Dân trồng cau phát rầu vì cau tươi rớt giá
Đang vào đầu vụ nhưng cau tươi trên địa bàn Quảng Nam thời điểm này rớt giá so với cùng thời điểm năm 2018. Không chỉ lo, rầu bởi giá cả, người trồng cau còn thấp thỏm khi thương lái thu mua nhỏ giọt, nhiều nơi "đỏ mắt" tìm thương lái.
Mất mùa, rớt giá
Người dân ở các vùng quê Tiên Lãnh, Tiên Cảnh (Tiên Phước) đang lo lắng, sốt ruột khi cau ở đầu mùa thu hoạch nhưng giá từ 7.000 đồng/kg rồi rớt xuống còn 5.000 - 6.000 đồng/kg cau tươi, tuy vậy thương lái thu mua nhỏ giọt, cầm chừng. Nguy cơ cau tươi nếu không được thu hoạch kịp thời sẽ già, phải bỏ đi hoặc chỉ bổ ra phơi khô. Cau khô bán cũng chẳng bao đồng nên nhiều người đành tìm cách bán hết cau tươi với bất cứ giá nào, miễn có người đến thu hái.
Vườn nhà anh Nguyễn Văn Ty (thôn 7A, xã Tiên Cảnh) trồng 70 cây cau, đang thời điểm thu hoạch nhưng do mấy tháng khô hạn kéo dài vừa qua làm vườn cau xác xơ, tiêu điều, trái lép, trọng lượng buồng giảm nhiều.
Theo anh Ty, mỗi gốc cau cho 15 - 30kg cau tươi nếu được mùa. Với giá bán tại vườn 20 - 38 nghìn đồng như thời điểm năm 2018, mỗi gốc cau cho thu nhập 300 - 500 nghìn đồng, với 70 gốc, gia đình anh thu về hơn 20 triệu đồng. Nhưng năm nay vườn cau trổ buồng nhỏ, thưa, hư nhiều mà giá thấp ở đầu vụ. Mỗi gốc cau chỉ cho chừng 7 - 10kg, giảm nửa trọng lượng và giảm 1/7 giá cả so với năm 2018.
"Xứ Tiên Cảnh, Tiên Lãnh và nhiều vùng Trà My là "thủ phủ" của cây cau. Cây này chỉ thích hợp với vùng đất bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao. Vùng này cau ngon hơn và có năng suất hơn các vùng khác nên giá luôn nhỉnh hơn 1 - 2 giá. Chừ giá rớt thì ai cũng bán tháo để cau khỏi già và hư" - anh Ty nói.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (thôn 7A, xã Tiên Cảnh) trồng hơn 30 cây cau. Năm trước, ông thu vài tạ cau tươi, bán được 13 - 14 triệu đồng. Mấy tháng hạn liên tục vừa qua khiến vườn cau chết héo, vàng ngọn, nhờ mấy trận mưa gần đây cây mới hồi sinh. "Cau mất mùa, ít trái lắm. Ở đây có chừng 100 hộ trồng cau trong vườn, nhà nào cũng mất mùa, chỉ những vườn nào gần sông suối thì may ra đỡ hơn. Mất mùa đã khổ, cau rớt giá càng khổ hơn. Năm ngoái người tới vườn nườm nượp, năm nay chưa thấy ai hỏi mua" - ông Thịnh kể.
Tại thôn Mỹ Thượng Tây (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước), nhiều hộ trồng cau cũng lo lắng, "đỏ mắt" trông tiểu thương tới vườn thu hái. Ông Tăng Ngọc Hào - Trưởng thôn Mỹ Thượng Tây cho hay, cả thôn nhà nào cũng có trồng cau, hộ ít thì 5 - 10 cây, nhiều thì 70 tới cả 100 cây nhưng chưa thấy ai thu hái. "Vườn nhà tôi cũng trồng 70 gốc cau, có cây cho tới 30 - 40kg, bình quân mỗi cây cho 20kg cau tươi nhưng năm nay nắng nóng cau rụng nhiều, năng suất chỉ bằng 1/3 hay 1/2 năm trước" - ông Hào nói.
Năm trước, cả thôn Mỹ Thượng Tây thu được 35 tấn cau, với giá bán 30 nghìn đồng/kg cau tươi, hộ ít bán được 10 - 15 triệu đồng, nhiều thì cũng 30 - 40 triệu đồng. Năm nay, sản lượng cau chỉ còn 1/3 năm trước. "Không riêng xã Tiên Mỹ, cả huyện Tiên Phước đến huyện Bắc Trà My cũng thất thu mùa cau" - ông Hào nói.
Không nhân rộng
Nhiều vùng quê ở Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên cũng trồng nhiều cau, tập trung ở nhóm hộ có đất vườn rộng. Cứ đến mùa cau, nơi nào cũng có cơ sở thu mua cau tươi, cau non mọc lên. Nhiều thương lái cũng lặn lội tới tận các vườn hái cau, chở cau đi nhập cho các đại lý kiếm lời. Thời điểm được mùa, được giá, thu hái cau tại vườn rồi đem nhập cho các đại lý lớn, mỗi tiểu thương có thu nhập 1 - 3 triệu đồng/ngày là chuyện thường.
Ông Trần Th. (trú Đại Nghĩa, Đại Lộc) cho biết: "Năm được mùa, được giá, chỉ một mùa cau, tôi lãi ròng 30 - 40 triệu đồng. Khi hút hàng, phải lặn lội vô tận các vườn quê hẻo lánh, cau non cũng cân tuốt".
Ông V.T. (quê Duy Xuyên) cho hay, mùa thu mua cau năm trước, sau khi trừ hết các khoản chi phí, ông lãi mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. Cau dày, cau non được nhiều đại lý hấp chín rồi sấy khô, đóng gói xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Không chỉ các chủ vườn, người hái cau, thương lái có thu nhập tốt mà các đại lý, cơ sở hấp, sấy cau cũng ăn nên làm ra.
Mấy năm được giá, diện tích trồng cau ngày càng nhân rộng tự phát trong dân. Mỗi mùa cau với giá cả lên xuống thất thường, đi kèm với nỗi phập phồng, lo âu của nhà vườn... Tại Điện Bàn, chủ trương của thị xã là không nhân rộng mô hình trồng cau để tạo sản phẩm hàng hóa bởi cây trồng này bấp bênh đầu ra, giá cả, thị trường không ổn định. Một số địa phương khuyến cáo nhân dân trồng cau để tạo cảnh quan làng quê, phát triển du lịch sinh thái, vừa lấy trái.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thông tin: "Toàn thị xã có 7ha trồng cau, chủ yếu ở Điện Minh, Điện Nam Bắc. Thị xã không nhân rộng, cũng không phát triển, vì cau khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa".
Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho rằng, mấy năm trở lại đây, nhất là 2017 - 2019 thị trường và giá cau rất tốt, giá trị đem lại từ cây cau rất khá. Địa phương khuyến cáo người dân phát triển cây cau bên cạnh các loại cây trồng đặc hữu vừa tạo sản phẩm hàng hóa, vừa tạo cảnh quan du lịch sinh thái. Các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp có diện tích khá lớn; một số xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ... có trồng cau nhưng không nhiều. Tiên Phước cũng có nhà máy thu mua cau tươi để sơ chế, sấy khô xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2019, thị trường chững lại vì phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Hoàng Liên - Phương Phương, Báo Quảng Nam