www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Độc đáo bãi đá Lò Thung

Nằm sát làng cổ Lộc Yên, bãi đá Lò Thung (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) với quần thể đá cổ giăng đầy trên dòng sông Đá Giăng, khiến ai đặt chân đến đều có cảm giác lạc vào tiên cảnh...

 

Vẻ đẹp ảo huyền của thắng cảnh Lò Thung (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vẻ đẹp ảo huyền của thắng cảnh Lò Thung (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Ảnh: HOÀNG LIÊN 

Dòng sông Đá Giăng đi qua khu vực bãi đá Lò Thung với quần thể đá suối, sông nước hữu tình, thơ mộng. Trên vài cây số qua bãi đá Lò Thung, dòng sông Đá Giăng với con nước mát, xanh như ngọc, chỉ toàn là đá lớn nhỏ nhấp nhô, ken dày, có đoạn những phiến, ụ đá lớn nhỏ lô nhô khỏi mặt nước trong xanh ngỡ như có bàn tay sắp đặt. Thú vị khi có đoạn, đá trải dài như chiếc phản được mài giũa, đẽo gọt phẳng lỳ; có đoạn đá gồ ghề, lởm chởm, bày ra với dáng vẻ, hình thù lạ mắt... 

Lò Thung còn có những hang đá mát rượi, mỗi hang đủ cả đoàn 5 - 7 người nghỉ mát sau khi tắm lội thích thú ở dòng suối trong lành kia. Bờ sông đá cũng là nơi nhiều du khách có thể nhóm bếp nướng thức ăn mang theo hoặc bắt ốc đá trong lòng, khe suối để xào. 

Nhưng theo chị Trà Thị Diễm ở xã Tiên Cảnh, nếu chỉ ghé bãi đá Lò Thung thì vẫn chưa thưởng thức hết được vẻ đẹp của dòng sông Đá Giăng. Phải đi hết một số đoạn sông Đá Giăng chảy qua Tiên Cảnh với chiều dài 5 cây số, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông đá từ trên cao, mới có thể thâu vào tầm mắt vẻ đẹp của vùng đất “ngũ thập tiên sa” mà tạo hóa ban tặng. Sông Đá Giăng là một nhánh phụ lưu của con sông Tiên nước chảy ngược dòng. Bãi đá Lò Thung nằm ở đoạn cuối của sông Đá Giăng trước khi đổ vào sông Tiên tại thị trấn Tiên Kỳ.

Đến Lò Thung thời điểm hợp lý nhất là buổi sớm mai hoặc buổi chiều để tránh ánh nắng oi ả. Chiều, những cọng khói bay lên trời từ một vài góc nhà, tiếng chim gọi bạn, trong tĩnh mịch khi hoàng hôn chiếu rọi, những tia nắng sót lại xuyên qua rặng cây, xuyên qua những bờ đá giăng tạo nên bức ảnh đẹp mê hồn. Lò Thung đẹp nhất là khoảnh khắc bình minh và chiều tà, gợi lên thứ cảm xúc khó tả. Giữa sông núi, cỏ cây, đá nước giao hòa như một thứ mật ngôn. Tôi từng nhớ tới nghệ thuật suiseki của Nhật Bản, tức là sự giao hòa giữa đá và nước. Nói đúng hơn là những viên đá, viên sỏi được nước chảy nghìn năm bào mòn, đẽo gọt tạo nên những viên đá đẹp, có hồn, được cánh săn đá sùng bái. 

Với Lò Thung, không chỉ một mà cả dòng sông đá - nước mang đầy tính nghệ thuật của sự sắp đặt đến từ bàn tay tạo hóa đáng chiêm ngưỡng. Cùng với Lò Thung, du khách có thể ghé Bãi Lội, Chăng Lớn, Chăng Nhỏ, ghé làng cổ Lộc Yên cách đó không xa thưởng ngoạn vẻ đẹp làng quê. Hay ghé Đào Gia Trang, nhà hàng Lộc Yên, ghé vườn cô Nguyệt ở thôn 4, Tiên Cảnh để thưởng thức các món ăn đặc sản bản địa như ốc đá xào, mít trộn, cá niên nướng, cháo ong, ong trộn, gà hầm muối, gà nướng. Rồi thong dong trên hành trình đến với hang Dơi - Tiên An, đến với đập Ồ Ồ... tận hưởng những “công viên” đá đẹp ở từng khoảnh khắc.

Đến nay, bãi đá Lò Thung và dòng sông Đá Giăng vẫn giữ được nét sơ nguyên vốn có, chưa hề bị can thiệp, tác động bởi con người. Dù được quy hoạch tạo điểm đến phục vụ du lịch, song thắng cảnh vẫn còn là tiềm năng, dịch vụ hầu như chưa phong phú, đa dạng, sự kết nối tạo điểm đến còn hạn chế và người dân lân cận chưa được hưởng lợi đáng kể từ du lịch. Với sức hút lớn của loại hình du lịch sinh thái, hy vọng thắng cảnh hữu tình này sẽ được chú trọng đầu tư, khai thác bài bản, tạo điểm đến độc đáo cho du khách.

Hoàng Liên - Báo Quảng Nam