăng trưởng”. Mùa lòn bon năm nay, chị đã bán hơn chục tấn trái lòn bon… Nhiều người dân ở Sài Gòn lần đầu tiên được ăn loại trái cây này, họ khen ngon hơn lòn bon của Thái Lan. Không gì riêng ở Tiên Phước, ở Đại Lộc còn có rau sạch, bánh tráng, gà thả vườn cũng được người dân ở các thành phố lớn ưa thích. Vì nơi đây có tuyến xe khách chạy hàng ngày, sắp tới, khi xây xong tuyến đường cao tốc thì việc vận chuyển càng dể dàng và thuận tiện hơn. 

Nhiều người ở thành phố vẫn ăn được rau sạch đậm vị quê với giá phải chăng. Như rau lang, rau dớn 7 nghìn đồng một bó; thịt heo ba chỉ 120 nghìn đồng/kg; gà ta 155 nghìn đồng/kg; chuối chần 35 nghìn đồng/hủ; khổ qua 30 nghìn đồng/kg; ốc đá và lòn bon 35 nghìn đồng/kg… Không riêng ai, mà với nhiều bà nội trợ khác, thực phẩm quê đang trở thành “chủ lực” trong bữa ăn thường ngày của gia đình.

                 Bữa cơm gia đình ở phố toàn các món ăn đặc sản ở quê gửi vào

Khi thực phẩm bẩn, nguồn gốc không rõ ràng tràn lan và khó kiểm soát, đe dọa trực tiếp sức khỏe của người sử dụng thì thực phẩm an toàn, có độ tin cậy cao được nhiều người lựa chọn. Kinh doanh dịch vụ này, đã giúp cho người nông dân tiêu thụ được sản phẩm, có thêm thu nhập và giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm của Quảng Nam.      

                                                                Hà An - Báo Quảng Nam