www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Định hình bản sắc trung du

Xác định là vùng đất có điều kiện sản xuất khó khăn nên huyện Tiên Phước đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

1. Khi xã Tiên Sơn tiến hành mở đường giao thông nông thôn đi vào xóm của mình, ông Lê Văn Mai (thôn 5, xã Tiên Sơn) nhận thấy đây là cơ hội góp phần thay đổi cuộc sống gia đình cũng như người dân trong thôn nên tự nguyện hiến hơn 5.000m2 đất và hàng trăm cây lòn bon, cau, chuối, mít…

Sự đóng góp của ông Mai đã khiến những hộ dân khác theo gương, cùng góp đất đai, công sức, vật chất trị giá hơn 80 triệu đồng để làm đường giao thông đi vào xóm. Nhờ vậy mà con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi nhanh chóng hoàn thành, phục vụ đời sống dân sinh cho bà con nhân dân.

Hoặc như ông Mai Quy (thôn 1, xã Tiên Phong) đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất cùng 40 cây cau, 2.000 cây keo và nhiều loại cây cối, hoa màu khác, đóng góp thêm hơn 7 triệu đồng và ngày công để cùng bà con nhân dân trong thôn thuê xe múc đất, san lấp mặt bằng làm đường bê tông nông thôn. Nhân dân thôn 1 đã đóng góp đất đai, tiền của, công sức hơn 70 triệu đồng, cùng nhà nước hoàn thành con đường bê tông, giúp người dân đi lại, vận chuyển keo nguyên liệu thuận tiện.

Đường quê Tiên Phước đẹp hơn nhờ có sự chung tay của nhân dân. Ảnh: D.LỆ
Đường quê Tiên Phước đẹp hơn nhờ có sự chung tay của nhân dân. 

Hội Nông dân Tiên Phước là một trong những đầu tàu kêu gọi, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, vào cuộc trong xây dựng nông thôn mới. Trong các cuộc vận động nhân dân hiến đất đai, vật chất, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, hay tham gia các phong trào sản xuất… hội viên Hội Nông dân luôn chiếm đa số. Vì thế, sự vào cuộc của Hội Nông dân các cấp đã huy động được hơn 7.500 ngày công, cùng hàng trăm triệu đồng tiền của, đất đai, cây cối… để làm mới trên 100km đường bê tông, tu sửa hơn 300km đường giao thông nông thôn, 87 cầu cống và hơn 6.000 ngày công nạo vét kênh mương, đập bổi… Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò bà đỡ, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hóa với tiêu chuẩn hàng nông sản sạch, mang bản sắc vùng quê Tiên Phước.

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân Tiên Phước, cho biết: “Người dân Tiên Phước đã xây dựng được hàng trăm mô hình đặc trưng và hình thành thương hiệu Tiên Phước như trồng tiêu bản địa, nuôi gà thả vườn, lòn bon, thanh trà… Thông qua kênh của hội, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho vay hỗ trợ 2,9 tỷ đồng, tín chấp 101 tỷ đồng để phát triển sản xuất hiệu quả. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục làm cầu nối để đưa sản phẩm của người dân được bao tiêu bởi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất ổn định và phát triển”.

Đặc sản tiêu Tiên Phước đã được phát triển thành công.
Đặc sản tiêu Tiên Phước đã được phát triển thành công.

2. Xác định Tiên Phước là vùng đất có điều kiện sản xuất khó khăn nên huyện đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 5 năm kiên trì mục tiêu chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp, kinh tế trang trại, gia trại, Tiên Phước đã thành công, được tỉnh đánh giá là huyện dẫn đầu khu vực miền núi về xây dựng nông thôn mới. Nhìn lại 5 năm qua, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, với Tiên Phước, cơ cấu chính là nông nghiệp, đại bộ phận đời sống nhân dân dựa vào nông nghiệp gồm lâm nghiệp và chăn nuôi. Tiên Phước xác định khi xây dựng nông thôn mới phải dựa trên tinh thần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ tinh thần quyết tâm của toàn hệ thống chính trị đến toàn dân, công cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã hoàn thành với 3 xã điểm Tiên Sơn, Tiên Phong, Tiên Cảnh đều về đích nông thôn mới, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm.

Sau 5 năm vào cuộc xây dựng nông thôn mới, mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp, kinh tế trang trại, gia trại của Tiên Phước đã xác định được chỗ đứng riêng. Cụ thể, đặc sản tiêu Tiên Phước từ chỗ chỉ còn có 2ha nay đã có 60ha; nhiều hộ có quy mô hơn 500 đến 1.000 choái; diện tích lòn bon đã đạt hơn 220ha; 15/15 xã, thị trấn đều trồng cây dó bầu, nhiều cơ sở chế tác dó trầm ra đời, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.

Trong giai đoạn tiếp theo, Tiên Phước chọn 4 xã tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới gồm Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Thọ, Tiên Lộc. Tuy nhiên, các xã khác cũng đồng thời tận dụng, lồng ghép mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo bộ 19 tiêu chí. Trong các xã còn lại của Tiên Phước, hiện tại không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí. cùng với lòng dân đồng thuận, hệ thống chính trị quyết tâm là điều kiện thuận lợi cho Tiên Phước, phấn đấu đưa huyện thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.

                                                    Diễm Lệ - Báo Quảng Nam