Đọc lại “Tỉnh quốc hồn ca” của Phan Châu Trinh
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày mất của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (24.03.1926 -24.03.2018), chúng ta cùng ôn lại tác phẩm “Tỉnh quốc hồn ca” cũng như những tư tưởng hết sức sâu sắc của ông, những tư tưởng đến hiện tại còn mang trọn vẹn tính thời sự mà nhiều người gọi là “10 điều bi ai của dân tộc Việt”.
Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân năm 1900, đỗ Phó bảng năm 1901 rồi ra làm Thừa biện Bộ Lễ cho triều đình Huế. Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của con người và xã hội Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế – văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu…
Phan Châu Trinh cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh. Trong bài viết Hiện Trạng Vấn Đề, báo Đăng cổ Tùng báo 1907, Cụ Phan Châu Trinh đã viết: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là ‘Chi Bằng Học’.”
Để thực hiện chủ trương của mình, ông đã tổ chức phong trào Duy Tân và viết những bản kiến nghị gửi lên chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương đề nghị họ thực hiện cải cách.
Trong các tác phẩm của Phan Châu Trinh thì có “Tỉnh quốc hồn ca” là đáng chú ý. Tác phẩm này gồm hai phần (I và II) viết theo thể thơ song thất lục bát, nhưng ra đời vào hai thời điểm khác nhau. Trong đó có giá trị thời sự nhất chính là Tỉnh quốc hồn ca I.
Năm 1906, Phan Châu Trinh đi Nhật Bản trở về, sau đó ông viết Tỉnh quốc hồn ca I. Năm 1907, tác phẩm được phổ biến lần đầu tiên trong các trường kiểu mới ở Quảng Nam và trong trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, sau đó lan truyền ra nhiều nơi khác.
Trong đoạn đầu, sau khi nêu quá khứ vẻ vang oanh liệt của dân tộc Việt, tiếp đến Phan Châu Trinh chỉ trích lỗi lầm của người trên kẻ dưới đã làm cho nước nhà lụn bại. Từ đó, ông đặt vấn đề: phải học tập theo người Âu, người Mỹ (nội dung của 11 đoạn sau). Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Phan Châu Trinh đã so sánh nhiều phương diện về dân khí dân trí của các nước văn minh trên thế giới với dân tình của nước Việt đại để như sau:
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
Trích đoạn Tỉnh quốc hồn ca I:
..Người khanh tướng kẻ tấn thân
Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ,
May ra rồi ăn xớ của dân.
Khoe khoang rộng áo dài quần,
Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.
Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể,
Học cúi luồn kiếm thế vơ quào.
Thầy tư lại, bác kỳ hào,
Gặm xương, mút đũa lao nhao như ruồi.
Lại có kẻ lôi thôi bậc giữa,
Trên lỡ quan, dưới nữa lỡ dân.
Ấy là học sĩ văn nhân,
Ăn sung mặc sướng mà thân không làm.
Người trên đã lam nham như thế,
Những dân ngu sá kể làm chi.
Rượu chè cờ bạc li bì,
Sinh ra trộm cướp, nghề gì mà mong?…
…Người ta chẳng tưởng mơ quyền tước,
Làm quan cốt giúp nước giúp dân.
Những ai khanh tướng công thần,
Ai ai cũng phải lấy dân làm nề.
Nào là kẻ đủ bề tài trí,
Nào là người cả chí kinh luân,
Tiếng khen khắp cả xa gần,
Trong khi tuyển cử thì dân nó bầu.
Chẳng hể phải lòng sau cúi trước,
Cũng chư hề chạy ngược chạy xuôi.
Đến khi được chức lên ngôi,
Dẫu quan quyền nước, thực tôi dân nhà…
…Người mình không đức, không tài,
Ham quan, ham tước, chen vai cúi đầu
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến lỗ giậu chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ lùng thay cái máu tham quan…
…Dân nghèo nước khó mặc lòng,
Cốt mình giữ đặng trong vòng ấm no…
…Nghĩ mình thua sút muôn phần,
Anh em ta phải đua chân mới là.
Trí Đạt - Báo Trí Thức VN