www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đời luôn ở phía trước...

Làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn vậy, vẫn trầm mặc tựa lưng vào núi, vẫn cái nhìn đầy đăm chiêu về phía biển. Màu xanh nơi ấy, như chỗ bấu víu để những phận đời dìu dắt nhau qua tủi hờn, để những ngày lầm lũi đang dần trở thành xưa cũ.

 

Đi qua những cơn đau cả thể xác lẫn tâm hồn, người làng phong đã ra ngoài với xã hội. Ảnh: XUÂN THỌ
Đi qua những cơn đau cả thể xác lẫn tâm hồn, người làng phong đã ra ngoài với xã hội. 

1. Chúng tôi tìm đến, bà Trương Thị Thu (60 tuổi) quẳng cái rựa xuống nền cát trắng, bỏ dở công việc rọc lá dừa, về ngồi tựa cửa lần giở ký ức. Hình như là xa lắm, đâu chừng gần 60 năm trước, khi bà được dăm ba tuổi, thì mẹ và cậu ruột dắt díu nhau vào đây. Tất nhiên là khi ấy, bà không biết họ đi đâu và vì lý do nào. Lớn lên một chút, qua lời người lớn, bà mới biết là mẹ và cậu vào Quy Hòa để chữa bệnh phong, mà người ta vẫn quen gọi là cùi hay hủi. Hai cái tên về địa danh và bệnh, chẳng làm bà mảy may điều gì, ngoài nhớ mẹ. Có thể khi ấy, bà còn quá bé để hiểu hết nỗi tủi hờn của người mắc bệnh phong, và do đó, bà không thể mường tượng hết cái rùng mình của người đời khi nghe nhắc đến làng phong Quy Hòa. Vậy mà đến khi bà chập chững vào thì con gái, lại phải lên chuyến xe vào nơi này vì cái xô đẩy của định mệnh: bà cũng mắc bệnh phong!

Ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân làng phong Quy Hòa cho biết, làng phong có khoảng 250 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 430 bệnh nhân, thuộc 10 dân tộc, cùng sinh sống.

Đó là lần đầu tiên bà lên xe rời làng quê Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước). Và cho đến bây giờ, khi ở bên kia sườn dốc cuộc đời, chuyến đi ấy vẫn đang là chuyến đi xa duy nhất trong đời bà. Đó dường như là một chuyến đi biền biệt… Bệnh tình của bà, được phát hiện kịp thời khi mới có những dấu hiệu ban đầu, lại nhờ thuốc kìm hãm, vì thế mà không phải nếm trải quá nhiều sự giày vò bởi bệnh tật. Nhưng một khi mang tiếng là con hủi, bà biết rằng đó mới là nỗi đau lớn nhất đời mình. Nên thành ra, kể từ ngày bước chân vào làng phong, bà hầu như không dám rời khỏi nơi này. Dù nếu bà không nói mình mắc bệnh phong, và không gặp bà ở Quy Hòa, sẽ chẳng ai có thể nhận ra bà mắc bệnh phong. Vậy mà khi vẻ bên ngoài có thể đánh lừa được người khác, bà Thu vẫn không dám rời khỏi nơi này.

Tôi hỏi: “Vì sao?”. Bà đáp lời, trong khi ánh nhìn xa xăm: “Hồi đó chứ có phải bây giờ đâu, nghe nói bệnh cùi, bệnh hủi là họ sợ, họ xa lánh, họ dị nghị ghê lắm. Nên những người mắc bệnh phong như chúng tôi ở đây, chẳng ai dám ra ngoài”. Vì không dám ra ngoài, nên không dám trở về, bà Thu vứt bỏ tuổi xanh để ở lại với mẹ. Hai mẹ con nương nhau mà sống, trong tình thương san sẻ của những mảnh đời cùng cảnh như mình. Bởi nơi này, không chỉ có mỗi mẹ con bà Thu, mà còn hàng trăm mảnh đời như thế.

2. Chọn ở lại làng Quy Hòa, hai mẹ con bà Thu rau cháo nuôi nhau. Những lúc buồn, họ dắt nhau ra phía biển, ngồi hướng về phía xanh thăm thẳm, như để gió cuốn đi những muộn phiền. Mẹ bà Thu, giờ đã ra người thiên cổ. Nhưng bà Thu còn chồng, còn con, còn cháu. Ông Tuấn, chồng bà bệnh nặng hơn bà rất nhiều, và vào đây trước bà nhiều năm. Ngày đó, hai trái tim trẻ, sau chuỗi tháng ngày đập những nhịp đau đớn tủi hờn mà định mệnh nghiệt ngã ném xuống, dường như bắt đầu biết thổn thức. Đó là ngày những hàng dừa vươn mình đón nắng mới, bên ô cửa, từng cánh hoa sứ rơi nhẹ trên nền cỏ xanh. Đó là lúc, họ biết rằng mình đã phải lòng nhau!

Bà Thu bây giờ sống bằng nghề là chổi lá dừa.
Bà Thu bây giờ sống bằng nghề là chổi lá dừa.

Thời ấy, theo lời những người mắc bệnh phong, thì họ không được phép cưới nhau, vì sợ lây bệnh sang cho con cháu. Đó là chưa nói đến việc, khi biết hai người có ý định ở với nhau, cả mẹ bà Thu và gia đình phía ông Tuấn đều không đồng ý. Họ thương bà thân con gái đã chịu khổ vì bệnh tật, lại phải thêm gánh nặng chăm sóc cho ông Tuấn, bởi ông Tuấn bệnh nặng hơn rất nhiều và đã mất một phần cơ thể. Nhưng tình yêu, luôn có lý do riêng và sức mạnh mãnh liệt, và họ đã biết dùng nó để vá víu cuộc đời buồn tênh của mình.

Viết đến đây, tôi nhớ đến khuôn mặt của bà Phạm Thị Thương (75 tuổi), sau khi bà thắp nén nhang cho chồng, rồi lăn xe ra phía cửa ngồi ưu tư. Ông Tâm, chồng bà, mất đâu hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Cả hai con người quê Quảng Nam này, hơn 40 năm trước, vào làng phong Quy Hòa với hai nỗi đau: đau vì mắc phải căn bệnh này, và đau vì phải xa gia đình yên ấm của mình. Khi ấy, bà Thương ở tuổi 35, có gia đình với 3 người con; còn ông Tâm, cũng đã có gia đình với 2 người con. Bệnh phong đã tước đi tất cả hạnh phúc của họ. Ở ngôi làng ven biển dường như tách biệt với thế giới bên ngoài này, họ tìm thấy sự nương nhờ lẫn nhau những lúc thở than, mà nên nghĩa vợ chồng. “Chúng tôi cũng muốn có với nhau đứa con cho vui nhà vui cửa, nhưng không được” - bà Thương như buột miệng, rồi ngồi im lặng, tay day day bánh xe lăn. Lát sau bà nở nụ cười, cơ chừng hiểu ý tôi muốn hỏi lý do, bà đáp: “Thì cũng may là mấy đứa con của tôi và của ổng biết và hiểu chuyện, nên thương chúng tôi lắm, thỉnh thoảng ra vào ghé thăm, dù kinh tế của chúng chẳng mấy khá giả gì. À, chúng còn hòa thuận với nhau nữa…”.

3. Tôi lắng nghe câu chuyện vui của bà Thương, và đắm nhìn khuôn mặt hạnh phúc của bà. Rồi lặng lẽ rời đi, để bà yên bình với những ý nghĩ của mình. Dẫu sao thì, đến nay, cái nhìn đầy dị nghị đối với bệnh nhân phong dường như đã được trút bỏ khá nhiều. Nhưng hơn hết, là họ biết san sẻ, “làm hòa” với nỗi đau của nhau, đón nhận và sống với những yêu thương dành cho nhau. Để rồi, vun đắp thành động lực trong hành trình “ra ngoài” của con cháu họ. “Ra ngoài”, là ý người làng phong cởi bỏ mặc cảm để hòa nhập cùng xã hội đang nhộn nhịp mỗi ngày. Như con gái bà Thu chẳng hạn, dù chị vẫn sinh sống ở làng phong, nhưng đã tìm được việc làm trong một xưởng gỗ đóng trên địa bàn TP.Quy Nhơn.

Bà Thương nhớ người chồng quá cố của mình.
Bà Thương nhớ người chồng quá cố của mình.

“Nhưng không chỉ có con gái chị Thu đâu, mà nhiều lắm” - ông Nguyễn Trọng Hoàng - thành viên Hội đồng bệnh nhân phong ở làng phong Quy Hòa cho biết. Theo lời ông Hoàng, thì không những ra ngoài, hòa nhập với xã hội, mà lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở làng phong hiện đã có khá nhiều người thành đạt khắp trong nam, ngoài bắc. “Có thể cụ thể hơn được không ạ?” - tôi đề nghị. Không đắn đo, ông Hoàng đáp: “Thì bọn nó bây giờ bác sĩ, kỹ sư thành đạt nhiều lắm”. Tôi định hỏi thêm điều cụ thể hơn, nhưng thấy âm điệu trong câu trả lời của ông Hoàng có điều chưa ổn. Tôi đoán, ông đang… thận trọng! Ông sợ nếu kể chi tiết và tôi đưa lên mặt báo, thì những người-con-ưu-tú của làng phong phút chốc sẽ bị phiền nhiễu. Té ra, trong xã hội hiện đại vẫn chưa xua tan hết đám mây kỳ thị người mắc bệnh phong, hay con cháu của bệnh nhân phong. Chỉ là chúng trở nên vô hình hơn mà thôi.

Hai mươi năm gắn bó với hàng trăm bệnh nhân phong, bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, đã cảm thấu bao niềm đau thể xác lẫn ám ảnh tinh thần của những bệnh nhân phong. Những người thầy thuốc ở đây, vì thế mà ngoài nhiệm vụ chính là điều trị bệnh phong, còn phải luôn sử dụng những liệu pháp tâm lý để bình ổn tinh thần vốn chịu quá nhiều tổn thương của bệnh nhân phong. “Về con cháu bệnh nhân phong ra ngoài và thành đạt trong xã hội, cảm xúc của ông thế nào?” - tôi hỏi. “Tất nhiên là vui. Không chỉ riêng của tôi, mà là tất cả chúng tôi ở đây” - bác sĩ Tuấn Anh đáp lời. Rồi cười, kiểu như đời luôn ở phía trước, mà!

                                                               Xuân Thọ - Báo Quảng Nam