www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đào tạo nghề nông nghiệp gắn với phát triển KTV - TT: Dấu ấn Tiên Phước

Những năm qua, huyện Tiên Phước luôn chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế vườn – trang trại. Từ đó, giúp người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và giảm nghèo bền vững.

 

Nhiều sản phẩm từ kinh tế vườn của Tiên Phước được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao nên ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Nhiều sản phẩm từ kinh tế vườn của Tiên Phước được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao nên ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG 

Chú trọng đào tạo nghề

Năm 2019, giá trị sản xuất từ lĩnh vực kinh tế vườn của Tiên Phước đạt 308 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện. Trên lĩnh vực kinh tế trang trại và gia trại, hiện nay toàn huyện có hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, tổng hợp mang lại hiệu quả tương đối cao. 

Tiên Phước có 15 xã, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 453km². Theo thống kê, toàn huyện có 18.683 hộ dân với hơn 80.000 nhân khẩu, số người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động là 40.000 người và tỷ lệ lao động trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 50,02%. Vì vậy, thời gian qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho lao động nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm.

Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả cao, UBND huyện Tiên Phước và chính quyền các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề; đồng thời ban hành kế hoạch triển khai từng nhiệm vụ cụ thể. 

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT tiến hành khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đặc biệt, ngay sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 17.8.2016) về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025, UBND huyện Tiên Phước nhanh chóng xây dựng đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại - du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là đề án 548). 

Sau khi đề án 548 được tỉnh thống nhất, UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp phải gắn liền với việc phát triển kinh tế vườn – trang trại. Trong đó, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân chỉnh trang vườn nhà, cải tạo và mở mới vườn đồi để hình thành những mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp theo phương thức hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao.

Ông Mai Minh Nguyệt – Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, những năm qua huyện đã chi hơn 1,4 tỷ đồng tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.889 lao động nông thôn. Nội dung đào tạo chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và nhân giống các loại cây ăn quả, trồng đậu phụng, sản xuất nấm, chế biến sản phẩm OCOP... 

Theo ông Nguyệt, hầu hết học viên sau khi hoàn thành khóa học đã biết vận dụng kiến thức vào quá trình sản xuất; tận dụng hết thời gian để chăn nuôi, làm vườn, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, kiến thức từ việc đào tạo nghề thực sự góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng và con vật nuôi.

“10 năm nay tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của Tiên Phước không ngừng tăng lên. Nếu năm 2010, số lao động qua đào tạo nghề của huyện chỉ chiếm tỷ lệ 30% thì hiện nay đã tăng lên gần 62%” – ông Nguyệt nói thêm.

Hiệu quả cao

Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại theo đề án 548 của Tiên Phước ngày càng thể hiện rõ nét. Theo ông Nguyệt, những năm gần đây việc quy hoạch, tổ chức các vùng sản xuất, vùng trồng cây ăn quả gắn với kinh tế vườn tại nhiều nơi trên địa bàn huyện được thực hiện khá bài bản. Hiện nay, tổng diện tích vườn được cải tạo, chỉnh trang và cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả của Tiên Phước là 3.984/5.882ha, chiếm tỷ lệ 68%. Thời gian qua, diện tích các loại cây trồng chủ lực của địa phương không ngừng mở rộng, tính đến thời điểm này toàn huyện có 160ha tiêu, 320ha thanh trà, 350ha lòn bon, 80ha quế, 150ha măng cụt, 124ha sầu riêng,150ha cam và quýt, 1.400ha chuối, 640ha cau, 300ha dó bầu...

Đáng ghi nhận là hiện Tiên Phước có 549 mô hình điển hình trồng cây ăn quả và 100 mô hình điển hình trồng tiêu chuyên canh. Thực tế cho thấy, nhiều vườn hộ điển hình có nguồn thu nhập rất cao như mô hình trồng tiêu đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm, mô hình trồng măng cụt đạt 450 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng sầu riêng đạt 500 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng cam đạt 250 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng chuối đạt 300 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng lòn bon đạt 250 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng thanh trà đạt 300 triệu đồng/ha/năm. 

Trong 2 năm 2018 - 2019, nhiều sản phẩm kinh tế vườn có lợi thế của huyện đã được tổ chức liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP với 9 sản phẩm đạt 3 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao như tiêu, quế, sả, nghệ, chè, lòn bon, thanh trà, cam, chuối, dó bầu, gà ta Tiên Phước. Năm 2020, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đăng ký sản phẩm kinh tế vườn tham gia chương trình OCOP gồm gà thảo mộc, cam sấy dẻo, chuối sấy dẻo, chuối sấy khô, tinh bột nghệ, dầu gấc.

“Có thể khẳng định, những năm qua kinh tế vườn của Tiên Phước có bước chuyển mạnh mẽ. Nếu năm 2015 giá trị sản xuất bình quân toàn huyện trên lĩnh vực này chỉ đạt 60 triệu đồng/ha thì năm 2019 tăng lên 120 triệu đồng/ha. Cách đây 5 năm, thu nhập bình quân từ kinh tế vườn chỉ đạt 30 triệu đồng/hộ, đến năm ngoái đạt 50 triệu đồng/hộ” – ông Nguyệt nói thêm.

Nhã Phương - Báo Quảng Nam