www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động Công đoàn trên địa bàn huyện

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 02-KH/HU, ngày 19/11/2010 của BTV Huyện ủy Tiên Phước về đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

        Trong những năm qua, LĐLĐ huyện đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2014), tôi xin trao đổi một vài phương pháp hoạt động công đoàn mà LĐLĐ huyện Tiên Phước thường áp dụng trong những năm gần đây.

         Phương pháp hoạt động công đoàn là cách thức tác động đến người lao động và đoàn viên nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung và nguyên tắc hoạt động công đoàn trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Trong điều kiện cán bộ chuyên trách công đoàn ít, kinh phí khó khăn, số CĐCS nhiều. Toàn huyện có 34 CĐCS và trên cơ sở, địa bàn hoạt động rộng, đối với cơ sở cán bộ công đoàn kiêm nhiệm trong khi đó yêu cầu nội dung hoạt động rất nhiều. Để giải quyết bài toán đầy khó khăn này cần coi trọng phương pháp hoạt động, đây chính là yếu tố quyết định cho sự thành công về xây dựng, phát triển phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn huyện nhà.

         Một là, coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể liên quan

        - Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và công tác giáo dục pháp luật, hằng năm LĐLĐ huyện phối hợp tốt với Trung tâm bồi dưỡng chính trị quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên, các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cán bộ công đoàn ...; phối hợp với phòng Tư pháp tổ chức học tập Hiến pháp và các văn bản luật có liên quan đến cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ huyện còn phối hợp với UBMTTQ huyện tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp với cán bộ, CNVCLĐ trên địa bàn huyện.

        - Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, LĐLĐ huyện phối hợp với Trung tâm văn hóa, TDTT và các ngành liên quan tổ chức cấp huyện 2 giải với quy mô lớn, thường chia thành 2 khối (khối xã, thị trấn và khối cơ quan cấp huyện) và tham gia cấp tỉnh từ 2 đến 3 giải đạt thành tích cao như giải nhất toàn đoàn giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam trong 2 năm 2013, 2014, giải ba hội thi tuyên truyền viên giỏi về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2013.

        - Đối với công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp: LĐLĐ huyện phối hợp với BHXH, phòng LĐ-TB&XH, Thanh tra và Chi cục thuế... tiến hành kiểm tra mỗi năm từ 2 - 3 doanh nghiệp, cụ thể năm 2013 kiểm tra Công ty cổ phần thủy điện Sông tranh 3 và công ty TNHH Lương Toàn, năm 2014 kiểm tra công ty TNHH Thế Vỹ và công ty TNHH Bình An Phú.

         Trong công tác phối hợp phải làm tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, thực hiện đúng nội dung liên tịch đã ký kết. 

        Hai là, những nội dung còn khó khăn, vướng mắc cần phải tổ chức các buổi tọa đàm nhằm tìm cách khắc phục

        Tổ chức tọa đàm, hội thảo là nhằm để trao đổi những cách làm hay những nội dung thiết thực, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc... tạo sự đồng thuận trong triển khai, tổ chức thực hiện. Năm 2008, sau khi thành lập công đoàn xã, thị trấn, một mô hình mới có những đặc thù nhất định, cần có sự thống nhất về nội dung và phương thức hoạt động, LĐLĐ huyện tổ chức tọa đàm “Mô hình hoạt động công đoàn xã, thị trấn”, năm 2009 tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn cơ sở” và năm 2013 LĐLĐ huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức tọa đàm về “Công tác phối hợp giữa UBND xã, thị trấn và BCH công đoàn cơ sở” nhằm giải quyết mối quan hệ phối hợp trong công tác thi đua khen thưởng, tổ chức hội nghị cán bộ công chức và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 


Tọa đàm công tác phối hợp giữa UBND và BCH CĐCS xã, thị trấn
 

        Ba là, tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ

          Đối với công đoàn cơ sở phần lớn có số lượng đoàn viên, CNVCLĐ ít, khó khăn về kinh phí hoạt động và lực lượng diễn viên, vận động viên khi tham gia các phong trào do LĐLĐ huyện phối hợp tổ chức. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong việc tham gia các phong trào, nhất là những giải có quy mô lớn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ... LĐLĐ huyện chủ trương các công đoàn cơ sở liên quân với nhau. Đối với khối xã, thị trấn, giao cho công đoàn xã, thị trấn chủ trì phối hợp với các công đoàn trường học trên địa bàn xã, thị trấn hình thành một đội với tên gọi của xã đó để tham gia.

         Đối với khối công đoàn cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang cấp huyện cho phép những cơ sở có dưới 20 CNVCLĐ liên quân từ  2 - 5 cơ sở tùy theo tính chất của giải, như giải bóng đá có nhiều cơ sở liên quân hơn so với giải cầu lông chẳng hạn, trong việc bố trí liên quân có sự gợi ý của LĐLĐ huyện để lực lượng của các đội có sự tương đồng và duy trì trong nhiều năm liền. Cách làm này nhằm giúp cơ sở giảm bớt khó khăn về kinh phí, đảm bảo lực lượng diễn viên, vận động viên của các đội khi tham gia, tạo mối quan hệ gắn bó giữa các đơn vị với nhau, nhất là giữa cán bộ xã, thị trấn và giáo viên, nhân viên các trường học, đồng thời chất lượng của giải sẽ cao hơn, thời gian tổ chức giải ngắn hơn do ít đội tham gia và kinh phí tổ chức sẽ ít tốn kém hơn.

        Tuy nhiên, phương pháp này cần phải tiến hành một cách chặt chẽ, đòi hỏi sự thống nhất cao nhất là giữa các cơ sở liên quân trong cùng một đội và phát huy tinh thần trách nhiệm của đội trưởng, đội phó, phát huy dân chủ trong việc tuyển chọn diễn viên, vận động viên và kinh phí tổ chức, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đấu và dễ dẫn đến sự tan rã đội ở lần tham gia tiếp theo.

        Nhờ thực hiện tốt những nội dung, phương pháp nêu trên đã góp phần làm cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn huyện nhà trong những năm qua luôn duy trì và phát triển, được LĐLĐ tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu khối thi đua các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

                                                                    Lê Ngọc Thanh - CT. LĐLĐ Tiên Phước