www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Độc đáo lăng Bà Hán

 Ở xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, có một cái lăng rất độc đáo: đó là lăng Bà Hán. Độc đáo ở chỗ tuy gọi là lăng nhưng không có tường bao, mái che và lịch sử của lăng gắn liền với hai cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi...

 Nằm trong một khu vực cây cối rậm rạp, lăng Bà Hán cách trục đường liên xã khoảng 200m và được che phủ bởi những tán cây khổng lồ của hai cây sanh cổ thụ. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là không khí linh thiêng và uy nghiêm của một nơi thờ tự; một cảm giác dễ chịu, thư thái đến lạ thường khi đứng dưới những tán cây rượi mát. 

Anh Đoàn Văn Bảy (nhà ở ngay phía trước lăng và là người chịu trách nhiệm vệ sinh, hương khói tại lăng) cho biết: “Khu vực này trước đây là vùng đồi núi rậm rạp, cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình nhưng không có dân cư sinh sống và ít người lui tới. Về sau có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hán đã chọn nơi đây lập một miếu thờ nhỏ để thờ tự, tri ân công đức vị tiền hiền họ Nguyễn và các bậc tiền nhân - những người có công khai phá, khẩn hoang và lập nên làng xã tại vùng đất này... Còn hai cây sanh cổ thụ thì đã có tự bao giờ, có lẽ cũng được 300 - 400 năm tuổi".

Hiện nay, khu vực xung quanh lăng Bà Hán, dân cư đã sống đông đúc dọc theo tuyến đường liên xã vừa mới được đầu tư xây dựng. Khu vực lăng bà cũng đã được phát quang, dọn dẹp, xây dựng lại cho sạch đẹp và thoáng đãng hơn. "Một số cây to quanh khu vực lăng Bà Hán được đốn hạ đem bán để có nguồn kinh phí tu sửa lại lăng; đồng thời cũng tạo cho lăng một không gian rộng và thoáng hơn" - anh Đoàn Văn Bảy cho biết thêm.

Tuy được gọi là lăng nhưng lăng Bà Hán chỉ có bốn bệ thờ bằng gạch trên nền xi-măng mà không có tường bao, mái che hay cổng ngõ như những lăng thờ tự khác. Và vòm tán cây mát rượi của hai cây sanh cổ thụ đã trở thành mái che tự nhiên che mưa, che nắng cho lăng. Quả thật là ấn tượng đối với bất kỳ ai khi lần đầu tiên đặt chân đến đây, được mục sở thị hai cây sanh hàng trăm năm tuổi với bộ rễ và gốc cây được thiên nhiên và thời gian tạo nên những hình thù lạ mắt và kỳ ảo.

 

 

Cây sanh thứ nhất với bộ rễ chằng chịt ôm trùm lấy một tảng đá khổng lồ hằn lên những vết trầm mặc của thời gian với rêu phong, địa y bám đầy xung quanh. Những chiếc rễ to lớn với đủ hình thù lạ mắt như những chiếc vòi bạch tuộc vươn ra từ gốc ôm chặt lấy tảng đá. Có lẽ chính nhờ sự liên kết này mà bao đời nay cây sanh vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mặc cho mưa to, gió lớn, bão bùng; và cũng chính nhờ đó mà tảng đá khổng lồ này vẫn nằm nguyên một chỗ hàng trăm năm nay mà không bị biến dạng, sứt mẻ hay lăn đi nơi khác dưới tác động của thời gian, thiên nhiên và của cả con người.

Cây sanh thứ hai thì càng độc đáo hơn với bộ rễ tạo hình thành một vòm hình vòng cung cao khoảng 3m. Chúng tôi thật sự ấn tượng với cây sanh thứ hai này vì trông nó không khác gì một cái cổng tự nhiên dẫn vào lăng. Phía trên hai cây sanh cổ thụ này là hàng trăm nhánh cây đan xen vào nhau tạo thành những tán cây khổng lồ không những che phủ cho khu vực lăng mà cả một vùng rộng lớn xung quanh. Vào những mùa quả sanh chín đỏ, từng đàn chim hàng nghìn con không biết từ đâu bay về ăn quả nhảy nhót, ríu rít suốt ngày rất vui nhộn.

Ông Nguyễn Văn Bình, một cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất Tiên Hà trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho biết, ông cũng là hậu duệ của vị tiền hiền họ Nguyễn đang được thờ tự tại lăng, nhưng rất tiếc đến nay tộc họ vẫn chưa tìm được gốc gác của vị tiền hiền này. Hằng năm, vào mỗi dịp giỗ, kỵ con cháu tộc Nguyễn trong vùng thường đem lễ vật đến lăng Bà Hán cúng và hương khói để tri ân công đức các bậc tiền nhân. Ông còn cho biết thêm: "Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do khu vực lăng Bà Hán là nơi thờ tự linh thiêng, cây cối rậm rạp, ít người lui tới nên các cán bộ huyện, xã mỗi khi về đây công tác thường chọn lăng bà làm nơi trú ẩn để hoạt động cách mạng...".

Thường thì lăng mang tên người được thờ tự, kính ngưỡng bên trong, nhưng ở đây, lăng lại mang tên người lập nên lăng đó. Có lẽ đó cũng là một nét độc đáo hi hữu của lăng Bà Hán trên dải đất miền Trung.

                                                                                          An Trường - Báo Đà Nẵng